Sản phẩm

Công nghệ mới ứng dụng cho xây dựng - hạ tầng - giao thông

(PCWorldVN) Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ KH-CN Việt Nam) ngày 9/6 phối hợp với Cơ quan Phát triển Hạ tầng giao thông Hàn Quốc tổ chức hội thảo Công nghệ mới ứng dụng cho xây dựng hạ tầng giao thông.

Đây là dịp để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông cũng như tìm kiếm khả năng hợp tác đầu tư.

Tại hội thảo, 8 doanh nghiệp Hàn Quốc đã giới thiệu các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông như hệ thống khe co giãn sử dụng trong cầu đường; công nghệ thi công dầm bêtông tổ hợp dạng vòm liên tục; phương pháp lắp đặt cốt thép chịu độ bền cắt hình xoắn ốc để nâng cao hiệu quả chịu lực cắt của cấu trúc tấm phẳng; phương pháp lắp thanh giằng bằng ống thép dạng tròn để chống đỡ tường chắn đất; công nghệ thi công cầu cáp căng dây băng sử dụng các tấm bêtông đúc sẵn liên kết bởi cáp căng neo đất không trụ đỡ.

sáng tạo khoa học
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội KHKT Xây dựng TP.HCM và Hiệp hội Công nghệ mới Xây dựng - Giao thông Hàn Quốc.

Các đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia tọa đàm trao đổi trực tiếp tại hội thảo về tình hình nghiên cứu và ứng dụng trong xây dựng – hạ tầng - giao thông của Việt Nam và Hàn Quốc, qua đó tăng cường sự hiểu biết và tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ.

Phía Hàn Quốc cho biết, sẽ tích cực nắm bắt nhu cầu công nghệ từ phía doanh nghiệp Việt Nam để từ đó thông qua Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (SATI) sẵn sàng chuyển giao các công nghệ đã được nghiên cứu thành công cho doanh nghiệp Việt Nam hoặc triển khai các hoạt động nghiên cứu theo nhu cầu đặt hàng từ doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội thảo, Hiệp hội Công nghệ mới Xây dựng - Giao thông Hàn Quốc và Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng TP.HCM cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp triển khai ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp.

PCWorld

Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM, ứng dụng công nghệ


© 2021 FAP
  2,750,285       9/850