Sản phẩm

Cơ hội vàng cho máy in 3D 'Made in Vietnam'

(PCWorldVN) Ưu điểm nổi bật của các mẫu máy in 3D do công ty Meetech TP.HCM phát triển chính là có khả năng in trực tiếp bản vẽ CAD từ thẻ nhớ và hoạt động độc lập không cần đến kết nối từ máy vi tính.

Theo ghi nhận của phóng viên PC World Vietnam, trong suốt thời gian diễn ra Techmart "Sáng chế và kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao" vào các ngày 9 và 10/7 vừa qua, gian hàng của công ty công nghệ Meetech luôn tấp nập khách tham quan và tìm hiểu công nghệ in 3D do chính đơn vị này nghiên cứu, phát triển và sản xuất.

Một nhân viên tư vấn tại gian hàng triển lãm của Meetech cho biết, máy in 3D do công ty sản xuất có thể phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tạo sản phẩm mẫu, cơ khí chế tạo, xây dựng, kiến trúc, giáo dục, điện ảnh, chế tạo đồ chơi, đồ trang sức.

Hiện tại, Meetech sản xuất được 3 dòng máy là Easy, Mendel và Delta.

Techmart, Techmart 'Sáng chế và kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao', máy in 3D
Máy in 3D do công ty Meetech trình diễn in một mẫu vật từ file thiết kế lưu trên thẻ nhớ - Ảnh: AK

Trong đó, Easy là kiểu máy in 3D phiên bản mới nhất của Meetech, đạt độ ổn định cao, chi tiết in bề mặt đẹp, được điều khiển nội suy điểm theo phương pháp chữ H và qua đó giúp máy đạt độ chính xác cao. 

Đại diện Meetech cho biết, Easy chỉ hỗ trợ một đầu phun nhựa chất lượng cao, nhưng ưu thế so với sản phẩm cạnh tranh nhập ngoại là máy có khả năng tạo mẫu với kích thước lớn hơn.

Về ngoại hình, máy in 3D Easy có kiểu dáng đơn giản với khung máy được làm bằng nhôm định hình và bao xung quanh bằng nhựa acrylic.

Bên cạnh dòng Easy, cũng theo đại diện Meetech, với nhu cầu tạo mẫu vật có kích thước trung bình, khách hàng có thể chọn dòng Mendel là loại máy in 3D tiết kiệm, dễ tháo lắp. Đây cũng là dòng máy in trang bị một đầu phun nhựa chất lượng cao, tức chỉ có thể tạo ra mẫu vật với một màu duy nhất. 

Cuối cùng, cao cấp nhất chính là dòng máy in Delta, là loại máy in 3D sử dụng phương pháp điều khiển ba trục X, Y và Z của robot song song. Máy mang tính thẩm mỹ cao, gọn nhẹ, đạt độ chính xác cao và hoạt động ổn định với một đầu phun nhựa chất lượng cao và khả năng tạo mẫu tốt đối với các chi tiết hình trụ.

Ưu thế về giá

Đại diện Meetech cho biết, mẫu máy in 3D được giới thiệu tại triển lãm có giá thấp nhất là 14 triệu đồng, và được sản xuất hoàn toàn trong nước với các trang thiết bị chính như chip xử lý, bo mạch và đầu phun nhập khẩu.

Techmart 'Sáng chế và kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao'
Giao diện điều khiển và kết nối thẻ nhớ của một mẫu máy in 3D được Meetech giới thiệu tại triển lãm - Ảnh: Quỳnh Lâm.

Tại Việt Nam, khái niệm máy in 3D không còn quá xa lạ với những người theo đuổi công nghệ bởi trên thị trường  đã có một số máy in 3D gia dụng của các hãng như MakerBot, Lulzbot, Solidoodle. Tuy nhiên, giá của các dòng máy dao động từ 600 USD cho đến vài ngàn USD.

"Điều ít ai biết là một số công ty Việt Nam đã có thể sản xuất được máy in 3D với giá thành rẻ. Giá rẻ và với chất lượng tốt, đó có thể sẽ là cuộc cách mạng lớn để đưa máy in 3D “Made in Vietnam” đến với nhiều hơn doanh nghiệp và gia đình hơn trong thời gian tới", một lãnh đạo Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ (Sở KH-CN TP.HCM) nhận định.

Đừng bỏ lỡ cơ hội

Cũng theo vị lãnh đạo này, ứng dụng của công nghệ in 3D rất lớn, có thể thay đổi hoàn toàn cách thức mà chúng ta tạo ra các đồ vật hằng ngày, giúp hiện thức hóa ý tưởng sáng tạo một cách dễ dàng, do đó các doanh nghiệp Việt Nam đừng nên bỏ lỡ xu hướng công nghệ mới nhất này.

Anh Bùi Hoàng Dũng Nghị, chủ một cơ sở thiết kế quảng cáo và chế tác biển hiệu, quà lưu niệm tại Q.9 (TP.HCM) cho biết một chiếc máy in 3D với khả năng tạo mẫu vật nhanh, ít đòi hỏi kiến thức về tin học, ứng dụng đồ họa và hơn hết là giá thành rẻ chính là sản phẩm mà mình tìm kiếm bấy lâu nay.

Techmart 'Sáng chế và kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao'Techmart 'Sáng chế và kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao'
Các mẫu vật in từ máy in 3D do Meetech sản xuất - Ảnh: Quỳnh Lâm.

"Nhiều khách hàng hay nhờ chúng tôi gia công đôi ba mẫu vật là đồ chặn giấy hay bảng tên đặt trên bàn làm việc, song thực tế giữa bản vẽ và chế tác thủ công thường khác nhau dù rất nhỏ, nên có trường hợp làm xong thì khách hàng không đồng ý, và xem như lần ấy chúng tôi lỗ cả vốn lẫn công", anh Nghị bày tỏ, "Với máy in 3D của Meetech giới thiệu tại Techmart, tôi rất ấn tượng bởi từ giờ khách hàng cứ đưa file gốc thiết kế và máy sẽ in ra đúng mẫu vật mà khách hàng thiết kế".

Vào đầu những năm 1980, ý tưởng về một chiếc máy có thể in các hình khối 3D đã ra đời nhưng bị nhiều người coi là xa vời, chỉ có trong những tác phẩm khoa học viễn tưởng.

Tuy nhiên, nay công nghệ in 3D không chỉ trở thành hiện thực mà ứng dụng của in 3D còn vươn xa hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Những ý tưởng lúc trước chỉ có thể nằm trên giấy, trên bản vẽ thiết kế thì giờ đây có thể thấy trực tiếp bằng vật mẫu in 3D.

Máy in 3D không hao tốn quá nhiều nguyên vật liệu, không quá cồng kềnh và đặc biệt có thể tạo những chi tiết bên trong phức tạp, hơn hẳn các máy gia công cơ khí khi chế tạo mẫu sản phẩm.

Hiện nay, công nghệ in 3D đã phát triển đến mức có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như trong ngành thời trang, công nghệ in 3D hứa hẹn tạo ra những mẫu quần áo phù hợp với số đo mỗi người, và người sử dụng có thể tùy chỉnh bộ quần áo theo ý thích trên từng milimét một cách chính xác, hoặc sẽ làm thay đổi hoàn toàn ngành phụ kiện thời trang.

Với người khuyết tật, in 3D có thể giúp tạo ra những bộ chân tay giả với chi phí chỉ khoảng 2 triệu đồng. Khi một linh kiện bị mất, chỉ cần tải về các tập tin thiết kế của những linh kiện đó, và rồi máy in 3D sẽ tạo ra một cái mới để thay thế.

Công nghệ in 3D thậm chí còn có thể tạo ra nguyên chiếc ô tô từ các chi tiết bằng nhựa.

Trong xây dựng, công nghệ in 3D có thể sử dụng để xây những ngôi nhà giá thành rẻ, thời gian hoàn thành rất nhanh.

Không chỉ được ứng dụng trong khoa học và các ngành công nghiệp, công nghệ in 3D còn được các nghệ sĩ sử dụng để sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Quan trọng hơn cả là các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra các bộ phận của cơ thể con người như tim, thận,… (được gọi là bioprinting) dùng trong cấy ghép thay thế.

Các nhà khoa học hy vọng rằng bioprinting sẽ có thể sắp xếp các tế bào một cách chính xác để mô phỏng hoàn toàn các chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể.

PCWorld

Cesti, máy in 3D, nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM


© 2021 FAP
  2,750,102       3/857