Sản phẩm

Thu hút các công ty lớn để tạo thị trường linh kiện điện tử

(PCWorldVN) Đó chỉ là một trong số rất nhiều ý kiến được nêu ra tại hội thảo Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử - công nghệ thông tin TP.HCM giai đoạn 2015-2020 vừa được tổ chức vào sáng 15/7.

Theo nhận định của nhóm tư vấn đề án công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ cho ngành điện tử - công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố, thì lĩnh vực này hầu như chưa phát triển trên các mặt như trình độ công nghệ, chất lượng và số lượng sản phẩm hỗ trợ.

Số liệu được trình bày trong báo cáo tại hội thảo cho thấy, qua khảo sát chuyên sâu 7 doanh nghiệp FDI, nhà nước và tư nhân cùng với số liệu thống kê 1.400 doanh nghiệp thì nhóm tư vấn đề án phát triển nhận định hiện nay CNHT tại TP.HCM đang cần phát triển về nhiều mặt. Các doanh nghiệp tại TP.HCM không có máy móc để đo lường độ chính xác của linh kiện siêu nhỏ; các doanh nghiệp đóng gói bao bì chưa tuân thủ tiêu chuẩn RoHS (chỉ thị hạn chế chất nguy hiểm trong những thiết bị điện – điện tử); các doanh nghiệp sản xuất không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI trong việc cung ứng nguyên vật liệu gián tiếp về số lượng lẫn chất lượng.

công nghiệp hỗ trợ, vi mạch, chương trình vi mạch
Quang cảnh hội thảo.

Để khắc phục điều này, nhóm tư vấn đề xuất những giải pháp như đề xuất danh mục các sản phẩm được ưu tiên hỗ trợ; xây dựng đề án thành lập Trung tâm phát triển CNHT TP.HCM; xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch và nhà thiết kế; thành lập quỹ hỗ trợ CNHT Thành phố và chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng đề án hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp CNHT; chương trình kết nối cung cầu; đào tạo nhân lực tại chỗ và mời gọi chuyên gia nước ngoài; truyền thông về chính sách CNHT…

Ông Dương Minh Tâm (Ban quản lý Khu Công nghệ Cao TP.HCM) cho biết, doanh thu ước tính năm 2015 của Khu Công nghệ Cao là 4 tỷ USD nhưng CNHT hầu như không đóng góp gì cho doanh thu này. Do đó, ông Tâm đề nghị đề án nên hướng vào giải pháp triển khai, thu hút các công ty lớn để tạo ra thị trường linh kiện điện tử cho các công ty nhỏ.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Thông Tuấn - Chủ tịch Hội Vi mạch TP.HCM cho biết đề án còn chung chung, cần cụ thể hóa thêm.

Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Đạo là Giám đốc công ty THHH Thái Dương cũng đề xuất hướng đi cho CNHT ngành vi mạch.

"Việt Nam có thể tận dụng các thị trường ngách hoặc các lĩnh vực đã không cho lợi nhuận nhiều nên ít có đối thủ cạnh tranh, ví dụ như thị trường cho sản phẩm đi-ốt là 30 tỷ USD một năm và Việt Nam có thể sản xuất diot chất lượng tốt, đáp ứng cho thị trường này", ông Đạo cho biết.

Đại diện doanh nghiệp FDI, bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc đối ngoại tại công ty Intel Việt Nam cũng bày tỏ rằng tuy các doanh nghiệp nước ngoài như Intel đã có mối quan hệ truyền thống với các bạn hàng quốc tế nhưng vẫn mở cửa đối với các doanh nghiệp cung cấp vật tư thiết bị trong nước nếu như các doanh nghiệp này đáp ứng được một số tiêu chí như minh bạch hóa, vốn, con người….

Với việc gia nhập nhiều hiệp định thương mại như FTA, TPP và sự đồng ý với tỷ lệ nội địa hóa cao (lên đến 35% trong vòng 3 năm) của doanh nghiệp FDI, theo nhận định của Chủ tịch Hội Vi mạch TP.HCM Nguyễn Thông Tuấn thì “chưa có bao giờ cơ hội cho ngành CNHT rõ ràng như thế này”. Ông Tuấn cũng cho rằng nếu thiếu đi các chính sách từ chính phủ thì CNHT cho ngành “nhà giàu” này sẽ khó mà nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ.

PCWorld

sáng tạo khoa học, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM, ứng dụng CNTT


© 2021 FAP
  2,747,926       2/1,025