(PCWorldVN) Chủ đề của buổi hội thảo vừa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN - Bộ KHCN, tổ chức vào hôm 13/7.
Buổi hội thảo có chủ đề "Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam".
Hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam". |
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đổi mới sáng tạo, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KHCN; chia sẻ thông tin, tiếp cận kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa các nhà khoa học trong Viện với các doanh nghiệp KHCN đã được đào tạo thông qua quỹ Newton; chỉ ra các hạn chế trong hoạt động thương mại hóa công nghệ và đề xuất hướng giải quyết…
Đại diện Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết đơn vị này đã có hàng trăm kết quả nghiên cứu được công nhận sở hữu trí tuệ; đặc biệt trong 5 năm gần đây đã có 33 bằng phát minh sáng chế, 26 giải pháp hữu ích và trên 120 sản phẩm có khả năng thương mại hóa ở các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, y tế, môi trường...
Tuy nhiên, theo các ý kiến được trình bày tại hội thảo, mặc dù hoạt động chuyển giao công nghệ đã được tăng cường hơn trước, song thương mại hóa công nghệ vẫn còn yếu, chưa đồng bộ và tồn tại nhiều hạn chế.
Được biết, theo “Quy hoạch tổng thể phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi năm 2011, thì đến năm 2020, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam ngoài nhiệm vụ đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KHCN, góp phần phát triển thị trường KHCN còn phải khuyến khích các hoạt động ươm tạo công nghệ, phát triển 15 doanh nghiệp KHCN.
Tin và ảnh: MN
(Theo Tạp chí KHCN Việt Nam)
nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học, sở hữu trí tuệ, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM, tài sản trí tuệ