(PCWorldVN) Nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý đô thị để xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh đã được giới thiệu tại một hội thảo do Sở TTTT Thành phố tổ chức hồi đầu tháng 7/2015.
Theo đó, các hãng cũng như công ty công nghệ trong và ngoài nước đã giới thiệu nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý đô thị như làm thế nào để ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) vào quản lý giao thông nội đô; quản lý môi trường thông minh, hệ thống điện - nước thông minh; giải pháp kết nối hạ tầng cho một thành phố thông minh, điều khiển thông minh.
Mục tiêu của hội thảo là tìm kiếm giải pháp xây dựng và phát triển thành phố theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trở thành một thành phố có nền kinh tế tri thức hội tụ nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở TTTT TP.HCM phát biểu tại hội thảo "Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến nền kinh tế tri thức hội tụ với Smart City" diễn ra vào hôm 8/7/2015 - Ảnh: Lam Vân |
Chuyên gia
Bà Lương Thị Lệ Thủy - Tổng giám đốc Cisco Việt Nam cho biết, hồi tháng 5/2015 vừa qua, Cisco đã cùng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) ký kết để thực hiện hợp đồng nghiên cứu khả thi cho dự án Giải pháp tích hợp hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển trung tâm cho các tuyến đường sắt đô thị TPHCM. Dự án hợp tác này có thể được coi là một trong những bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ ICT để quản lý hệ thống giao thông công cộng của UBND TP.HCM, góp phần từng bước đưa TP.HCM trở thành một thành phố thông minh, kết nối, hiện đại, xứng tầm với khu vực. Theo bà Thủy, khi nói về mô hình IoE thì hạ tầng ICT là một điều kiện vô cùng quan trọng để có thể phát huy tối đa tiềm năng ứng dụng to lớn của nó. Đó cũng là một thách thức với Việt Nam trong quá trình tìm kiếm một phương thức, một giải pháp toàn diện để triển khai IoE. Chính vì thế, trong thời gian tới, Cisco cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ICT tại Việt Nam bằng các ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại của chính hãng này như hệ thống giao thông thông minh (ITS), quản lý môi trường thông minh; giải pháp hạ tầng cho thành phố thông minh; giải pháp điều khiển thông minh; giải pháp môi trường thông minh v.v để đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và nhân văn cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. |
"Đây là những giải pháp không mới với TP.HCM nhưng là một giải pháp tổng thể, không riêng lẻ, tức là xây dựng cả một hệ thống trên cơ sở dùng chung hạ tầng công nghệ", ông Thắng nhấn mạnh.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Tuấn Long - đại diện cho công ty công nghệ Sao Bắc Đẩu, các vấn đề về giao thông của TP.HCM hiện nay gồm tắc nghẽn giao thông ngày càng nghiêm trọng, tốc độ lưu thông phương tiện rất thấp, trong khi đó diện tích bến, bãi đỗ xe thiếu trầm trọng; kèm theo đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật quá tải và đặc biệt nhất là hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu liên kết giữa các loại hình giao thông; tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển xe cơ giới và ý thức người tham gia giao thông chưa cao.
Do đó, ông Long cho rằng, trong 5 năm tới, TP.HCM sẽ không còn chỗ cho xe chạy.
Vẫn theo ông Long, lời giải cho bài toán giao thông hiện nay của TP.HCM đó là ứng dụng hệ thống ITS.
Về cơ bản, hệ thống ITS là ứng dụng của những công nghệ tính toán, thông tin và liên lạc trong việc quản lý xe cộ và các mạng lưới có liên quan đến sự di chuyển của người và hàng hóa trong thời gian thực.
Khi ứng dụng ITS, thông qua sử dụng các thiết bị quản lý phương tiện, các hệ thống giám sát cũng như quản lý giao thông công cộng có thể tính toán lưu lượng giao thông và điều tiết giao thông dễ dàng. Ngoài ra, qua việc cung cấp thông tin hành khách thời gian thực cũng như cung cấp đầy đủ các hệ thống giám sát sẽ đảm bảo chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, đem lại sự tin tưởng khi sử dụng dịch vụ giao thông công cộng, giảm tải cho hạ tầng giao thông…
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố cho biết TP.HCM là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, và điều này cũng đưa Thành phố đứng trước những thách thức lớn liên quan đến công tác quản lý nguồn tri thức, quản lý môi trường, quản lý năng lượng, quản lý hệ thống giao thông,… Lẽ đó, để hướng đến xây dựng một thành phố thông minh, TP.HCM trước hết cần xác định những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên triển khai hệ thống quản lý thông minh như giao thông, y tế, môi trường và năng lượng.
"Mục tiêu xây dựng thành phố thành đô thị thông minh trước hết là phục vụ người dân, sau đó tạo lợi ích cho doanh nghiệp và giúp chính quyền quản lý hiệu quả", ông Hỷ khẳng định.
Theo đề xuất lộ trình xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM đến năm 2020 của công ty Sao Bắc Đẩu, thì ngay trong năm 2015, Thành phố cần bắt đầu lộ trình cho thành phố thông minh, triển khai giao thông thông minh cho nội đô và khảo sát toàn diện nhu cầu về các thành phần của hệ quản trị môi trường. Năm 2016, tiến hành xây dựng hệ môi trường thông minh cho các thành phần rừng phòng hộ, sông ngòi, kênh rạch và triển khai một phần hệ giao thông thông minh nội đô. Năm 2017, hoàn thiện kết nối giao thông, năng lượng, môi trường. Năm 2018, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, thích ứng 4G LTE và các tiêu chuẩn ISO; tiếp tục hoàn thiện các phân hệ giao thông, môi trường, năng lượng. Năm 2020, hoàn thiện thành phố thông minh, ITS bền vững và quản trị môi trường thông minh. |
internet of things, IoT, sáng tạo khoa học, smart city, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM, thành phố thông minh