Sản phẩm

Tem sinh học hay hình xăm công nghệ cao

(PCWorldVN) Ý tưởng về việc con người có thể được tích hợp các loại cảm biến với khả năng gửi thông tin tới điện thoại di động – tương tự như các cảm biến trên xe hơi hiện đại ngày nay đang trở thành hiện thực.

Ý tưởng có vẻ viễn vông này thực tế lại xảy ra khá gần với chúng ta. Mới đây, các chuyên gia của Viện Kỹ nghệ điện và điện tử (IEEE) đã tiếp xúc với John Rogers, nhà khoa học vật liệu tại đại học Illinois, người có ý tưởng về việc con người có thể được… tích hợp các loại cảm biến với khả năng gửi thông tin tới điện thoại di động – tương tự như các cảm biến trên xe hơi truyền thông tin tới máy tính trung tâm như đề cập tới ở trên.

Những kết quả ban đầu

Thực tế, khoa học đã có những bước tiến đầu tiên theo hướng này. Ngay trong đời sống, không ít người cũng đeo trên tay các loại vòng giám sát sức khoẻ theo dõi nhịp tim, các hoạt động thường ngày và thậm chí là giấc ngủ. Tuy nhiên, hầu hết các loại sản phẩm tương tự đều khá vướng víu – kể cả những loại gọn nhẹ nhất. Điều này khiến cho chúng ta khó lòng đeo chúng suốt trong ngày. Mặt khác, thông tin đo được từ những thiết bị này dù thú vị nhưng lại không mấy thiết thực bởi chưa chỉ ra được liệu cơ thể có vấn đề hay không, cũng như chưa có nhiều ý nghĩa về mặt y tế, thậm chí không thể bằng bạn ghé vào một phòng khám đơn giản.

Tuy nhiên, theo Rogers, không có lý do gì những thiết bị này không thể khá lên. Ví dụ khám tổng thể - bác sĩ kiểm tra mạch đập, nhiệt độ cơ thể, huyết áp và có thể là cả lượng ô xy trong máu. Nếu có điều gì bất thường, bạn sẽ được chuyển đi kiểm tra chi tiết hơn như chụp tim, xét nghiệm máu, ghi điện tâm đồ… Tất cả những phép thử này đều yêu cầu trang thiết bị y tế rất chuyên dụng và đắt đỏ.

Đến một ngày nào đó, cơ thể bạn cũng có thể được “rà quét lỗi” như trên máy tính hay một chiếc xe hơi?

Trong khi đó, những xét nghiệm tương tự có thể được thực hiện bằng các loại cảm biến siêu nhẹ, siêu bền và cũng rất thoải mái mà mỗi người có thể mang trên mình trong nhiều tuần. Thực tế, ngay khi bạn đọc bài viết này, nhiều loại cảm biến tương tự đã được nhóm nghiên cứu của Rogers đã và đang chuẩn bị thử nghiệm trong thực tế tại Mỹ và châu Âu. Sản phẩm thương mại đầu tiên sẽ có mặt trên thị trường ngay vào cuối 2015.

Rogers cũng cho biết những cảm biến của nhóm ông tạo ra rất giống với da thật, giúp cho người đeo không cảm thấy khác biệt. Cảm biến thử nghiệm chưa được trang bị các loại cảm biến sinh học thực sự nhưng nó cũng đem lại những hình dung đầu tiên về các loại sản phẩm tương tự, sẽ có mặt trong vài năm tới.

Thực tế, đại học Illinois không phải nơi duy nhất cố gắng tạo ra các thiết bị điện tử có tính chất tương tự da người. Một nhóm khác tại đại học Tokyo do Takao Someya dẫn dắt cũng phát triển thiết bị tương tự với cấu tạo sử dụng các vi ống carbon và bán dẫn sinh học. Ở một hướng tiếp cận khác, nhà nghiên cứu Zhenan Bao tại Stanford cũng nỗ lực nghiên cứu về bán dẫn sinh học nhằm tạo ra lớp phim điện tử mỏng có độ nhạy cảm như da người để có thể ứng dụng trên cơ robot. Thậm chí, các nhà khoa học tại trường California (San Diego) còn phát triển loại mực cho phép “vẽ” trực tiếp cảm biến lên da. Tuy nhiên, sản phẩm của Rogers có ưu thế hơn hẳn bởi lẽ chúng có mặt trong các ứng dụng thực tế sớm nhất. Ngay từ 2008, Rogers đã hợp tác với Roozbeh Ghaffari thành lập công ty MC10 tại Cambridge nhằm đưa những nghiên cứu của nhóm ông thành sản phẩm y tế thương mại. MC10 tới nay đã có khoảng 60 nhân sự với số vốn đầu tư 60 triệu USD chỉ với 1 sản phẩm duy nhất trên thị trường. Sản phẩm mang tên Checklight này là một loại mũ trùm đầu có thể đo chính xác gia tốc phần đầu của vận động viên khi có va chạm. dù nó không phải là cảm biến giống da người nhưng cũng có thuộc tính cho phép uống cong tạo sự thoải mái theo đúng hình dáng bộ phận cơ thể.

Độ chính xác của tem sinh học cao hơn rất nhiều các loại thiết bị đeo trên người hiện nay.

MC10 bắt đầu sản xuất các miếng da đầu tiên gọi là tem sinh học (biostamp) – kể từ cuối 2012. Hầu hết những sản phẩm sơ khai này đều được sử dụng cho việc phát triển nội bộ hoặc đồng phát triển với các đối tác. Tới cuối 2014, MC10 bắt đầu phát triển thế hệ hoàn toàn mới của công nghệ này với thành phẩm bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng. Các loại tem sinh học hướng tới việc giám sát sức khoẻ con người hiện cũng được phát triển cho các công ty với yêu cầu riêng. Một công ty mỹ phẩm có thể sẽ muốn tích hợp tem sinh học vào kem chống nắng trong khi các công ty dược lại muốn tích hợp tem với cảm biến chuyển động và nhiệt độ trong các gói thuốc của mình.

Cấu tạo tem sinh học

Ở mức cơ bản, tem sinh học là một miếng “đề can” mỏng khoảng bằng đồng xu, giống với những loại hình xăm đồ chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, do được thiết kế với tiêu chí gần như da người, nó sẽ rất khó để nhận biệt khi đặt trên bề mặt cơ thể. Một tem sinh học có thể bao gồm hàng trăm ngàn biến trở, điện trở, LED và anten phát sóng radio. Nó chịu được nước, có thể cho không khí xuyên qua và có giá chỉ khoảng 0,1 USD/đơn vị nếu sản xuất hàng loạt. Mỗi lần “dán” lên người, tem này có thể tồn tại khoảng một tuần trước khi các tế bào da chết khiến nó rơi khỏi bề mặt. Tuy nhiên, dù có vẻ ưu việt trong ứng dụng, việc sản xuất chúng lại tiềm ẩn nhiều thách thức.

Kết cấu của một sản phẩm tem sinh học hoàn thiện từ MC10.
Trước hết, tem sinh học được cấu thành từ các mạch điện co giãn nằm trên lớp cao su siêu mỏng. Để chế tạo được các loại mạch này, Rogers và đồng nghiệp của ông phải chế tạo các loại biến trở, đi-ốt, tụ và linh kiện điện tử khác trên mặt wafer (tấm đế) sử dụng vật liệu bán dẫn (thường là Silicon, Gallium arsenide hoặc Gallium nitride). Tấm wafer này không phải là loại bán dẫn thông thường, nó bao gồm nhiều lớp chồng lên nhau – thường là một lớp mỏng vật liệu bán dẫn trên cùng, một lớp cùng chất liệu nhưng dày hơn ở phía dưới với vai trò đế giữ trong khi một lớp ăn mòn ở giữa lại sử dụng vật liệu hoàn toàn khác biệt. Với wafer Silicon, lớp ở giữa sẽ là Silicon dioxide. Sau khi linh kiện được chế tạo xong, một lượt nhúng rửa làm sạch toàn bộ lớp ăn mòn ở giữa và chỉ để lại lớp mỏng trên cùng. Tiếp đó, một lớp tem mỏng làm từ Silicone mềm được áp lên wafer và những điểm tiếp xúc sẽ “nhấc” các linh kiện điện tử trên wafer lên trước khi toàn bộ khối này được đặt vào một lớp đế tạm thời (thường là thuỷ tinh phủ nhựa plastic). Toàn bộ đế này sẽ được đưa vào quy trình in mạch để kết nối các linh kiện thành phần lại với nhau. Cuối cùng, việc còn lại là đóng gói cả “bảng” linh kiện này vào tem sinh học – thứ sẽ được đưa tới cho người dùng. Về kết cấu, nó là một miếng cao su mỏng dính bằng keo vào lớp mặt sau bằng nhựa plastic (giống như decal). Để làm điều này, máy sẽ ép mảnh cao su vào bảng thuỷ tinh với các linh kiện ở trên, sau đó rửa toàn bộ nhựa giữa các mạch điện bằng hoá chất, chỉ để lại mạch điện và linh kiện dính vào cao su mà thôi. Khi cần sử dụng, chỉ cần bóc lớp nhựa và dán miếng cao su lên da.

Hàng mớ thiết bị theo dõi lỉnh kỉnh như thế này có thể được “dọn sạch” bằng công nghệ mới?
Quy trình như trên được sử dụng chế tạo nhiều loại tem sinh học. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể yêu cầu khác biệt, như tem với bộ vi xử lý tích hợp nhưng không có lớp vỏ (giảm độ dày xuống chỉ còn 5-10 micromet). Thay vào đó, có một lớp vật liệu mỏng phủ phía trên để tránh nước. Tuy nhiên, hầu hết các loại tem sinh học hiện nay đều chưa có bộ xử lý tích hợp mà phần lớn chỉ có các cảm biến để thu thập dữ liệu và truyền đi. Sau đó, việc xử lý sẽ được thực hiện ở nơi khác, thường là điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Bản thân những thiết bị “chủ” này cũng sẽ nuôi sống tem sinh học thông qua việc cấp nguồn nhờ kết nối NFC – song song với truyền dẫn dữ liệu. Năng lượng được tem sinh học thu thập thông qua anten và cuộn cảm với công suất khoảng 10 mW trong khoảng cách 1m tới điện thoại. Với khoảng cách vài mét, tem vẫn có thể thu thập tín hiệu radio trong tần số từ 1 đến 2,5 GHz từ nguồn phát. Công nghệ NFC với tần số truyền dữ liệu ở 13,56 MHz hiện khá thông dụng trên các dòng điện thoại thông minh nhưng phần lớn đều được trưng dụng cho việc thanh toán không dây. Hiện tại, dù tem sinh học mới chỉ hỗ trợ điện thoại Android nhưng về phần cứng, nó hoàn toàn tương thích với công nghệ NFC trên các loại iPhone mới.

Dù mọi loại tem sinh học đều có chung một vài đặc điểm như có thể dãn như da thật, tích hợp các mạch dẻo và được cấp nguồn từ xa, nhu cầu thực tế lại đặt ra yêu cầu về những loại cảm biến khác nhau bên trong chúng.  Cảm biến hình bướm phía bên trái được thiết kế để đo cường độ tia cực tím từ mặt trời trong khi cảm biến ở giữa dùng có các chất chỉ màu nhằm phát hiện thành phần hoá học trong mồ hôi, cảm biến bên phải dùng mạch điện để đo huyết áp.

“Thiếu ô xy trong máu ở độ cao này do không khí loãng, đề nghị đeo bình thở”!
Hiện tại, tem sinh học chưa có khả năng tích trữ năng lượng mặc dù nhóm của Rogers và MC10 đã tích hợp pin co giãn cũng như các siêu tụ điện vào tem. Tuy nhiên, trong một phòng bênh viện với bộ phát NFC nằm ngay dưới giường hoặc các trạm phát công suất cao hơn ở góc phòng, tem sinh học có thể vận hành liên tục không ngừng nghỉ. Mặt khác, Rogers cũng đang cân nhắc những loại cảm biến co giãn mới có khả năng đo nhiệt độ cơ thể, giám sát tia cực tím, kiểm tra động mạch và lượng ô xy trong máu. Họ cũng phát triển cảm biến có thể theo dõi thay đổi huyết áp, phân tích mồ hôi và thu nhận tín hiệu từ não hoặc tim để sử dụng cho các phép xét nghiệm. Tất cả các sản phẩm này – theo Rogers – đều đủ chính xác để sử dụng trong y tế.

Thay đổi phương pháp đo

Để hiện thực hoá các thiết bị co giãn như vậy, nhóm của Rogers phải tư duy mới hoàn toàn đối với việc đo đếm số liệu y tế. Điển hình là với huyết áp: vốn từ trước tới nay được đo bằng máy có vòng bao quanh tay bệnh nhân sử dụng khí bơm. Với tem sinh học, không cần chặn mạch máu, một mẩu tem sinh học nhỏ vẫn có thể đo nhịp mạch ở hai điểm khác nhau chỉ cách khoảng một cm. Với thông tin này, điện thoại thông minh có thể tính ra giá trị vật lý mang tên gia tốc sóng mạch – vốn biến thiên theo huyết áp. Đây là tiền đề cho phép nhóm Tony Banks, SeuingMin Lee và Matt Phar (cũng thuộc đội ngũ nghiên cứu của Rogers) phát triển hai loại cảm biến mạch khác nhau. Trong đó, một sử dụng ánh sáng từ chớp đèn đỏ và LED hồng ngoại, sau đó nhận tín hiệu bằng cảm biến phản chiếu qua da bên dưới tem sinh học. Do máu nghèo oxy hút ánh sáng đỏ nhiều hơn trong khi máu giàu ô xy lại hút ánh sáng hồng ngoại, dao động biến đổi này sẽ tạo ra đồ thị dạng sóng mô phỏng nhịp đập của tim. Thực tế, đây cũng là phương thức các loại vòng đeo theo dõi sức khoẻ giám sát nhịp tim. Tuy nhiên, tem sinh học có thể thu nhận tín hiệu ổn định hơn. Ngoài ra, một phương thức theo dõi mạch khác cũng đang được phát triển là sử dụng cảm biến áp điện theo dõi sự co giãn của tem sinh học do phản ứng với máu lưu chuyển trong mạch bên dưới nó. Trong trường hợp này, huyết áp càng cao đồng nghĩa với việc độ giãn của tem càng lớn.

Tem sinh học có thể đơn giản hoá nhiều quy trình thăm khám y tế phức tạp hiện nay.
Trong cả hai trường hợp, thông tin nhịp mạch có thể báo về sự thay đổi huyết áp. Dù nó không cung cấp số liệu huyết áp tối thiểu nhưng với những bệnh nhân cần giám sát chi tiết huyết áp, việc theo dõi biến đổi lại rất quan trọng. Thay vì cắt cử một y tá liên tục đo huyết áp định kì với hàng đống thiết bị cồng kềnh, bệnh nhân chỉ cần dán lên mình một mẩu tem sinh học, căn chỉnh nó và sau đó dùng điện thoại để thu thập số liệu.

Một loại tem sinh học khá hữu dụng khác là loại có thể theo dõi mồ hôi. Hai nhà nghiên cứu Daeshik Kang và Aheyon Koh thuộc nhóm của Rogers đã tạo ra tem sinh học với các kênh chất lỏng siêu nhỏ cho phép dẫn mồ hôi vào từng đường di chuyển định sẵn. Sau đó, các loại chất chỉ màu tại đây sẽ đưa ra kết quả tương ứng với từng loại hoá chất mà nó nhận được như axit lactic, chloride, glucose hay sodium. Khi được kiểm tra bằng điện thoại thông minh, mạch điện trên tem này sẽ kích hoạt ứng dụng cho phép phân tích biển đổi màu và đưa ra những cảnh báo hữu ích như “Đã đến lúc uống nước” với vận động viên hay “Bạn nên tới gặp bác sĩ” với thai phụ đang có vấn đề về tiểu đường. Tem loại này không thể tái sử dụng được. Tuy nhiên, với mức giá rẻ, đây không phải là vấn đề lớn.

Nhu cầu về tem sinh học không chỉ đến từ bệnh viện mà cả các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp. Công ty mỹ phẩm L’Oréal cho biết tem sinh học có thể giám sát trạng thái da và biết được những thay đổi theo thời gian, giúp công ty xác định và kiểm chứng sản phẩm. Thú vị hơn, L’Oréal thậm chí còn hợp tác phát triển tem sinh học liên quan tới độ ẩm của da thông qua việc giám sát nhiệt lượng di chuyển qua da bên dưới các cảm biến. L’Oréal hi vọng có thể sử dụng những thông tin này để kiểm nghiệm hiệu quả sản phẩm của họ. Dự tính trong 5 đến 10 năm nữa, những loại tem với cảm biến có thể đưa ra tư vấn chăm sóc da là hoàn toàn khả thi. Bản thân thương hiệu mỹ phẩm này cũng đang tích cực đầu tư vào các loại tem có thể đo cường độ tia tử ngoại và đưa ra cảnh báo nên bôi thêm kem chống nắng.

“Đã tới lúc nên đi vào bóng mát”, “Bạn nên bôi lại kem chống nắng” … là những mục tiêu trước mắt mà L’Oréal đang hướng tới.
Các nhà nghiên cứu khác cũng đang cân khả năng sử dụng tem sinh học với chức năng nhiệt kế để đo độ căng thẳng thần kinh của những người điều hành không lưu. Ngoài ra, tem sinh học với khả năng sinh nhiệt cũng được dùng để đưa thuốc qua da. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng tại trường y thuộc đại học Tây Nam Chicago, các nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tem sinh học cho phép đo cả nhiệt độ và mức truyền nhiệt giữa các mô nhằm theo dõi quá trình hồi phục vết thương. Mặt khác, các loại tem sinh học dán vào sau tai nhằm giám sát điện tĩnh từ não để nghiên cứu việc ngủ sẽ được thử nghiệm tại bệnh viện Carle Foundation trong giai đoạn tới. So với các loại thiết bị có dây cồng kềnh hiện nay, tem sinh học thực sự nhỏ gọn và hiệu quả.

Không chỉ bệnh nhân, y tá mà người dùng thông thường cũng có thể sử dụng tem sinh học cho việc bảo mật hay nhu cầu gia dụng.

Dĩ nhiên, bảo mật thông tin cũng là hết sức quan trọng với bất kì thiết bị thu thập dữ liệu y tế nào. Chính vì thế, mọi ứng dụng tiếp nhận dữ liệu từ tem sinh học đều phải tuân thủ các yêu cầu bảo mật từ đạo luật “Health Insurance Portability and Accountability” mà chính phủ Mỹ cũng như nhiều nước khác trên toàn cầu đã thông qua. Tuy nhiên, khác với các loại thiết bị thu thập dữ liệu từ trước tới nay, tem sinh học được bảo vệ thông tin tốt hơn rất nhiêu bởi nó có thể được tháo ra mà không bị hư hỏng. Nó cũng có thể đóng vai trò như chìa khoá vật lý kiểm soát việc truy cập dữ liệu, dù là từ điện thoại của chính bệnh nhân hay từ máy tính của y tá.

Vượt qua trở ngại

Nhìn chung, thử nghiệm bước đầu của tem sinh học đem lại kết quả khá tích cực. Tuy nhiên nó rất phức tạp về kết cấu và yêu cầu cao về nhân lực. Do vậy, việc thiết kế và sản xuất cảm biến phù hợp có thể mất nhiều năm. Thêm vào đó, giới hạn về bộ nhớ và nguồn năng lượng của các loại tem sinh học cũng đang là rào cản tạm thời với một số ứng dụng nhất định.

Tem sinh học cũng là đại diện cho một thế hệ thiết bị co giãn mới với kết cấu gồm hàng loạt biến trở, cảm biến, LED, cuộn cảm, anten…

Để khắc phục vấn đề kể trên, Rogers và MC10 đã phát triển một phiên bản tem sinh học với kích thước lớn hơn và dày hơn chút ít nhưng có thể tái sử dụng và được trang bị nhiều loại cảm biến, pin, bộ nhớ khác nhau. Loại hình tem mới này có thể đặt ở nhiều vị trí trong cơ thể. Tín hiệu thu về có thể được phân tích bởi điện thoại hoặc máy tính bảng thông qua kết nối NFC hay Bluetooth Low Energy. Việc kết nối các thành phần của nó được sử dụng đúng công nghệ mà Rogers đã sáng chế ra để làm tiền đề cho mạch co giãn trong các loại tem sinh học với tính chất như hình xăm kể trên. Những sản phẩm nhóm sẽ được tung ra thị trường từ 2016 nhằm cạnh tranh với các thiết bị đeo trên người thông dụng hiện nay.

Khi những thiết bị điện tử tương tự da người có thể được thương mại hoá như vậy, Rogers dần hướng tới các thiết bị có thể cấy vào bên trong cơ thể. Ông đã hợp tác với các nhà khoa học của đại học Pennsylvania để đưa ra hệ thống 400 điện cực có thể cấy ở nhiều mô não khác nhau cho phép cảnh báo động kinh. Hiện tại, việc thử nghiệm đã được tiến hành trên loài mèo và dự kiến có thể được chuyển qua các loài linh trưởng trong thời gian tới.

Các nhà nghiên cứu khác cũng đang sử dụng tim từ những người hiến tạng để thử nghiệm các loại tem sinh học gắn lên bề mặt. Loại cảm biến gắn trên tim có thể lấy năng lượng từ nhịp đập đồng thời đưa ra thông tin chi tiết về chứng loạn nhịp đồng và đưa ra giải pháp kiểm soát tốt hơn đối với máy trợ tim.

Ứng dụng rộng rãi

Hiển nhiên, Rogers không phủ nhận rằng dự án của mình cũng có nhiều thách thức lớn và những ứng dụng kiểu này sẽ cần hàng thập kỉ nữa để hoàn thiện. Tuy nhiên tầm nhìn ngắn hạn mà Rogers đề ra cũng khá ấn tượng. Nhà phát minh đầy tâm huyết này cho rằng trong một thập kỉ nữa, gần như mọi người ở các quốc gia phát triển đều sẽ mang trên mình một hoặc nhiều loại tem sinh học khác nhau.

Trẻ sơ sinh sẽ có những giấc ngủ êm đềm với tem sinh học thay vì thường xuyên bị đánh động cho các đợt kiểm tra sức khoẻ.

Nếu việc phát triển diễn tiến thuận lợi, những công nghệ tương tự sẽ trở thành phổ dụng vào khoảng năm 2025. Ngay từ lúc này, có thể nhìn thấy trước nhiều ứng dụng thú vị. Một đứa trẻ sinh ra ở các nước phát triển có thể được “đánh dấu” với nhiều loại tem sinh học. Chúng có thể nằm ở cổ tay hoặc cổ chân – thay thế hiệu quả hơn nhiều cho các loại vòng theo dõi y tế hiện nay. Những loại tem sinh học này cũng có thể được gắn ở ngực, cánh tay nhằm cho phép y tá kiểm tra nhanh trạng thái nhiệt độ, ô xy, mạch mà không đánh thức trẻ sơ sinh. Thậm chí, các sản phụ cũng có thể đeo một vài loại tem sinh học để theo dõi các dấu hiệu sức khoẻ cần thiết trong quá trình phục hồi. Bản thân Rogers cũng hết sức tự tin vào việc tem sinh học sẽ đóng vai trò y cụ quan trọng ở các bệnh viện.

Những bệnh nhân tim cũng có thể được “dán” tem sinh học ở cổ chân để kiểm tra hiện tương sưng tấy – dấu hiệu của suy tim. Thậm chí khi họ được điều trị tại nhà, tem sinh học vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của nó. Thú vị hơn, tem cũng có thể được trang bị cho y tá, bác sĩ để tự động mở cửa hay đăng nhập vào máy tính với cơ cấu bảo mật tốt hơn rất nhiều so với thẻ từ hay mã khoá. Ở khía cạnh đời thường, tem sinh học cũng có nhiều ứng dụng tuyệt vời khác như cho phép người chạy bộ theo dõi mục tiêu vận động mỗi ngày, giám sát các nguy cơ về sức khoẻ đồng thời đưa ra cảnh báo phù hợp. Thậm chí, ở góc độ kinh doanh, hành khách xếp hàng chuẩn bị lên chuyến tàu du lịch ngoài cảng cũng có thể được “dập” tem sinh học để cho phép họ sử dụng các dịch vụ trên tàu như mở cửa khoang cá nhân, thanh toán tiền ăn uống hay đơn giản là theo dõi lượng tia cực tím hấp thụ trong quá trình phơi nắng… Nhìn chung, các ứng dụng dành cho tem sinh học thực sự phong phú và đa dạng, có thể vượt ra khỏi hình dung của mỗi người vào lúc này bởi lẽ hầu như chưa ai nhìn thấy nó trong thực tế.

Tuy nhiên, công nghệ là thứ luôn ẩn chứa yếu tố bất ngờ. Bạn hãy nhớ lại những chiếc điện thoại như iPhone hay các dòng Android vẫn còn nằm trên bàn vẽ 10 năm về trước thay vì xuất xưởng hàng triệu chiếc mỗi tháng như hiện nay. Như thế, hoàn toàn có khả năng trong một thập kỉ nữa, chúng ta sẽ có thể đưa tem sinh học vào cuộc sống hàng ngày.

PC World VN, 07/2015
 

PCWorld

Biostamp, bộ cảm biến, cảm biến sinh học, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế, tem sinh học


© 2021 FAP
  2,415,130       1/1,180