Sản phẩm

Thực trạng ứng dụng CNTT tại các bệnh viện tại TP.HCM

(PCWorldVN) Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết việc đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT tại các bệnh viện TP.HCM tập trung vào các tiêu chí như tình hình triển khai phần mềm quản lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Nhận thức được vai trò quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý bệnh viện, trong suốt thời gian vừa qua, các bệnh viện đóng trên địa bàn TP.HCM đã không ngừng đầu tư, nâng cấp và cải thiện hệ thống công nghệ bao gồm hạ tầng, phần mềm và nhân lực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Y tế Thành phố, bên cạnh một số bệnh viện có hệ thống công nghệ và CNTT khá hoàn chỉnh, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa chú trọng đến công tác này.

TS. BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định ứng dụng CNTT vào lĩnh vực y tế trước hết phải lấy người bệnh làm trung tâm.

Số liệu vừa được Sở Y tế TP.HCM công bố tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2015 với chủ đề "Chính phủ Điện tử, Y tế Điện tử và Giao thông Thông minh" diễn ra hôm 22/7 nêu rõ, có 54/89 bệnh viện của Thành phố (chiếm tỷ lệ 60,7%) có ứng dụng CNTT ở mức trung bình, và về cơ bản thì hệ thống CNTT ở nhóm các bệnh viện này là chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ ở tất cả các khâu trong quá trình khám chữa bệnh, đặc biệt nhất là chưa sử dụng cũng như khai thác dữ liệu cho công tác quản lý, điều hành.

Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Tăng Chí Thượng cho hay, hiện chỉ có Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhân dân 115 đạt tiêu chuẩn tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh mà Bộ Y tế đề ra trước đó.

Hai bệnh viện này đều có ứng dụng phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chuyên môn và còn sử dụng công nghệ như một công cụ nhằm giám sát và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Báo cáo của Sở Y tế Thành phố cũng cho biết, còn 9 bệnh viện - chiếm tỷ lệ 10% trong tổng số bệnh viện trên địa bàn - không triển khai ứng dụng CNTT hoặc mức độ đầu tư vào CNTT là rất ít và không đáng kể.

Định hướng phát triển

CNTT được ứng dụng trong nhiều hoạt động của các bệnh viện như trong quản lý chuyên môn; trong báo cáo thống kê bệnh viện; áp dụng bệnh án điện tử ngoại trú và một số khoa nội trú; sử dụng phần mềm kết nối với các máy y tế, máy xét nghiệm… nên đã phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đặc biệt, CNTT được ứng dụng để cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh, tại tất cả bệnh viện đều có hệ thống cấp số tự động và thông tin hiển thị trên màn hình LCD tạo thuận tiện cho người bệnh khi chờ đến lượt khám chữa bệnh; tuyên truyền thông tin sức khỏe phục vụ cho người dân; ứng dụng phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa để phục vụ người bệnh. Ngoài ra, trong tương lai không xa, ứng dụng CNTT giúp triển khai các giải pháp hồ sơ bệnh án điện tử (EMR), và sau nữa là tiến đến hồ sơ sức khỏe/y tế điện tử (EHR).

Để thực hiện được những yêu cầu trên, đại diện Sở Y tế Thành phố cho biết đã chỉ đạo từng bệnh viện phải xây dựng các giải pháp, phương án đầu tư cho CNTT phù hợp mới quy mô đầu tư trong từng giai đoạn, phù hợp với kế hoạch định hướng trong tương lai, đồng thời cần chú ý tới yếu tố đảm bảo năng lực vận hành hệ thống phần mềm, tránh mua sắm trước thiết bị cho những ứng dụng sẽ phát triển ở giai đoạn sau.

Ứng dụng... nhưng cần tính hiệu quả

Đại diện Sở Y tế Thành phố khẳng định, các lãnh đạo bệnh viện trước hết cần phải xác định lại việc ứng dụng CNTT nhằm đáp ứng các định hướng phát triển ở trên, trong đó việc đầu tư cho hạ tầng phải phù hợp với quy mô và ứng dụng phần mềm phải phân theo từng giai đoạn sao cho tương ứng với kế hoạch định hướng tương lai, và cần đặc biệt chú ý đến việc đầu tư các thiết bị dự phòng và xây dựng biện pháp khắc phục sự cố, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục ổn định.

Hệ thống máy chủ chuẩn mực, có hệ thống sao lưu (backup), có màn hình theo dõi trạng thái hoạt động của BV Nhi Đồng 1 (trái) và BV Thành Đô (phải).

Đại diện Sở Y tế cũng cho biết, cùng với phát triển hạ tầng, các đơn vị cần từng bước xây dựng hệ thống thông tin quản lý tổng thể bệnh viện, các bệnh viện cần dành tối tiểu 1% các nguồn kinh phí cho nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ.

Những bệnh viện tuyến 1 phải có phòng CNTT với ít nhất 5 nhân sự, cũng như có kế hoạch đưa ra các chế độ, chính sách để thu hút nhân lực CNTT và có kế hoạch thường xuyên trong tập huấn, nâng cao trình độ.

PCWorld

chăm sóc sức khỏe số, chăm sóc y tế, ứng dụng CNTT, y tế công nghệ cao


© 2021 FAP
  2,740,881       4/1,025