Sản phẩm

Cách cài đặt Windows 10

(PCWorldVN) Bạn đang tìm cách cài mới, cài song song với hệ điều hành cũ hoặc cài thử nghiệm Windows 10 trên máy ảo để dùng thử? Bài viết sau sẽ giúp bạn.

Cài song song Windows 10 với Windows 7/8

Nếu còn lo ngại về tính tương thích cũng như lỗi phát sinh của Windows 10 làm ảnh hưởng đến công việc, trong khi vẫn muốn chuyển sang dùng hệ điều hành mới này thì bạn nên chọn phương án “cài song song hai hệ điều hành cũ và mới”.

Nếu máy tính của bạn đang chạy Windows 8.1 tốt thì sẽ phù hợp với Windows 10. Với các máy tính cũ hơn, cấu hình tối thiểu phải đạt là vi xử lý có tốc độ từ 1 GHz trở lên, RAM tối thiểu 1 GB (với bản 32-bit) hay 2 GB (với bản 64-bit), dung lượng còn trống tối thiểu của ổ cứng là 16 GB. Card đồ họa phải hỗ trợ Microsoft DirectX 9 với trình điều khiển WDDM.

Tất nhiên, bạn sẽ cần tài khoản Microsoft và máy phải có kết nối Internet để truy cập vào Windows Store và cài đặt ứng dụng. Bên cạnh đó, màn hình phải hỗ trợ độ phân giải tối thiểu là 1024 x 768 pixel.

Ở đây, hệ điều hành cũ là Windows 7/8 thậm chí là Windows XP, và hệ điều hành mới là Windows 10. Các hệ điều hành này sẽ được cài vào những phân vùng, ổ cứng khác nhau trên một hệ thống. Và trong lúc khởi động, bạn sẽ chọn vào hệ điều hành nào.

Trước tiên, bạn cần sao lưu những dữ liệu quan trọng trước khi làm điều này, có thể sử dụng những công cụ có sẵn trên hệ điều hành để làm việc này như Backup and Restore, sao lưu đám mây với OneDrive hoặc Google Drive, hay dùng cách thủ công là chép ra một ổ cứng hoặc USB.

Nên nhớ, việc cài đặt này nếu không thành công sẽ dẫn đến việc mất hết dữ liệu đang lưu trên ổ cứng, nên bước đầu tiên này là cực kỳ quan trọng.

Bước 1. Thay đổi dung lượng cho phân vùng chứa Windows cũ

Nếu bạn gắn thêm một ổ cứng mới vào để cài Windows 10 thì có thể bỏ qua bước này, vì việc thay đổi dung lượng cho phân vùng (partition) đang cài Windows 7/8 là để nhường chỗ cho Windows 10 sắp cài. Hay nói ngắn gọn là thu hẹp phân vùng chứa Windows 8 để có chỗ trống cho Windows 10 sắp cài song song trên một ổ cứng.

Tạo phân vùng mới từ phân vùng gốc với chức năng Shrink Volume.
Có một công cụ tích hợp sẵn trên Windows 7 hay Windows 8 để làm việc này gọi là Disk Management. Bạn chỉ cần bấm tổ hợp phím Windows + R để mở cửa sổ Run và gõ lệnh "diskmgmt.msc" (không có ngoặc kép) > nhấn Enter để kích hoạt.

Sau đó, bạn tìm đến phân vùng chứa hệ điều hành Windows 7/8 đang dùng (thường là ổ đĩa C). Sau đó, bạn nhấn chuột phải và chọn “Shrink Volume.” Điều này bạn áp dụng khi dung lượng còn trống của ổ đĩa C còn nhiều (trên 30 GB), nếu thấp hơn mức này, bạn nên resize (thu nhỏ các phân vùng khác) để có thêm dung lượng cho phân vùng mới dành cho Windows 10.

Thiết lập mức dung lượng muốn tạo cho phân vùng mới.
Ở bước Shrink volume, bạn nên tạo phân vùng mới (phân vùng này sẽ cài Windows 10) có dung lượng cao hơn mức mà Microsoft đề nghị vì việc cài trình điều khiển, dung lượng dành cho dữ liệu tạm… sẽ chiếm khá nhiều. Kinh nghiệm cho thấy dung lượng chiếm dụng sau khi cài đặt Windows 64-bit sẽ nhiều hơn so với Windows 32-bit. Bạn nên dành dung lượng trống của phân vùng cài Windows 10 trên 20 GB là tốt nhất.

Lưu ý nhỏ về các tuỳ chọn ở bước Shrink, bạn cân đối giữa dung lượng còn trống (Size of avalable shrink in MB) và tổng dung lượng của phân vùng gốc (Total size before shrink in MB) để đặt mức dung lượng cho phân vùng mới (Enter the amoint of space to shrink in MB). Dung lượng được tính bằng MB, nên nếu dung lượng là 20 GB, bạn hãy nhập 20.000 MB. Cuối cùng, bạn nhấn Shrink để bắt đầu, quá trình này mất khoảng vài giây mà thôi.

Bước 2. Tải Windows 10 và tạo đĩa hoặc USB cài đặt

Bước tiếp theo, bạn sẽ cần đến đĩa cài đặt Windows 10, nếu chưa có đĩa cài đặt thì bạn có thể tải về từ trang chủ của Microsoft. Thông thường file đĩa cài đặt sẽ có định dạng ISO, bạn sẽ chép file ISO này sang đĩa DVD và cài đặt với đĩa quang.

Bạn chỉ cần chọn Source file là file ảnh ISO của Windows 10 để tạo USB cài đặt với công cụ Windows USB/DVD Download Tool.
Nếu máy tính của bạn hỗ trợ khởi động với ổ lưu trữ USB, ổ cứng ngoài thì có thể dùng các công cụ chuyển file ảnh ISO sang USB như Win2Flash, Universal USB Installer… Tốt nhất, bạn nên sử dụng công cụ được cung cấp bởi Microsoft có tên Windows USB/DVD Download Tool tại: https://goo.gl/RGQB4u.

Bước 3. Thiết lập ưu tiên khởi động

Sau khi đã có đĩa hoặc USB cài đặt Windows 10, bạn sẽ bắt đầu cài đặt Windows 10 cho máy tính của mình, nhưng trước hết hãy thiết lập ưu tiên khởi động (Boot Priority) trong BIOS với tuỳ chọn CD/DVD hoặc Removable Disk lên đầu tiên.

Thiết lập ưu tiên boot bằng CD-ROM Drive chứa đĩa cài đặt Windows 10.
Bước 4. Cài đặt Windows 10

Tại giao diện đầu tiên của Windows Setup, bạn nhấn Install Now > chấp nhận thoả thuận sử dụng để bắt đầu cài đặt Windows 10.

Nhấn Install Now > để bắt đầu cài đặt Windows 10
Bạn cần chọn cài đặt “Custom: Install Windows only (advanced)” ở bước “Which type of installation do you want?” Nếu bạn chọn tuỳ chọn Upgrade thì sẽ nâng cấp lên Windows 10 từ Windows 7/8 (sẽ đề cập ở phần sau của bài).

Tùy chọn cài Windows như thế nào
Bước tiếp theo ở giao diện “Where do you want to install Windows?”, bạn chọn phân vùng chưa được định dạng “Unallocated Space” đã tạo trước đó > nhấn New để tạo và định dạng phân vùng mới. Tuỳ chọn Size sẽ cho phép tuỳ chỉnh mức dung lượng, bạn hãy giữ nguyên mức dung lượng cao nhất của phân vùng này > Apply > Next để tiếp tục cài đặt.

Tùy chọn cài Windows ở đâu
Chương trình Windows Setup sẽ bắt đầu cài đặt, quá trình này sẽ tiêu tốn khoảng 20 đến 30 phút tuỳ cấu hình phần cứng máy tính của bạn. Lúc này, bạn chỉ việc đợi chờ đợi cho đến khi việc cài đặt hoàn tất mà không cần tuỳ chỉnh gì nữa.

Màn hình diễn tiến quá trình cài đặt
Sau khi cài đặt Windows 10 hoàn tất, hệ thống sẽ tự khởi động lại. Lúc này, bạn sẽ thấy giao diện Choose an operating system để chọn hệ điều hành Windows 10 và Windows 7/8 cũ. Bạn có thể dùng phím mũi tên lên xuống và phím Enter để chọn.

Tùy chọn HĐH Windows 10 và Windows 7/8
Để cho tiện lợi và phù hợp với sở thích, bạn di chuyển xuống “Change defaults or choose other options” để thay đổi tuỳ chọn hệ điều hành mặc định và thời gian đếm ngược để vào hệ điều hành mặc định mà không phải chọn thủ công. Tại đây, có các tuỳ chọn khác để bạn sửa lỗi hệ điều hành bằng cách vào “Choose other options”.

Các tùy chọn liên quan đến việc khởi động Windows
Như vậy là bạn đã cài thành công hệ điều hành Windows 10 song song với Windows 7/8. Vì cả hai hệ điều hành này đều sử dụng định dạng NTFS trên hai phân vùng nên bạn dễ dàng truy cập, sao chép qua lại mà không cài thêm bất cứ công cụ nào khác. Để dễ nhận diện, bạn nên đổi tên hai phân vùng thành “Windows 10” và “Windows 7/8”.

Cài đè Windows 10 lên hệ điều hành cũ

Việc cài đè Windows 10 có thể hiểu là nâng cấp Windows XP, Windows 7 hoặc 8 lên Windows 10 trên chính phân vùng chứa hệ điều hành cũ. Mọi dữ liệu, thiết lập và ứng dụng trên hệ điều hành cũ sẽ vẫn còn lưu trên phân vùng này.

Để làm được điều này, bạn chỉ cần cho đĩa DVD hoặc USB cài đặt vào máy tính và cài đặt bình thường như hướng dẫn ở trên. Tuy nhiên, khi đến bước "Which type of installation do you want?" bạn chọn "Upgrade: Install Windows and keep files, settings and applications". Sau đó, bạn chọn phân vùng cài đặt là phân vùng chứa hệ điều hành cũ. Việc di chuyển dữ liệu, thiết lập cũ sang hệ điều hành mới sẽ thực hiện tự động, bạn chỉ việc chờ đợi và tận hưởng hệ điều hành Windows 10 khi hoàn tất.

Tùy chọn cài đè Windows 10 lên Windows cũ
Cài mới duy nhất một hệ điều hành Windows 10

Cách cài đặt này đơn giản nhất so với hai cách ở trên. Với cách cài mới duy nhất một hệ điều hành Windows 10, bạn sẽ sao lưu dữ liệu từ hệ điều hành cũ và chấp nhận từ bỏ những thứ quen thuộc trên Windows 7/8 và chuyển hẳn sang Windows 10.

Để cài mới, bạn cũng thực hiện tương tự các bước như trên, nhưng khi đến bước chọn kiểu cài đặt, bạn chọn “Custom: Install Windows only (advanced)” > chọn phân vùng đang cài đặt Windows cũ > chọn Format để xoá dữ liệu cũ và định dạng lại. Sau đó, bạn sẽ cài đặt hệ điều hành Windows 10 trên phân vùng này. Tương tự như hai cách cài đặt ở trên, bạn cũng chỉ việc đợi cho đến khi hoàn tất và sử dụng hệ điều hành mới.

Cài Windows 10 trên máy ảo

Hiện tại có nhiều công cụ để bạn có thể cài đặt và chạy máy ảo trên PC, OS X. Đa số các ứng dụng này đều đã hỗ trợ cài đặt tự động rất tiện lợi và hỗ trợ đầy đủ các driver giúp máy ảo vận hành mượt mà và giao tiếp tốt với “máy thật”. Bạn có thể sử dụng các công cụ như VMWare (có phiên bản cho Windows, Linux, bản Basic miễn phí và bản Premium có phí 189 USD, www.vmware.com), Parallels (tương thích Windows, Mac, Linux được bán với giá 80 USD, www.parallels.com) hay công cụ miễn phí VirtualBox (www.virtualbox.org).

Windows 10 đang chạy trên OS X với công cụ chạy máy ảo VirtualBox.
Cài Windows 10 trên máy Mac

Trên máy tính Mac, bạn có hai lựa chọn để có thể sử dụng Windows 10, đó là sử dụng các tiện ích chạy máy ảo như đã nhắc ở trên và cài trên một phân vùng khác nhờ công cụ Boot Camp tích hợp.

Để cài Windows 10 với Boot Camp, bạn cần chuẩn bị một file ISO của đĩa cài đặt Windows 10, một USB 8 GB trở lên. Sau đó, bạn sử dụng chương trình Boot Camp Assistant (Applications > Utilities) và làm theo hướng dẫn để tạo USB cài đặt, tải trình điều khiển (driver), phân vùng cài đặt Windows 10 (nên đặt phân vùng có dung lượng 40 GB trở lên).

Sau khi hoàn tất các bước này, máy Mac sẽ tự khởi động lại để cài đặt Windows 10.

Bạn cần chọn thủ công phân vùng muốn cài đặt Windows 10, sau đó việc còn lại là đợi khi quá trình cài đặt hoàn tất.

Theo kinh nghiệm, cài song song và cài mới thì bạn sẽ có một hệ điều hành Windows 10 ổn định và chạy nhanh hơn so với cách nâng cấp. Cách cài song song linh hoạt hơn cho bạn khi xảy ra vấn đề một số phần mềm không tương thích với Windows phiên bản mới thì bạn có thể chuyển sang hệ điều hành cũ để dùng. Riêng cách cài mới thì bạn phải chấp nhận dùng hẳn hệ điều hành mới.

Cài Windows 10 lên máy Mac với Boot Camp

Nếu cấu hình máy tính của bạn đủ mạnh, thì có thể áp dụng cách cài đặt Windows 10 bằng các công cụ tạo máy ảo theo như hướng dẫn dưới đây. Cách này phù hợp với những người dùng chưa sẵn sàng chuyển sang Windows 10 nhưng muốn dùng thử các tính năng, Windows 7/8 vẫn là hệ điều hành chính họ sử dụng để phục vụ công việc.

Sau khi Windows 10 được cài đặt xong, có thể Windows sẽ tự động cài driver, nếu không bạn phải cài đặt thủ công bằng cách nhấn vào file Setup của Boot Camp bên trong USB cài đặt đã tạo.

Để chọn hệ điều hành Windows 10 trên máy Mac, bạn cần nhấn đè phím Option để hiện ra các tuỳ chọn, dùng phím mũi tên qua lại để thay đổi tuỳ chọn và nhấn Enter (phím Return) để chọn.

PC World Vietnam 7/2015

PCWorld

cài đặt Windows 10, nâng cấp Windows 10, thủ thuật, Windows 10


© 2021 FAP
  2,738,733       8/1,040