(PCWorldVN) Windows 10 sẽ là phiên bản Windows cuối cùng và chiến lược mới của Microsoft xem nền tảng như là dịch vụ thay vì sản phẩm, với tham vọng đưa Windows 10 trở thành một HĐH đa năng. Liệu điều này có khả thi?
Hệ điều hành mới Windows 10 của Microsoft có khả năng chạy trên nhiều loại thiết bị, tính tương thích cao, nhiều tính năng mới và cải tiến mang tính cách mạng, giao diện cũng thay đổi nhiều bắt mắt người dùng hơn. Nhưng bất chấp tất cả những sự đổi mới, vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ khiến bạn cần cân nhắc có nên sớm nâng cấp lên Windows 10 hay không.
Mô hình cấp phép sử dụng
Microsoft cho biết Windows 10 sẽ miễn phí nâng cấp cho Windows 7, Windows 8.1 và Windows Phone 8.1 trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày phát hành. Vậy việc cung cấp Windows 10 sẽ theo mô hình bán cho từng thiết bị hay thuê dịch vụ hàng năm hoặc là sự kết hợp tùy chọn? Trong hơn 1 thập kỷ qua thì chưa bao giờ có khái niệm miễn phí từ Microsoft, dù công ty đã có những thay đổi nhưng xem ra trong tương lai người dùng cá nhân phải chấp nhận chi phí nâng cấp đắt đỏ lên hệ điều hành mới là khó tránh khỏi. Và không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra hơn 2 triệu đồng cho phần mềm mới (Microsoft dự tính giá bán lẻ cho bản Windows 10 Home là 119 USD).
Còn đối với doanh nghiệp thì thách thức trở nên lớn hơn trong các chính sách sử dụng, xây dựng hệ thống và bảo mật thông tin. Trong tương lai gần, có thể doanh nghiệp không còn cơ hội sử dụng các phiên bản thấp hơn Windows 10 bởi sắp tới hệ điều hành này sẽ trở thành một dịch vụ trực tuyến.
Bản vá lỗ hổng cập nhật nhanh chóng có thể gây bất ổn
Doanh nghiệp sử dụng Windows 10 có thể khiến các quản trị viên cảm thấy bị áp lực nhiều hơn trong việc khắc phục hệ thống từ lỗ hổng bảo mật. Triết lý mới của Microsoft về việc triển khai bản vá là phát hành thử nghiệm và triển khai càng nhanh càng tốt. Điều này là tốt nhưng có thể phá vỡ các ứng dụng kinh doanh quan trọng cũng nhanh không kém. Những phần mềm ứng dụng của doanh nghiệp là một hệ thống lớn được gắn liền với nền tảng Windows, vì thế với thay đổi nhỏ thì tất cả những gì đang hoạt động đều phải đánh giá lại từ đầu. Sự thay đổi liên tục đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ tốn thêm ngân sách, thời gian và nguồn lực. Đây không phải điều khiến một nhà quản trị dễ dàng chấp nhận.
Windows 10 có trở nên thiếu tin cậy?
Việc tập trung đa nền tảng trên một hệ điều hành có rất nhiều điểm lợi thế khi có khả năng tạo ra sự đổi mới và hấp dẫn người dùng. Nhưng điều đó cũng khiến Windows 10 khó có thể duy trì được độ tin cậy và tính ổn định của một hệ điều hành trước nay chỉ dành cho công việc. Ngoài ra sự hợp nhất dành cho mọi thiết bị smartphone, tablet và PC; những tính năng mới như trợ lý ảo Cortana, trình duyệt Edge có thể tạo ra nhiều điểm thú vị nhưng cuộc đua chất lượng so với những Chrome, Firefox, Siri hay Google Now, sẽ không hề dễ dàng.
Lệ thuộc vào kết nối
Điều đáng lo lắng về Windows như một dịch vụ là các nền tảng hoạt động cần ở trong trạng thái liên tục được kết nối. Khi người dùng đã chấp nhận sử dụng Windows 10 đồng nghĩa với việc chấp nhận một vòng đời sản phẩm đã được vạch sẵn con đường đi phía trước. Windows như là một dịch vụ mở đường cho các tính năng mới mang tính thời gian thực nhưng cũng có thể trở thành ác mộng của doanh nghiệp.
Tác động xấu tới nhà sản xuất thiết bị
Windows như là một dịch vụ có nghĩa là chu kỳ nâng cấp thiết bị sẽ kéo dài hơn, do đó các nhà sản xuất OEM sẽ bị tác động về doanh thu. Doanh số của loạt sản phẩm mới nhằm phục vụ cho các phiên bản mới của Windows sẽ bị hạn chế, điều này có thể không xuất hiện ngay nhưng sẽ tạo nên thảm họa trong tương lai và nạn nhân đầu tiên là các nhà sản xuất nhỏ lẻ.
Sự kết hợp của chạm và click
Trong việc cân đối lại Windows nhằm đưa hệ điều hành trở lại thân thiện với tương tác bằng bàn phím và chuột, Microsoft có lẽ khiến người sử dụng giao tiếp cảm ứng trở nên bối rối hơn bao giờ hết. Những điểm thú vị như Charms hay chuyển đổi ứng dụng vốn là điểm quen thuộc với người dùng trên Windows 8 sẽ không còn. Các nhà phát triển sẽ phải thay đổi cấu trúc ứng dụng và người dùng cần một khoảng thời gian để thích ứng. Ngoài ra thị phần trên thị trường smartphone và máy tính bảng của Microsoft rất nhỏ và khó có thể tác động hay lan tỏa trên diện rộng đến đối tượng người dùng phổ thông.
Tìm kiếm và Cortana
Cortana đã xuất hiện trên hệ điều hành PC. Đây là kết quả của sự hợp nhất nền tảng tuy nhiên công cụ này vẫn còn nhiều hạn chế ngay tại đất Mỹ chứ chưa nói đến các khu vực không sử dụng tiếng Anh. Khả năng nhận diện giọng nói khá khó khăn trong môi trường ồn ào và hiện tại thì khả năng tự động hóa này chưa mở ra cho các nhà phát triển ứng dụng. Ứng dụng thực tế khá phổ biến của Cortana là tìm kiếm nhưng điều này chưa tạo ra một sự ưu việt nào. Điểm cuối cùng vẫn là việc tìm kiếm trên web và hiển thị kết quả cuộn ngang của Windows 8 vốn khá tốt thì nay đã bị xóa bỏ.
Internet Explorer – 2 trong 1
Microsoft đã giới thiệu trình duyệt mới trong Windows 10, mang tên Edge. Đây được kì vọng là sự thay đổi mang tính cách mạng của Windows khi trang bị hai cơ chế trình duyệt, trong đó EdgeHTML được sử dụng mặc định còn MSHTML dành cho các trang web chưa có sự tương thích. Microsoft Edge tương tự như Metro IE trong Windows 8 nhưng một số tính năng bị loại bỏ như điều khiển ActiveX và Browser Helper Objects khiến khả năng tương thích với các ứng dụng cũ kém.
Câu trả lời trong tương lai
Microsoft đã dành nhiều thời gian quảng bá Windows 10 cho máy tính để bàn và đối tượng doanh nghiệp, nhưng trong thực tế thì hãng tập trung đưa trở lại các tính năng của Windows 7 rồi kế tiếp mới nhắm vào các trải nghiệm cảm ứng và thiết bị lai. Microsoft đang cố gắng tạo ra một hệ điều hành hoàn hảo cho khối doanh nghiệp, và đồng thời nhắm vào người dùng thiết bị di động. Điều đó là khó có thể đạt được khi mà các nhà sản xuất không mặn mà với nền tảng di động Windows, và các sản phẩm của Microsoft cũng đang chật vật để tồn tại trên thị trường.
Dường như Microsoft đang cố gắng định vị lại vai trò của nhóm Wintel trong thị trường máy tính xách tay và máy tính bảng. Windows 10 có thể chỉ là sự thỏa hiệp đầy bối rối của Microsoft chứ không phải là cuộc cách mạng lâu dài khi hãng đánh mất dần mối liên hệ giữa mình và khách hàng.
cài đặt Windows 10, nâng cấp Windows 10, thủ thuật Windows 10, Windows 10