Sản phẩm

Microsoft tung ra Windows 10 mà không phô trương

(PCWorldVN) Công ty nỗ lực thuyết phục người hâm mộ với một thiết kế mới mẻ và thử nghiệm ở phạm vi rộng.

20 năm qua, kể từ lần Windows 95 ra mắt, Microsoft luôn tổ chức sự kiện hoành tráng cho ngày công ty tung ra hệ điều hành mới, mở màn cho những chiến dịch tiếp thị lớn nhất của mình. Người hâm mộ thì hào hứng xếp hàng từ nửa đêm để đợi mua Windows mới ra lò, và các phóng viên liên tục phát tin trực tiếp từ hiện trường.

Nhưng ngày ra đời của Windows 10 hôm 29/7 hoàn toàn lặng lẽ: sàn chứng khoán Nasdaq không rung chuông mở màn phiên giao dịch đầu ngày, không có những màn quảng cáo phô trương với sự tham gia của các ngôi sao hay ban nhạc nổi tiếng như Rolling Stones biểu diễn – chỉ có 13 buổi tiệc trên toàn thế giới để cảm ơn những tình nguyện viên đã tham gia chạy thử nghiệm và phản hồi lỗi trong quá trình tinh chỉnh hệ điều hành mới trong năm qua.

“Một màn ra mắt hoành tráng với những nhân vật nổi tiếng hấp dẫn cho tin tức, nhưng điều đó không nhất thiết tạo ra một tỷ người dùng gắn bó và hạnh phúc với Windows”, trưởng bộ phận Windows Terry Myerson cho biết.

Microsoft đã hứa hẹn với các cổ đông rằng Windows 10 sẽ đạt 1 tỷ người sử dụng trong vòng 3 năm tới – một tốc độ chấp thuận nhanh chưa từng thấy – ngay cả khi công ty chuyển trọng tâm sang các sản phẩm khác.

Công ty đang chủ yếu dựa vào đội quân 5 triệu tình nguyện viên kiểm tra lỗi trong chương trình Windows Insider. Những người này không chỉ giúp Windows 10 hoàn thiện hơn mà còn để xây dựng lòng trung thành với HĐH của Microsoft. Điều này cũng phản ánh thực tế phần mềm Microsoft không còn là công cụ cần thiết như trước, khi người tiêu dùng đang chuyển dần từ PC sang smartphone và máy tính bảng.

Vào năm 2000, Windows có mặt trên 97% thiết bị điện toán của người tiêu dùng trên toàn thế giới, bao gồm cả điện thoại và máy tính bảng, theo ước tính của Goldman Sachs; hiện tại tỷ lệ này chỉ còn dưới 20%.

Dưới sự lãnh đạo của CEO Satya Nadella, Microsoft nhìn nhận sự cạnh tranh lớn nhất đối với một phiên bản Windows mới không phải là các phiên bản Windows cũ hơn. Để mở rộng ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi của các hệ điều hành của mình, Microsoft đã thâu tóm một số nhà sản xuất ứng dụng doanh nghiệp nền tảng iOS và Android và đã tung ra các phiên bản Office cho iOS và Android trước tiên. Giám đốc tiếp thị của bộ phận HĐH, Yusuf Mehdi, đang nói về việc lôi kéo khách hàng trở lại từ các “hệ sinh thái khác”, như Apple và Google. Để làm điều đó, Microsoft nỗ lực tạo cho Windows 10 trực quan và hấp dẫn nhất có thể.

Windows 8, được phát hành vào năm 2012, làm người dùng PC thất vọng vì Microsoft lấy màn hình cảm ứng làm trung tâm đã loại bỏ những tính năng quen thuộc như menu Start. Chỉ một số PC với tỷ trọng rất nhỏ là có thể tận dụng lợi thế điều khiển chạm và vuốt phần nào. Phiên bản mới đã phục hồi menu Start và cho phép người dùng chuyển đổi dễ dàng giữa thiết lập màn hình cảm ứng và giao diện truyền thống thân thiện với điều khiển bằng chuột. Điều đó đã khắc phục sai lầm của Windows 8.

Microsoft cũng đã thay trình duyệt Internet Explorer nhiều tai tiếng bằng trình duyệt web mới Edge để tăng sức cạnh tranh với các đối thủ trình duyệt hiện đại khác như Chrome, Safari hay Firefox. Trợ lý số Cortana của công ty, giống như Siri của Apple, được tích hợp sẵn, nhờ vậy bạn có thể phát khẩu lệnh để hệ thống gửi email. Microsoft miễn phí nâng cấp cho người dùng Windows 7 và 8.1 có bản quyền lên Windows 10 trong năm đầu tiên. Ngoài ra, người dùng PC có thể trả 119 USD để có được bản quyền sử dụng Windows 10 Home, hoặc 199 USD đối với bản Windows 10 Pro.

Thay đổi lớn nhất là việc tạo ra chương trình Windows Insider từ tháng 9 năm ngoái. Nhóm người tiêu dùng và khách hàng doanh nghiệp tham gia chương trình này đã tải về và sử dụng các phiên bản thử nghiệm của HĐH. Các thành viên gửi phản hồi sau mỗi 10 giờ sử dụng, định hình Windows 10 tới một mức độ mà cách đây vài năm Microsoft khó có thể tượng tượng. Hình thức này còn có tác dụng giảm bớt những lo ngại về sự độc quyền khét tiếng của Microsoft đối với các phiên bản Windows trước đây.

Cùng với việc phát hành Windows 10, Microsoft có thể tạo ra cú hích mới cho hoạt động kinh doanh. Hôm 21/7, công ty công bố khoản lỗ kỷ lục cho một quý. Theo báo cáo tài chính quý 4 năm 2015 của công ty kết thúc vào ngày 30/6, Microsoft lỗ ròng 3,2 tỷ USD trên doanh thu 22,2 tỷ USD, do phải ghi giảm giá trị mảng điện thoại Nokia mà công ty đã phải chi trả 9,5 tỷ USD để mua về trong năm 2014. Microsoft đang thu hẹp hết mức qui mô mảng sản xuất điện thoại và cắt giảm tới 7.800 việc làm, sau khi đã giảm tới 18.000 nhân viên vào năm ngoái.

Windows là mảng đem tiền đáng kể về cho công ty nhưng đang bị sụt giảm thời gian gần đây. Hồi tháng 4, Giám đốc tài chính (CFO) Amy Hood cho biết, mảng kinh doanh này mang lại 15 tỷ USD mỗi năm, giảm từ 19 tỷ USD vào năm 2013, cũng là lần gần đây nhất Microsoft tiết lộ doanh thu mảng Windows. 92% trong tổng số 300 triệu PC bán ra toàn cầu mỗi năm chạy Windows, theo ước tính của Gartner, giảm từ 95% của 2 năm trước.

Trong buổi họp báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua, CEO Nadella nói với các nhà phân tích rằng Windows 10 sẽ phục hồi tăng trưởng doanh thu cho bộ phận HĐH, nhưng tác động sẽ đến ít nhất là sau 2 quý nữa. Ông đã hướng tương lai của công ty ra ngoài mảng Windows: trong tháng 6, ông giao nhiệm vụ cho nhân viên, theo đó HĐH được ông xếp ưu tiên thứ ba, sau dịch vụ năng suất (bao gồm Microsoft Office) và dịch vụ đám mây. Nghĩa là Windows từ vị thế trọng yếu đã chuyển sang vai trò hỗ trợ.

Bộ phận Windows tiếp tục nghiên cứu và phát triển, bao gồm những dự án ngoài PC, như kính thực tế ảo Hololens, và máy tính màn hình cảm ứng 84-inch cho phòng họp doanh nghiệp giá 20.000 USD. Trưởng bộ phận Windows, Myerson, nói ông cố gắng làm cho HĐH của Microsoft trở thành “ngôi nhà tốt nhất” cho Office và Skype, bên cạnh các sản phẩm khác của công ty.

Windows 10 sẽ được Microsoft tiến hành cập nhật và cải tiến thường xuyên, trước tiên là cho người dùng Windows Insider, trái với việc tung ra phiên bản Windows mới sau mỗi vài năm. Người dùng doanh nghiệp có thể chọn cập nhật chậm để tránh bị ảnh hưởng tới kinh doanh. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có được một bản cập nhật thực sự lớn như trước đây, nghĩa là sẽ không ai được dùng Windows 11.

Tóm lại là Microsoft tung ra Windows 10 trong nỗ lực thay đổi tình hình sau 2 năm trượt dốc về doanh thu HĐH, giảm từ 19 tỷ USD xuống còn 15 tỷ USD.

PCWorld

cài đặt Windows 10, Microsoft, nâng cấp Windows 10, Satya Nadella, Windows 10


© 2021 FAP
  2,736,763       1/941