(PCWorldVN) Đây là đề tài áp dụng cho tuyến đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ vừa được Sở KHCN TP.HCM tổ chức nghiệm thu hồi tháng 7/2015.
Được biết, đề tài "Ứng dụng GIS trong quản lý và cung cấp thông tin hạ tầng giao thông, áp dụng trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ" do thạc sĩ Phạm Đức Thịnh (Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý) làm chủ nhiệm.
Đại diện nhóm thực hiện đề tài cho biết, tại Việt Nam, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào các hoạt động quản lý nhà nước đã được triển khai từ khá lâu, trong đó nổi bật là tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Tuy nhiên, các dự án thường dùng các phần mềm GIS thương mại - tức phải mua bản quyền - với chi phí rất cao nên rất khó khăn trong việc triển khai trên diện rộng.
Mặt khác, các dự án này chủ yếu tập trung vào các phần mềm chạy trên máy tính cá nhân nhằm phục vụ công tác chuyên môn, quản lý nhà nước trong lĩnh vực cụ thể có ứng dụng GIS nên đa phần chỉ chạy trên mạng nội bộ, khả năng truy cập thông tin rộng rãi từ mạng Internet còn nhiều hạn chế.
Ảnh minh họa. |
Báo cáo của nhóm thực hiện đề tài nêu rõ hiện đã có một số WebGIS cung cấp thông tin GIS qua mạng Internet nhưng chủ yếu là các dữ liệu nền chuyên đề và một số dữ liệu chuyên ngành khác như Cổng thông tin địa lý TP.HCM - www.hcmgisportal.vn. Bên cạnh đó, một số công ty đã xây dựng các trang web hỗ trợ các chức năng tìm kiếm đường đi như www.vietbando.com và www.diadiem.com.
Thạc sĩ Phạm Đức Thịnh cho hay, nguồn thông tin giao thông trên các website, dịch vụ tìm đường do các công ty tư nhân phát triển tại Việt Nam hiện không được cập nhật thường xuyên và đặc biệt là chưa mang tính pháp lý cao so với các thông tin của đơn vị quản lý Nhà nước. Hơn nữa, các giải pháp tư nhân xây dựng mặc dù đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người tham gia giao thông nhưng mức độ đáp ứng và khả năng phổ biến chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân, và hơn hết là chưa hỗ trợ cho việc phổ biến thông tin giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông.
Cũng theo thạc sĩ Thịnh, đề tài "Ứng dụng GIS trong quản lý và cung cấp thông tin hạ tầng giao thông, áp dụng trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ" được triển khai nhằm xây dựng một giải pháp GIS hiệu quả để hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp các thông tin về giao thông để người dân có phương án tối đa.
Cụ thể, mục tiêu của đề tài là: Nghiên cứu các giải pháp WebGIS ứng dụng vào quản lý và cung cấp thông tin hạ tầng giao thông, phân tích ưu và nhược điểm của các phần mềm nguồn mở so với các phần mềm thương mại; Đề xuất giải pháp WebGIS ứng dụng vào xây dựng hệ thống quản lý và cung cấp thông tin hạ tầng giao thông tại TP.HCM; thiết kế cơ sở dữ liệu GIS thông tin giao thông; biên tập cơ sở dữ liệu GIS thông tin giao thông trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ; Thiết kế các công cụ hỗ trợ cho việc quản lý và cập nhật thông tin giao thông, các công cụ cung cấp thông tin giao thông, hướng dẫn và hỗ trợ cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tại buổi nghiệm thu, ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KHCN Thành phố, thành viên Hội đồng nghiệm thu và phản biện đề tài yêu cầu nhóm nghiên cứu khi triển khai ứng dụng đề tài vào thực tế cần đặc biệt xem xét thêm khả năng hoạt động của ứng dụng khi lượng dữ liệu tăng cao hoặc khi được triển khai trên toàn thành phố.
Bên cạnh đó, các thành viên khác của hội đồng nghiệm thu là các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ bản đồ số cũng đánh gia cao nền tảng công nghệ mà nhóm nghiên cứu đang sử dụng và đã có những đề xuất bổ sung các tính năng như tăng tốc độ truy xuất, bảo mật.
Nền tảng GIS (Geographical Information Systems) là hệ thống thông tin địa lý phân tán trên một mạng các máy tính để tích hợp, trao đổi các thông tin địa lý trực tuyến. Phương thức hoạt động của dịch vụ GIS gần giống như là kiến trúc client - server của web. Xử lý thông tin địa lý cũng được chia ra thành các nhiệm vụ ở phía server (máy chủ) và phía client (máy khách). |
Apple Maps, bản đồ số, GIS, Google Maps, gps, Here Maps, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM, WebGis