(PCWorldVN) Sự sụp đổ nhanh chóng bất thường của các sàn giao dịch tiền ảo đang đẩy những người tham gia đầu tư tại đây đứng trước nguy cơ mất tiền thật, thậm chí toàn bộ gia sản của mình.
Cục Cảnh sát Tokyo nghi ngờ Mark Karpeles đã thao túng dữ liệu trên hệ thống máy tính của
sàn giao dịch bitcoinvào năm 2013, nhằm tạo ra số dư tài khoản bằng bitcoin trị giá khoảng 1 triệu USD.
Vụ bê bối vỡ lở khi 22,6 triệu USD tiền mặt của khách hàng tại sàn Mt.Gox bị “bốc hơi” và cảnh sát cho rằng, chỉ có ông Karpeles mới có khả năng truy cập vào máy chủ và cơ sở dữ liệu tại công ty điều hành sàn giao dịch này.
Trước đó, vào tháng 2/2014, sàn giao dịch này sụp đổ sau khi thông báo mất khoảng 850.000 bitcoin (khoảng gần 500 triệu USD vào thời điểm đó) trong tài khoản của khách hàng và kho dự trữ tiền của công ty.
Những sự cố liên tiếp gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng khi tham gia các sàn giao dịch đồng bitcoin và những loại tiền ảo khác. Nhìn chung, khách hàng đã “hoa mắt” trước những hoạt động quảng cáo rùm beng về “lợi nhuận khổng lồ” khi tham gia những sàn giao dịch này. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đều không lường trước được rủi ro là một ngày nào đó sẽ trắng tay khi đầu tư vào hoạt động kinh doanh này.
Có thể so sánh hoạt động kinh doanh tiền ảo với “chơi hụi” và các hoạt động huy động vốn với lãi suất cao vốn đã xảy ra tại Việt Nam vào cuối thập kỷ trước, khi thị trường bất động sản bùng nổ, giá nhà đất liên tục tăng, thu hút hàng loạt doanh nghiệp và cá nhân tham gia.
Để tham gia hoạt động kinh doanh này, nhiều người đã đứng ra thu gom, vay tiền từ những người thân quen, kể cả họ hàng, và cho vay lại. Trong thời gian đầu, những người cho vay thường nhận được những khoản tiền lãi khổng lồ và đều đặn.
Ảnh minh họa |
Tuy vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng rất khó can thiệp, bởi hầu hết các khoản cho vay đều không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, cùng lắm chỉ là giấy viết tay nhưng lại không có cam kết gì của chủ hụi.
Về bản chất, hoạt động kinh doanh tiền ảo hoàn toàn giống hoạt động cho vay theo kiểu “chơi hụi” tại Việt Nam, chỉ khác nhau về hình thức huy động tiền mặt. Đối với mô hình “chơi hụi” tại Việt Nam, chủ hụi nhận tiền mặt trực tiếp từ khách hàng (nhà đầu tư) và trả lãi trực tiếp cho nhà đầu tư.
Tại các sàn giao dịch tiền ảo, nhà đầu tư nộp tiền qua tài khoản được mở tại sàn giao dịch đó và chủ sàn giao dịch đứng ra “kinh doanh hộ” nhà đầu tư dưới hình thức ủy thác đầu tư, và ghi tiền lãi vào tài khoản của nhà đầu tư.
Tại Nhật Bản và một số nước trên thế giới, sàn giao dịch tiền ảo được pháp luật thừa nhận và coi là hoạt động hợp pháp. Trong đó có quy định về trách nhiệm của chủ sàn giao dịch đối với nguồn vốn của các nhà đầu tư và biện pháp xử lý khi sàn giao dịch phá sản.
Tuy nhiên, khi sàn giao dịch bị mất tiền, các chủ sàn thường tìm cách đổ lỗi cho tin tặc nhằm chối bỏ trách nhiệm và che giấu lỗ hổng của sàn giao dịch trong việc quản lý tài khoản và nhà đầu tư.
Trong tình hình thế giới ngày càng khó khăn và phức tạp như hiện nay, hoạt động lừa đảo được nhiều tổ chức và cá nhân tiến hành dưới những hình thức ngày càng tinh vi. Đối với sàn giao dịch tiền ảo, không loại trừ khả năng chủ sàn sẽ tính toán, gom đủ lượng tiền thật cần thiết và biến mất. Nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền đã nộp vào tài khoản tại sàn giao dịch đó.
Tại Việt Nam, tiền ảo bitcoin và những đồng tiền điện tử khác chưa được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản cảnh báo về những rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền ảo. Vì thế, các nhà đầu tư, nhất là người dân cần thận trọng, không vì hám lợi mà tham gia vào những giao dịch, hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và tiềm ẩn rủi ro cao.
Xuân Thanh
(Theo chinhphu.vn)
Bitcoin, mạng xã hội, quảng cáo, Tiền ảo