Sản phẩm

Hacker Trung Quốc bị tố 'rình rập' Ấn Độ

(PCWorldVN) Công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ ngày 21/8 cho biết gián điệp mạng, rất có thể từ Trung Quốc, đã rình rập các cơ quan chính phủ và đại học của Ấn Độ từ năm 2012 nhằm đánh cắp tài liệu nhạy cảm.

Theo báo cáo vừa được công ty bảo mật có trụ sở tại thành phố Milpitas - bang California của Mỹ, giới hacker dường như đặc biệt quan tâm đến vấn đề tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng như thông tin về các nhà hoạt động Tây Tạng.

“Những mục tiêu tấn công (của họ) dường như cũng là mối quan tâm đặc biệt của chính phủ Trung Quốc, chẳng hạn như vấn đề các nhà hoạt động Tây Tạng. Những gián điệp này được trang bị rất tốt và hoạt động 24/24 giờ”, một phát ngôn viên của FireEye cho biết.

“Các dấu hiệu mà chúng tôi tìm thấy trong phần mềm độc hại của họ cho thấy những người này có thể nói tiếng Trung Quốc”, phát ngôn viên trên cho biết thêm.

chiến tranh mạng, an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh thông tin, hacker Trung Quốc, gián điệp mạng
Ảnh minh họa.

Hacker đã gửi những bức thư điện tử lừa đảo với các tập tin đính kèm chứa một đoạn mã gọi là “watermain”, vốn cho phép chúng lây nhiễm virus và xâm nhập máy tính của người dùng khi được mở ra.

Hiện Trung Quốc vẫn chưa có động thái phản ứng nào trước thông tin trên, nhưng Bắc Kinh cho đến nay vẫn luôn bác mọi cáo buộc liên quan đến gián điệp mạng.

Ấn Độ và Trung Quốc, vốn từng đi đến chiến tranh đẫm máu vào năm 1962, lâu nay vướng vào một cuộc tranh chấp biên giới, và cả 2 phía đều thường xuyên buộc tội binh sĩ của nhau xâm nhập lãnh thổ.

Một khúc mắc khác trong quan hệ song phương là việc lãnh đạo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong ở Ấn Độ kể từ khi chạy trốn sau cuộc nổi dậy thất bại chống chính phủ Trung Quốc hồi năm 1959.

Ấn Độ cũng thận trọng với những tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm ở Sri Lanka và Nepal, những nước mà New Delhi xem là “sân sau” của mình.

Các chuyên gia trong những năm gần đây đã nêu nghi vấn về năng lực phòng vệ mạng của Ấn Độ, bao gồm việc nhiều quan chức chính phủ vẫn dùng Hotmail hay Gmail vào các hoạt động thông tin liên lạc chính thức.

PCWorld

hacker, hacker Triều tiên, hacker Trung Quốc


© 2021 FAP
  2,381,591       1/696