Sản phẩm

Làng smartphone trong cơn khốn khó

(PCWorldVN) Kinh doanh khó khăn, thậm chí phải vật lộn để tồn tại, đó đang là tình cảnh của nhiều đại gia smartphone, trái ngược với khí thế hừng hực đi lên của mấy năm trước.

Tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự là những biện pháp dường như bất khả kháng đang được nhiều hãng sản xuất smartphone thực thi vì hoạt động kinh doanh lao đao trong bối cảnh thị trường dần bão hòa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Sa thải, sa thải và… sa thải

Đầu tháng 7 vừa qua, CEO Satya Nadella tuyên bố kế hoạch cắt giảm 7.800 nhân sự, chủ yếu thuộc mảng kinh doanh smartphone nằm trong bộ phận phần cứng của Microsoft. Động thái này là bước tiếp nối đợt sa thải ồ ạt vào năm ngoái, sau khi Microsoft tiếp nhận bộ phận điện thoại Nokia, khiến 18.000 nhân viên buộc phải ra đi - phần lớn trong số đó thuộc đội quân 25.000 người đến từ Nokia.

Đến giữa tháng 8, lại có thêm hơn 5.000 lao động trong ngành smartphone thuộc diện mất việc. Trong cùng ngày 13/8, hai tên tuổi lớn trên thị trường smartphone là Lenovo và HTC đồng loạt công bố kế hoạch sa thải nhân sự.

Kinh doanh khó khăn, Lenovo đưa ra một chương trình cắt giảm chi phí, qua đó 10% trên tổng số nhân viên, tức khoảng 3.200 người, sẽ mất việc làm trong nửa cuối năm nay. Nhà sản xuất smartphone Đài Loan HTC cho biết sẽ sa thải 15% nhân sự, tức khoảng 2.000 trong tổng số 15.700 nhân viên trên toàn thế giới, nhằm tạo ra một cơ cấu tổ chức công ty linh hoạt hơn để có thể sống sót trước tình hình kinh doanh ngày càng xấu đi.

Như vậy là chỉ trong vòng hơn một tháng làng smartphone đã đăng ký tới 13.000 nhân sự vào đội quân thất nghiệp trên toàn thế giới. Trước đó, vào đầu tháng 6, Sony đã xác nhận kế hoạch cắt giảm 1.000 nhân sự tại Thụy Điển thuộc bộ phận di động Sony Mobile, do kinh doanh không hiệu quả.

Cả làng khốn khó

Đã qua rồi thời kỳ tăng trưởng nóng của thị trường smartphone. Báo cáo mới đây nhất của Gartner cho thấy, doanh số bán smartphone trên toàn thế giới trong Quý 2 vừa qua chỉ tăng 13,5% so với cùng kỳ của năm 2014, đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013. Đây cũng là quý đầu tiên doanh số giảm tại Trung Quốc – thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán smartphone toàn cầu – giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nói tới thất bại trên chiến trường smartphone phải kể đến người khổng lồ phần mềm Microsoft. Trong Quý 2 vừa qua (là quý cuối năm tài chính 2015 của Microsoft), công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 3,2 tỷ USD, vì đã ghi giảm 7,6 tỷ USD giá trị của bộ phận thiết bị di động mua lại từ Nokia. Với việc ghi giảm này, xem như giá trị của Nokia tại Microsoft trở nên vô nghĩa chỉ sau 14 tháng.

Vào tháng 4 năm ngoái, Microsoft đã chi tổng cộng 9,5 tỷ USD để hoàn tất thương vụ Nokia được cựu CEO Steve Ballmer khởi xướng từ cuối năm 2013. Nokia từ chỗ được kỳ vọng sẽ là cứu cánh nhanh chóng trở thành gánh nợ của Microsoft. Thực tế, thị phần Windows Phone vẫn nhỏ nhoi dưới mức 3%, và điện thoại Nokia chỉ đem về những khoản thua lỗ cho Microsoft. Quý đầu năm nay, Microsoft báo cáo doanh thu từ smartphone là 1,4 tỷ USD, nhưng chi phí tới 1,8 tỷ USD, lỗ 0,12 USD trên mỗi sản phẩm điện thoại Windows Phone bán được.

Nếu không kể tới BlackBerry thì sa sút nhất có lẽ là HTC. Không chỉ bị bật khỏi top 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, mà đáng ngại là tình hình kinh doanh của nhà sản xuất Đà Loan ngày càng thảm bại, nhất là sau thất bại của chiếc smartphone cao cấp One M9. Quý 2 vừa qua, công ty chỉ đạt vỏn vẹn 1 tỷ USD doanh thu, lỗ 252 triệu USD. HTC còn dự kiến Quý 3 này doanh số sẽ giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà sản xuất smartphone lớn thứ tư thế giới Lenovo báo cáo lợi nhuận giảm trên 50% trong Quý II/2015 so với cùng kỳ năm ngoái. CEO Yang Yuanqing của Lenovo nhìn nhận quý vừa qua công ty gặp tình hình kinh doanh khó khăn nhất trong những năm gần đây, trái ngược với kỳ vọng vươn lên hàng đầu sau khi công ty thâu tóm mảng điện thoại Motorola từ Google.

Các đại gia smartphone đều thừa nhận đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn trong kinh doanh. Trong Quý 2 vừa qua, lợi nhuận mảng di động của Samsung đã giảm tới 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận quý thứ 7 liên tiếp sụt giảm lợi nhuận. LG thì chỉ thu về được 0,012 USD trên mỗi smartphone bán ra. Cả quý LG chỉ xuất được 14,1 triệu smartphone, doanh số đã sụt giảm hai quý liền. Sony dự kiến bộ phận di động thua lỗ khoảng 315 triệu USD trong năm tài chính 2015. Những chiếc Xperia Z cao cấp đời mới không còn được thị trường nôn nóng mong chờ và nhà sản xuất điện tử Nhật Bản đang lâm vào cảnh khó khăn, tới mức đang muốn bán mảng di động, dù công ty đã lên tiếng bác bỏ tin đồn này.

Đại diện của LG cho biết, nhu cầu về smartphone cao cấp đang giảm xuống, trong khi đó ở phân khúc tầm trung và giá thấp đang gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích đồng tình với nhận định này.

Nhà giàu cũng khóc

Đã qua 7 quý thất bại sau thời kỳ 5 quý liền lợi nhuận tăng trưởng, nhưng ban lãnh đạo Samsung nhìn nhận tình hình khó khăn của công ty chưa dừng lại. Quý 2 vừa qua, Samsung chỉ còn chiếm 21,9% thị phần smartphone toàn cầu so với 26,2% của cùng kỳ năm 2014, theo Gartner.

Đã qua rồi thời kỳ làm mưa làm gió của dòng sản phẩm cao cấp Galaxy S với các đời Galaxy S2/ S3/S4. Giờ đây, ở phân khúc cao cấp, Samsung quá khó để cạnh tranh với bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus có sức hút thị trường quá mạnh. Điều đó có thể thấy qua việc bộ đôi Galaxy S6 và S6 Edge đã không hoàn thành sứ mệnh chặn đà sụt giảm của mảng di động Samsung. Và lợi thế màn hình lớn Samsung có được từ năm 2011 với dòng Note tưởng chừng không có đối thủ “lớn” nhưng nay đang bị iPhone 6 Plus lấn lướt.

Trong khi đó, ở phân khúc tầm trung và giá rẻ, Xiaomi và nhiều nhà sản xuất Trung Quốc khác như Huawei, ZTE làm giá quá tốt cho những chiếc smartphone có cấu hình hấp dẫn. Đơn cử như hôm 15/8, chỉ trong vòng 12 giờ đồng hồ Xiaomi đã bán qua mạng được 800.000 chiếc Redmi Note 2. Phiên bản smartphone cấu hình cao được bán với giá thấp này (khởi điểm 125 USD) trang bị màn hình 5,5 inch Full HD, chip 8 nhân, RAM 2 GB, camera 13 megapixel.

Trong nỗ lực vực dậy mảng smartphone, tháng 8 vừa qua, Samsung đã tung ra bộ đôi Galaxy mới Note 5 và S6 Edge+. Màn hình 5,7 inch chính là theo xu hướng người dùng ngày càng tiêu thụ hình ảnh nhiều hơn, Edge+ cũng có thiết kế sáng tạo với màn hình cong hai bên như Edge, S Pen của Note 5 được cải tiến thông minh hơn. Nhưng nhiều nhà phân tích nhận định giá bán chưa hấp dẫn (giá khởi điểm trên 720 USD với Note 5 và gần 800 USD với Edge+) sẽ là rào cản đối với Samsung, vì thị trường đang đi theo xu hướng không chỉ lớn hơn, tốt hơn mà còn phải rẻ hơn.

Năm 2015 có lẽ sẽ được ghi nhận như là thời kỳ khủng hoảng của làng smartphone thế giới và đáng lo ngại hơn là chưa có dấu hiệu chấm dứt. Cắt giảm chi phí mới chỉ là một vế của kinh doanh, vấn đề lớn hơn vẫn là tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại lợi nhuận cao và tăng trưởng bền vững. Không làm được điều này thì những thất bại như của Nokia hay BlackBerry có thể vận vào bất cứ công ty nào.

PC World VN, 09/2015

PCWorld

Galaxy Note 5, Galaxy S6 Edge+, iPhone 6S, iPhone 6S Plus, Smartphone


© 2021 FAP
  2,577,142       1/1,303