(PCWorldVN) Được xem là phiên bản hệ điều hành hợp nhất dành cho mọi thiết bị với nhiều cải tiến, nhưng liệu 'hệ điều hành tốt nhất từ trước đến nay của Microsoft' có đủ sức đọ với OS X của Apple?
Khác với các phiên bản Windows trước đó, Microsoft đã bắt đầu cho người dùng và giới lập trình viên được dịp tiếp cận với phiên bản Technical Preview của Windows 10 từ cuối năm 2014. Có lẽ chính vào sự “trợ giúp” của cộng đồng người dùng thử này mà bản chính thức của hệ điều hành vừa phát hành vào ngày 29/7 vừa qua tại 190 quốc gia đã trở nên ổn định, ít phát sinh lỗi hơn so với các phiên bản trước. Điểm đáng nói ở đây là Windows 10 cũng là phiên bản hệ điều hành đầu tiên tương thích từ máy tính để bàn (desktop), laptop, máy tính bảng (tablet), điện thoại thông minh (smartphone), máy chơi game Xbox One, kính thực tế ảo HoloLens và cả máy tính tí hon Raspberry Pi... Trong khi đó, OS X 10.10 Yosemite hay El Capitan hiện chỉ hỗ trợ duy nhất các máy tính Mac, MacBook của Apple.
Hãy cùng PC World Vietnam điểm qua những điểm nổi bật nhất trên Windows 10 và so sánh chức năng tương tự trên OS X của Apple để xem liệu liệu hệ điều hành mới của Microsoft có tốt hơn đối thủ.
Start Menu mới trên Windows 10. |
Launchpad và thanh Dock trên OS X El Capitan và Yosemite. |
Phương thức nâng cấp và cài đặt mới
Thực ra nếu so với OS X thì cách nâng cấp lên Windows 10 mới từ hệ điều hành cũ của Microsoft không phải là mới, vì Apple đã áp dụng cách này từ nhiều năm trước. Hiện tại, người dùng có thể nâng cấp lên OS X mới (chẳng hạn như El Capitan) thông qua Mac App Store bên cạnh việc cài từ USB. Với Windows 10 cũng vậy, lần đầu tiên Microsoft áp dụng phương thức nâng cấp lên hệ điều hành mới từ Windows 7/8 thông qua tính năng Windows Update tích hợp. Có thể do lần đầu tiên áp dụng nên phương thức này còn gây nhiều phiền toái cho người dùng. Chẳng hạn như một số máy không hiện thông báo cập nhật, kiểm tra cập nhật (check for updates) liên tục, nhưng bản Windows 10 vẫn chưa hiện hữu…
Riêng với phương thức cài đặt từ USB có thể khởi động được (Windows 10 Bootable Media Drive) thì hoàn toàn tương tự như cách cài đặt OS X với ổ đĩa gắn ngoài. Điểm khác biệt duy nhất là việc tạo USB cài đặt cho Windows 10 được thực hiện trên Windows nhờ một công cụ hỗ trợ, trong khi đó tạo USB cài đặt OS X được tạo ra nhờ công cụ Disk Utility hoặc Terminal trên Mac OS.
Có thể nói việc cài đặt mới hay nâng cấp lên Windows 10 đã được Microsoft chuẩn bị rất tốt để ai cũng có thể tự làm được, mà không cần sự trợ giúp của kỹ thuật viên. Các bước cài đặt, thiết lập phần lớn được thực hiện tự động. Trình điều khiển đa phần được nhận diện đầy đủ và có thể cập nhật thường xuyên thông qua chức năng Windows Updates.
Nhìn chung, với Windows 10, Microsoft đã thay đổi lại cách suy nghĩ của người dùng về việc cài đặt và nâng cấp lên Windows phiên bản mới.
Quy đổi tiền tệ nhanh với thanh tìm kiếm trên Windows 10. |
Sự trở lại ấn tượng của Start Menu
Đầu tiên có thể nhắc đến là Start Menu đã trở lại trên Windows 10 sau khi bị Microsoft loại bỏ trên Windows 8/8.1. Start Menu này chứa đầy đủ các ứng dụng đã cài đặt trên hệ thống, bao gồm ứng dụng Windows (Windows Apps – trước đây gọi là Modern UI Apps) và phần mềm cho Windows (Windows Softwares). So với Windows 8/8.1 thì Start Menu mới của Windows 10 thực sự hữu ích, khả năng tuỳ biến cao với giao diện bắt mắt. Ranh giới giữa môi trường Windows Desktop và Modern UI – điều gây khó chịu nhất ở Windows 8/8.1 – đã hoàn toàn bị xoá bỏ nhờ Start Menu mới này.
Nếu so với OS X Yosemite hay phiên bản thử nghiệm mới nhất là El Capitan của Apple thì Start Menu này tỏ ra ưu việt và đa năng hơn so với thanh Dock và Launchpad của OS X. Start Menu hội đầy đủ các tính năng, phần mềm, ứng dụng (hỗ trợ hiển thị thông tin động – Live Tiles có thể thay đổi kích thước) trong một giao diện có thể đóng mở linh hoạt, trong khi đó cả Launchpad và Dock của OS X chiếm nhiều diện tích nhưng thực chất cũng chỉ là một phần chứa một số shortcut của ứng dụng mà thôi. Nếu trong lần đầu sử dụng, có thể bạn sẽ nhận thấy Start Menu này quá lộn xộn và có nhiều tuỳ chọn (bên cạnh các phần mềm còn có các nút chức năng, tinh chỉnh, tắt, mở máy…), tuy nhiên chỉ sau vài ngày làm quen kết hợp với một vài thao tác sắp xếp lại thì không có gì đáng ngại nữa.
Một ưu điểm của Windows 10 là có thể tự động chuyển Start Menu sang giao diện toàn màn hình để phù hợp với thao tác cảm ứng trên máy tính bảng – điều mà OS X hiện tại chưa hỗ trợ vì máy tính bảng của Apple hiện đang dùng một nền tảng riêng biệt là iOS.
Giao diện thanh thông báo Action Center của Windows 10. |
Chức năng tìm kiếm và trợ lý ảo Cortana
Nếu chức năng tìm kiếm Spotlight có quá nhiều ưu điểm về khả năng tìm kiếm nhanh theo thời gian thực dựa trên thuật toán tạo chỉ mục (Index) ưu việt của Apple, thì ở Windows 10, Microsoft có vẻ đã đuổi kịp và có phần lấn lướt hơn nhờ Cortana.
Khác với các bản Windows Vista/7/8/8.1, ô tìm kiếm (Search box) đã được Microsoft đặt hẳn trên thanh taskbar. Bạn có thể thay đổi kiểu hiển thị của chức năng này thành biểu tượng chiếc kính lúp, ô tìm kiếm hoặc bỏ hẳn đi để tiết kiệm không gian. Kiểu bố trí này có phần giống với biểu tượng Spotlight trên thanh Menu của OS X và hệ điều hành mới này cũng hỗ trợ kích hoạt chức năng tìm kiếm với phím tắt (Windows+F) tương tự như tổ hợp “Command+phím khoảng trắng” trên OS X. Điều đáng khen nhất là bên cạnh việc tìm kiếm dữ liệu, hình ảnh, video... được lưu trên máy thì chức năng Search của Windows 10 cũng có thể tìm dữ liệu trên Internet và truy vấn nhanh các thông tin như thời tiết, thực hiện phép tính nhanh, quy đổi tiền tệ...
Nếu ở OS X, Apple chưa tích hợp chức năng trợ lý ảo Siri thì Microsoft đã nhanh tay trang bị chức năng Cortana cho Windows 10. Nếu bạn biết tiếng Anh cơ bản thì có thể “giao tiếp” được với “cô” trợ lý ảo này ngay trên máy tính, máy tính bảng dễ dàng (hiện Cortana chưa hỗ trợ tiếng Việt). Một điều bất tiện là để kích hoạt được Cortana, bạn phải chuyển đổi khu vực và ngôn ngữ sang tiếng Anh, nếu chọn tiếng Việt thì Cortana sẽ không có hiệu lực. Chức năng gọi nhanh Cortana với lệnh “Hey Cortana” tỏ ra khá hiệu quả giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn để truy vấn, tìm kiếm một thông tin nào đó.
Ngoài chức năng truy vấn thông tin, Cortana còn có thể thực hiện các tác vụ khác hoàn toàn tự động, bạn chỉ cần ra lệnh. Chẳng hạn như đặt giờ báo thức, nhắc nhở làm một việc gì đó, cho Cortana “nghe” và nhận biết một bài nhạc, tạo một ghi chú mới, chơi nhạc, mở ứng dụng hay chỉ đường… Nhìn chung, chức năng này nếu bạn khai thác triệt để và đúng cách thì sẽ giúp ích nhiều trong quá trình sử dụng máy tính và tiết kiệm thời gian.
Giao diện Mission Control trên OS X. |
Chức năng đa nhiệm mới
Về chức năng đa nhiệm, trên OS X El Capitan có Mission Control giúp xem và chuyển đổi giữa các cửa sổ phần mềm, ứng dụng, Spaces giúp thêm không gian làm việc với desktop ảo, phím tắt Command+Tab để chuyển đổi giữa các ứng dụng và kiểu hiển thị Split View để làm việc cùng lúc hai tiện ích trên cùng một màn hình. Không hề thua kém, Windows 10 đã được Microsoft tích hợp đủ các tính năng tương tự như trên OS X, Task View linh hoạt “đọ” với Mission Control, Virtual Desktop cạnh tranh với Spaces, hai cụm phím tắt Alt+Tab và Windows+Tab so tài cùng Command+Tab, đa nhiệm hai cửa sổ trên cùng một màn hình với chế độ Snap Assist không khác gì Split View trên OS X El Capitan.
Về tính dễ sử dụng của các tính năng này, hiện tại Windows chưa thể tốt hơn OS X vì hệ điều hành cho máy tính của Apple đã có nhiều kinh nghiệm, cải tiến qua từng phiên bản (chẳng hạn Mission Control được nâng cấp từ Exposé ở các phiên bản trước). Trong khi đó, ngoài hai cụm phím tắt thì tất cả các tính năng đa nhiệm còn lại trên Windows 10 là lần đầu tiên được áp dụng, mặc dù trước đó có nhiều tiện ích dành cho Windows giúp bổ sung tính năng này, ví dụ như Dexpot… Việc trang bị khả năng cảm ứng để kích hoạt Task View là một điểm cộng giúp đơn giản hoá thao tác của người dùng trên máy tính bảng. Để sử dụng Task View, người dùng chuột có thể nhấn biểu tượng bên dưới Taskbar hoặc nhấn phím tắt Windows+Tab, trong khi với người dùng máy tính bảng thì chỉ cần vuốt từ viền màn hình bên trái là xong. Cách chuyển qua lại giữa các desktop ảo cũng khá thuận tiện dù là thao tác cảm ứng hay với chuột (Ctrl+Win+chuột phải và Ctrl+Win+chuột trái).
Về cơ bản, có thể thấy giao diện Task View và Mission Control, Spaces và Virtual Desktop khá giống nhau. Cả hai giao diện đa nhiệm của Windows 10 và OS X đều có kiểu hiển thị tuỳ chọn các desktop bên trên hoặc dưới màn hình, các cửa sổ đang chạy được hiển thị ở giữa khung màn hình. Nhìn chung, việc bổ sung các chức năng đa nhiệm mới trên Windows 10 (na ná như OS X) giúp cho người dùng Windows không phải vật lộn với đống cửa sổ phần mềm, ứng dụng đang chạy mà trước đây Windows Vista hay Windows 7 “chào thua”.
Giao diện Snap Assist trên Windows 10. |
Chức năng thông báo
Từ Windows 8/8.1, Microsoft đã trang bị chức năng thông báo nhưng phải đến Windows 10 thì chức năng này mới thực sự lột xác và hoạt động đúng nghĩa. Thanh thông báo của Windows 10 (có tên gọi là Action Center) được bố trí ở cạnh phải giao diện desktop, người dùng có thể kích hoạt bằng cách chọn vào biểu tượng New Notifications ở dưới taskbar hoặc vuốt từ viền màn hình bên phải vào trên màn hình cảm ứng. Trong khi đó trên OS X, người dùng kích hoạt thanh thông báo (Notification Center) nhanh bằng cách vuốt hai ngón tay từ viền bên phải của trackpad. Ngoài chức năng hiển thị thông báo, tin nhắn, email mới… thanh thông báo này còn đảm nhận chức năng tắt mở nhanh các kết nối, tính năng trên hệ điều hành như Wi-Fi, Bluetooth, kích hoạt chế độ dành cho máy tính bảng (Tablet Mode), kết nối (Connect), khoá xoay màn hình…
Phương thức tương tác với các thông báo mới cũng “na ná” như trên OS X, người dùng có thể vuốt qua phải thông báo bất kỳ trên màn hình cảm ứng hoặc nhấn biểu tượng “x” cạnh thông báo để xoá đi. Nếu muốn xử lý hoặc xem chi tiết một thông báo bất kỳ thì chỉ việc nhấn vào và OS X cũng hoạt động giống hệt như vậy.
Mặc dù vậy, nếu trên OS X thanh thông báo hạn chế người dùng tinh chỉnh thì Windows 10 có thể hỗ trợ người dùng thêm, bớt các tác vụ (Quick actions) hay cho phép hiển thị các thông báo nào, không cho hiển thị thông báo nào. Điều này giúp cho thanh thông báo Action Center của Windows 10 được thoáng, sạch sẽ và phù hợp với sở thích của người dùng hơn.
Chức năng tuỳ biến thanh thông báo trên Windows 10. |
Trình duyệt mới
Safari có lẽ đã quá quen thuộc với người dùng OS X, qua nhiều phiên bản cải tiến thì hiện tại có thể nói trình duyệt này thực sự ưu việt và với đa số người dùng thì Safari hơn hẳn Firefox hay Chrome cho OS X. Với Windows 10, lần đầu tiên Microsoft đưa một trình duyệt hoàn toàn mới có tên Edge (tên cũ là Spartan) đến với người dùng. Những suy nghĩ như phiên bản đầu tiên tất nhiên lúc nào cũng phát sinh nhiều lỗi hầu như biến mất sau một tuần dùng trình duyệt này vì Edge hoạt động rất trơn tru với tốc độ tải trang rất nhanh.
So về tính năng, Edge không hề thua Safari từ giao diện sử dụng tối ưu cho cả máy tính bảng và desktop, chức năng đọc tối ưu (Reader), quản lý bookmark, duyệt web ẩn danh… Điểm đặc biệt ở Edge mà Safari chưa hỗ trợ là trình duyệt này có thể hỗ trợ ghi chú nhanh với OneNote. Khi đang xem một trang web hay, người dùng có thể ghi chú nhanh và lưu lại trên OneNote Online. Đây là chức năng thú vị và hữu ích với nhiều người dùng, nhất là với người dùng văn phòng, doanh nhân.
Chức năng ghi chú nhanh trên trình duyệt Edge. |
Giao diện sử dụng
Giao diện sử dụng của OS X đã thực sự thay đổi kể từ phiên bản Yosemite ra mắt vào năm ngoái và phiên bản mới sắp được tung ra là OS X El Capitan cũng sẽ tiếp tục thừa hưởng giao diện mới này. Tất cả các biểu tượng ứng dụng, tuỳ chọn trên OS X được thiết kế lại hoàn toàn theo phong cách phẳng (flat design) giúp môi trường làm việc đẹp và “sạch” hơn. Điều này cũng đã được Microsoft áp dụng cho Windows 10, lần đầu tiên kể từ Windows 7 toàn bộ các biểu tượng hệ thống của Windows đã được thiết kế lại, màu sắc sáng hơn và tất nhiên cũng “phẳng” hơn theo thời đại.
Lấy ví dụ cho giao diện Windows Explorer của Windows 10 so với Finder trên OS X, Microsoft đã làm mới và bổ sung chức năng duyệt dữ liệu khiến cho giao diện này ngày càng giống với Finder trên OS X. Chính điều này cũng giúp cho việc quản lý, sử dụng, thao tác của người dùng được nhanh và hiệu quả hơn. Chức năng mới bổ sung Quick Access tương tự như Favorites trên Finder của OS X giúp người dùng thêm các thư mục, chức năng thường dùng vào khung điều hướng ở bên trái giao diện giúp truy cập nhanh hơn.
Về khả năng tuỳ biến giao diện thì OS X tỏ ra yếu thế hơn so với Windows 10. Hệ điều hành mới nhất của Apple cũng chỉ cho phép thay đổi hình nền, menu màu tối (Dark Menu) mà thôi. Trong khi đó, hệ điều hành mới nhất của Microsoft có thể cho phép người dùng thay đổi màu sắc thanh taskbar, Start Menu dựa trên màu hình nền, thay đổi màn hình khoá, chủ đề (Themes)…
Nhìn chung, về giao diện thì Windows 10 đã trở nên hiện đại, đẹp mắt và khả năng tuỳ biến cũng ngày càng cao hơn. Có thể Apple phải cải tiến thêm cho OS X để người dùng không phải chán ngấy với giao diện hiện tại của hệ điều hành này.
Giao diện OS X với cửa sổ System Preferences và Finder. |
Giao diện Windows 10 với cửa sổ Control Panel và Windows Explorer. |
Tổng kết
Có thể so sánh song song OS X El Capitan và Windows 10 theo từng tính năng thì chúng ta dễ dàng thấy rằng, hai hệ điều hành này xứng đáng là “kỳ phùng địch thủ”. Bên cạnh các chức năng nổi bật kể trên, trên Windows 10 có ứng dụng, tính năng nào thì OS X mới của Apple cũng có tiện ích, tính năng tương ứng. Cả hai hệ điều hành đều được cài sẵn kho ứng dụng, chức năng tự động cập nhật, tiện ích duyệt thư điện tử, lịch làm việc, nhắc nhở, bản đồ, trình nghe nhạc, quản lý – sửa hình ảnh… Mặc dù vậy, Microsoft sẽ phải tiếp tục cải tiến qua các bản cập nhật để cho Windows 10 ngày càng hoàn thiện hơn và không bị Apple “bỏ lại đằng sau” như Windows 8/8.1 trước đây.
hệ điều hành, OS X, so sánh hệ điều hành, Windows 10