(PCWordVN) Những dịch vụ đám mây đơn giản của các công ty khởi nghiệp đôi khi xén bớt thị phần của những hãng lớn nhờ giá cả và tính hiệu quả của chúng.
Nhiều năm qua, nếu muốn nhảy vào kinh doanh điện toán đám mây, doanh nghiệp phải đặt cược rất lớn, với tỉ lệ rủi ro cao. Đầu tiên, bạn phải bỏ ra hàng trăm triệu đô la cho phần cứng cao cấp và phần mềm đắt đỏ. Kế đến, phải thuê một đội ngũ trình độ cao để đảm bảo các trang thiết bị luôn vận hành trôi chảy. Đơn giản vì nếu có một sự cố nào đó liên quan đến điện toán đám mây, khách hàng sẽ bỏ bạn mà đi, một không quay về.
Công thức trên đang thay đổi khi mà các công ty khởi nghiệp về điện toán đám mây trên thế giới, như DigitalOcean và Backblaze bắt đầu cạnh tranh, giành khách hàng từ tay Amazon.com, Microsoft và Google. Những công ty khởi nghiệp này đang nhắm đến những doanh nghiệp lớn trong những thị trường cụ thể, bằng cách giữ chi phí ở mức thấp hoặc viết riêng các phiên bản phần mềm của riêng họ để vận hành điện toán đám mây, hoặc tự đưa ra cấu hình cần thiết để không phải mua phần cứng đắt đỏ.
Hệ thống lưu trữ 150TB của Backblaze. |
DO đang quản lý hơn 100 triệu GB dữ liệu khi họ xuất hiện trên thị trường vào năm 2012, tương đương với thư viện video và hình ảnh của Facebook. DO cho thuê máy ảo với mức giá 5 USD/tháng (cấu hình thấp nhất), là giá rất cạnh tranh so với giá của Amazon, Microsoft hay Google.
Còn Backblaze đã xuất hiện trên thị trường được 8 năm và họ chỉ chuyên bán các gói sao lưu dữ liệu. Cuối tháng 9 rồi, họ cho biết sẽ đẩy mạnh mảng lưu trữ đám mây khi hạ giá xuống thấp hơn giá rẻ nhất của Amazon 30%. CEO của Backblaze, Gleb Budman, nói rằng để làm được điều này, công ty tập trung vào mặt phần cứng và có chút chỉnh sửa trong hệ thống phần mềm.
Cách đầu tiên mà Backblaze làm là vào năm 2008, họ tự tạo máy chủ đám mây chỉ bằng loạt lưu trữ USB kết nối với nhau. Đến cuối năm đó, họ đã tạo ra được một hệ thống gồm 9 ổ cứng kết nối với nhau để hình thành một bo mạch chủ trên một rack máy chủ bằng gỗ. Họ chuyển mô hình đó thành trung tâm dữ liệu. Backblaze đặt tên cho cỗ máy ấy là Storage Pod, tạo thành hệ thống lưu trữ 180.000 GB nhưng chỉ chạy với bộ xử lý tầm trung bình và một nút nguồn giá 10 USD thay vì chuẩn là 25 USD, do đó họ giảm được giá lưu trữ cho khách hàng. Hiện nay, hệ thống của Backblaze đang quản lý khoảng 150 triệu GB dữ liệu.
Hai công ty khởi nghiệp trên có chiến lược tài chính khác nhau một trời một vực. DO gây quỹ đầu tư được 200 triệu USD, mà gần đây nhất là vào tháng 7 vừa qua, họ nhận được 83 triệu USD từ Access Industries và Andreessen Horowits. DO không tiết lộ nhiều về mặt tài chính của họ nhưng họ cho rằng có thể đến cuối năm nay, doanh thu trong năm tài chính vừa qua sẽ đạt 100 triệu USD. Còn Backblaze gây quỹ được 5,3 triệu USD và không cần gây thêm quỹ vì họ có lợi nhuận, mà doanh thu trong năm 2014 của Backblaze đạt hơn 10 triệu USD.
Dĩ nhiên, cả hai công ty này cũng có cái giá phải trả khi hạ thấp phí thuê đám mây như vậy, đó là dịch vụ của họ thiếu đi những tính năng mới, hiện đại hơn mà những đối thủ lớn đều có, như các dịch vụ về dữ liệu phức tạp và dịch vụ machine-learning. Do vậy, đó là lý do mà cả hai khó lòng lọt được vào Top 500 của Fortune. Nhưng vì cả hai đều bán dịch vụ chủ yếu cho các nhà phát triển phần mềm độc lập nên có thể danh sách danh giá này không phải là thứ mà họ cần vươn tới để thu hút khách hàng doanh nghiệp. Đối với các nhà phát triển ứng dụng, tập trung càng nhiều về xử lý và lưu trữ sẽ giảm được nhiều lỗi phát sinh.
Xét về tầm vóc doanh nghiệp, cả hai DigitalOcean và Backblaze đều biết họ chưa thể sánh ngang về tính năng với những ông lớn khác, hoặc cạnh tranh trực tiếp được về cách tính giá cho từng dịch vụ đám mây. Nhưng Backblaze đang chuẩn bị đưa ra một dịch vụ lưu trữ mới. Còn với DO, họ không có ý cạnh tranh trực tiếp với Amazon vì họ cho rằng đó là nước cờ vô bổ, không có ích lợi gì.
Backblaze, công ty khởi nghiệp, dịch vụ đám mây, điện toán đám mây, DigitalOcean, kinh doanh