(PCWorldVN) Tính chung trên toàn thị trường, cả tiêu dùng và doanh nghiệp, máy tính bảng Windows đã có được 9% thị phần, hơn hẳn mức dưới 3% của smartphone chạy Windows.
Doanh số bán smartphone và máy tính bảng chạy Windows trên thị trường khách hàng doanh nghiệp đang khởi sắc.
Cụ thể trong quý II/2015, doanh số bán smartphone chạy Windows cho doanh nghiệp đạt 89,3 triệu máy, tương ứng với 6% thị phần, trong khi đó với máy tính bảng chạy Windows là 19,6 triệu máy, tương ứng 10% thị phần, theo số liệu của Strategy Analytics.
Công ty phân tích thị trường này cũng cho biết đây là quý đầu tiên thị phần máy tính bảng Windows cho doanh nghiệp chạm mốc 2 con số, và so với quý đầu năm đã có mức tăng trưởng 42%. Đóng góp lớn nhất là từ Windows Surface Pro 3 của Microsoft, theo nhà phân tích Phil Hochmuth của Strategy Analytics.
Dĩ nhiên số liệu trên chưa thống kê cho các sản phẩm “đình đám” mới được Microsoft công bố tuần trước, gồm máy tính bảng Surface Pro 4, laptop lai Surface Book và bộ ba smartphone Lumia 950, 950 Xl và 550.
Surface Book và Surface Pro 4 là những lựa chọn mới hấp dẫn cho người dùng doanh nghiệp. |
Thị phần của Windows Phone trên thị trường smartphone toàn cầu, bao gồm cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, hiện vẫn thấp hơn máy tính bảng và đang dưới mức 3%, theo số liệu thống kê của cả Gartner và IDC.
Lumia và các dòng smartphone khác chạy Windows vẫn đang chật vật trên thị trường nhưng máy tính bảng Windows đã khởi sắc trong năm vừa qua, theo Hochmuth.
Số liệu trong tháng 7 của Strategy Analytics cho thấy, trong quý 2, máy tính bảng Windows đạt 9% thị phần trên toàn bộ thị trường, gồm cả tiêu dùng và doanh nghiệp, tương ứng với 4,5 triệu máy trên tổng số 50,8 triệu máy tính bảng bán ra trên toàn thế giới.
Android vẫn đang thống trị thị trường smartphone và máy tính bảng toàn cầu, với thị phần tương ứng 65% và 52% , theo số liệu quý 2 của Strategy Analytics.
Với các thiết bị iOS của Apple tính riêng cho thị trường doanh nghiệp, iPhone chiếm 28% và iPad chiếm 38%.
Trên toàn cầu, khoảng hai phần ba trên tổng số smartphone và tablet dùng trong doanh nghiệp là của nhân viên sử dụng trong xu hướng gọi là BYOD (thiết bị cá nhân dùng cho công việc). Một phần ba còn lại do doanh nghiệp trang bị cho nhân viên, nghĩa là doanh nghiệp chịu chi phí và có trách nhiệm quản trị những thiết bị này.
Hochmuth dự đoán tới đây nhiều doanh nghiệp sẽ chú ý hơn tới việc trang bị máy tính bảng cho nhân viên thay cho laptop để tiện cho làm việc theo nhóm hay để có những chức năng như kiosk hay thiết bị thanh toán đầu cuối.
Tại Bắc Mỹ, hiện có khoảng 75% smartphone dùng trong doanh nghiệp thuộc dạng BYOD, Hochmuth cho biết. trong khi đó ở Tây Âu, tỷ lệ này là 38%, đó là do những điều luật chặt chẽ về dữ liệu riêng tư và còn bởi các doanh nghiệp châu Âu dường như muốn người lao động sử dụng các gói dịch vụ dành cho doanh nghiệp vì phí chuyển vùng (roaming) giữa các nước trong châu lục cao.
doanh nghiệp, máy tính bảng, Smartphone, tablet cho doanh nghiêp, thị trường máy tính bảng, Windows 10