(PCWorldVN) So với các đối thủ cùng tầm giá, ZenFone 2 Laser vượt về hiệu năng camera, thiết kế tiện dụng và pin khỏe. Nhưng thật tiếc, Asus lại cài sẵn quá nhiều ứng dụng không cần thiết.
Như PC World Vietnam từng thông tin, ZenFone 2 Laser hiện được xem là chiếc smartphone đầu tiên được Asus trang bị bộ xử lý từ nhà sản xuất SoC Mỹ Qualcomm. Chiếc smartphone chụp ảnh từng được Asus giới thiệu trong khuôn khổ triển lãm IFA 2015 cũng vừa chính thức mở bán tại thị trường Việt Nam ở mức giá 3,99 triệu đồng.
ZenFone 2 Laser sở hữu bộ xử lý Snapdragon 410 xung nhịp 1,2GHz, đồ họa Adreno 306 tích hợp, màn hình IPS 5 inch độ phân giải HD, RAM 2GB, bộ nhớ trong 16GB, khe cắm thẻ microSD (mở rộng tối đa 128GB), kết nối Wi-Fi, Bluetooth 4.0, pin dung lượng 2.070mAh và cài đặt sẵn Android 5.0 với giao diện ZenUI 2.0 đặc trưng.
Asus ZenFone 2 Laser. |
Vì là một mẫu smartphone hướng đến người dùng yêu thích chụp ảnh, ZenFone 2 Laser được Asus ưu ái trang bị camera chính độ phân giải 8MP ống kính độ mở f/2.0 cấu tạo gồm 5 thành phần thấu kính. Theo Asus, nhờ hỗ trợ công nghệ lấy nét bằng laser, nên ZenFone 2 Laser chỉ mất 0,2 giây để "khóa cứng" đối tượng cần chụp.
Bên cạnh cụm camera chính đầy hứa hẹn, ZenFone 2 Laser còn trang bị camera trước 5MP góc rộng đến 85 độ dùng cảm biến độ nhạy sáng cao giúp mang đến những tấm ảnh chân dung tự chụp hoặc selfie nhóm chất lượng hơn.
Ngoại hình
Về ngoại hình, ZenFone 2 Laser mang trên mình khá nhiều điểm tương đồng và thiết kế đặc trưng của dòng sản phẩm ZenFone 2 mà Asus từng giới thiệu.
Cụ thể, ZenFone 2 Laser cũng có thiết kế nắp lưng có thể tháo rời, cạnh dưới màn hình được gia cố một lớp kim loại có khả năng tạo nhiều hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt và dãy nút chức năng điều tiết âm lượng bố trí ở mặt lưng máy khá tiện dụng.
Từ những tiếp xúc thực tế, Test Lab nhận thấy ZenFone 2 Laser có thiết kế khá chắc tay dù sử dụng phần lớn vật liệu nhựa. Nhờ thiết kế mặt lưng máy vát cong theo hướng lòng bàn tay người dùng, nên ZenFone 2 Laser cũng khá vừa vặn khi thao tác chỉ với một tay dù sở hữu màn hình 5 inch.
Mặt lưng máy vát cong cho cảm giác rất vừa tay khi sử dụng. |
Test Lab đánh giá cao thiết kế dãy phím điều tiết âm lượng ở mặt lưng máy vì không chỉ tiện lợi khi cần điều tiết âm lượng cuộc gọi, mà còn hợp lý cả khi người dùng cần chụp ảnh selfie. Dẫu vậy, kiểu bố trí nút nguồn trên đỉnh máy và thiết kế các phím cảm ứng không hỗ trợ đèn nền LED đã thực sự khiến ZenFone 2 Laser phần nào mất đi điểm số đánh giá tối đa về sự tiện dụng.
May mắn là ZenFone 2 Laser cũng hỗ trợ mở màn hình bằng cách chạm đúp trên màn hình tắt nên nhìn chung những nhược điểm nói trên cũng lu mờ phần nào.
Màn hình
Trong các phép thử về chất lượng hiển thị, Asus ZenFone 2 Laser đều cho kết quả tốt về khả năng tái hiện độ sắc nét hình ảnh dù chỉ hỗ trợ màn hình độ phân giải ở mức HD (1.280x720 pixel). Thực tế sử dụng cũng cho thấy các ký tự co chữ vừa và nhỏ nhìn chung không hề bị tình trạng răng cưa. Góc nhìn trong môi trường ít nguồn sáng phụ, màn hình 5 inch trên ZenFone 2 Laser cũng cho thấy khả năng bảo đảm chất lượng hiển thị tốt ngay cả khi quan sát ở những góc hẹp.
Test Lab nhận thấy khả năng điều tiết độ sáng tự động của ZenFone 2 Laser khá ổn và mượt khi thử nghiệm với nhiều điều kiện nguồn sáng phụ khác nhau. Trong môi trường có nhiều nguồn sáng phụ, ZenFone 2 Laser cũng chứng tỏ khả năng chống chói tốt nhờ độ sáng màn hình 5 inch đủ sức đảm bảo chất lượng hiển thị dù bề mặt màn hình khá bóng bẩy.
ZenFone 2 Laser cho phép người dùng tùy chỉnh nhiệt độ màu hoặc chọn nhanh một chế độ hiển thị cài đặt sẵn. |
Riêng về màu sắc, với thiết lập độ sáng ở mức 50%, LCD 5 inch trên ZenFone 2 Laser cho màu sắc trông khá hấp dẫn khi quan sát bằng mắt thường. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thực tế cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn cho thấy LCD này cho màu sắc có phần rực hơn so với thực tế với các thiết lập mặc định.
Dẫu vậy, Test Lab vẫn đánh giá cao thiết kế gần như không có khoảng trống giữa panel màn hình và lớp bảo vệ bên ngoài trên ZenFone 2 Laser và tính năng cho phép người dùng tùy chỉnh nhiệt độ màu cũng như lựa chọn giữa các chế độ hiển thị khác nhau được cài đặt sẵn.
Loa ngoài
So với những mẫu smartphone từng thử nghiệm, ZenFone 2 Laser cho chất lượng loa ngoài xứng đáng được Test Lab đánh giá cao. Dù đặt loa ở mặt lưng máy và hướng xuống mặt dưới, nhưng nhờ thiết kế vát cong cộng thêm việc Asus đã tập trung “tút” khá nhiều nên không bị tình trạng nghẹt mũi và vỡ tiếng khi chơi hết âm lượng. Tuy nhiên, sẽ là một điểm cộng đáng giá cho sự hoàn hảo nếu như sự cộng hưởng âm thanh khi đặt máy trên mặt bàn không làm gây nên tình trạng mất cân bằng âm thanh nhẹ.
Hiệu năng
Tựa như các mẫu smartphone trang bị bộ xử lý Snapdragon 410 từng thử nghiệm, hiệu năng Asus ZenFone 2 Laser nhìn chung cũng không có nhiều cách biệt về điểm số khi “đo đếm” bằng các công cụ đánh giá hiệu năng vẫn thường dùng.
Đơn cử, ZenFone 2 Laser trong phép thử Antutu đạt hơn 23.000 điểm, cao hơn mẫu Wiko Highway Pure với hơn 19.000 điểm và cả mẫu Galaxy A5 của Samsung vốn cũng chỉ dừng lại ở mức 19.680 điểm. Trong phép thử hiệu năng đồ họa 3Dmark Ice Storm Extreme, ZenFone 2 Laser cũng ngang cơ với mẫu Galaxy A5 khi đạt mốc 2.600 điểm và cao hơn mẫu Wiko Highway Pure vốn từng ghi được 2.571 điểm trong thử nghiệm trước đây.
Trong quá trình hiện thực hóa số liệu, Test Lab nhận thấy ZenFone 2 Laser nhìn chung khá ổn và mượt với những tác vụ cơ bản.
Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình trải nghiệm thực tế gần 10 ngày, Test Lab thi thoảng vẫn gặp phải tình trạng ứng dụng đóng đột ngột hoặc treo cứng khi có nhiều ứng dụng chạy nền trên mẫu ZenFone 2 Laser được Asus Việt Nam trực tiếp gửi đến.
ZenFone 2 Laser cũng mất đáng kể thời gian để khởi động trọn vẹn một ứng dụng nặng, song may thay là với những game đồ họa "hạng nặng" như Unkilled hay Modern Combat 5 thì lại không hề gặp phải tình trạng này.
Thiết nghĩ có thể do Asus hơi tham lam khi thiết kế bản ROM cho ZenFone 2 Laser vì kinh nghiệm cho thấy với phần cứng nói trên, hầu như smartphone Test Lab từng thử nghiệm rất hiếm khi gặp phải những trở ngại này.
Camera
Tuy chỉ trang bị camera chính 8MP, nhưng nhờ khả năng lấy nét bằng laser nên Asus ZenFone 2 Laser có thể nói là khá hấp dẫn hơn so với các đối thủ cùng tầm giá. Xuyên suốt quá trình trải nghiệm thực tế, Test Lab nhận thấy camera chính trên ZenFone 2 Laser thực sự ấn tượng bởi khả năng lấy nét tốc độ ngay cả với những bối cảnh chụp trong đó chủ thể và hậu cảnh có độ tương phản thấp, miễn là ánh sáng môi trường không quá phức tạp.
Trong môi trường ánh sáng thuận lợi, hầu hết ảnh chụp đều cho hình ảnh có độ sắc nét tốt như mong đợi. Dẫu vậy, trong hầu hết bối cảnh chụp, ZenFone 2 Laser đều cho ảnh chụp có phần dư sáng hơn so với thực tế. Chính vì vậy, với những bối cảnh có độ tương phản cao, hậu cảnh đa phần sẽ gặp phải tình trạng dư sáng và đôi khi sẽ bị viền tím khá rõ. Nhưng bù lại, nếu giảm sáng đi chút đỉnh bằng cách chạm và nhấn giữ đối tượng cần chụp vài giây để giảm sáng thủ công, người dùng vẫn có thể thu được những bức ảnh trông hài hòa hơn.
Xét về mặt ứng dụng, ZenFone 2 Laser không chỉ có tốc độ khởi động camera nhanh, giao diện người dùng thân thiện, mà còn cung cấp rất nhiều chế độ chụp chọn cảnh cài đặt sẵn trong đó có cả chế độ tùy chỉnh thủ công, selfie bằng camera chính nhờ tính năng phát hiện khuôn mặt, chế độ tua nhanh thời gian, chụp ảnh động và cả chế độ tua ngược thời gian rất thích hợp khi chụp các đối tượng chuyển động nhanh.
Trong môi trường thiếu sáng, ảnh chụp tuy xuất hiện nhiễu hạt khá rõ song không mấy ảnh hưởng đến chất lượng màu sắc. Riêng với camera trước, nếu môi trường ánh sáng thuận lợi, người dùng cũng có thể dễ dàng thực hiện những pose ảnh tự sướng đẹp với các thiết lập tự động hoàn toàn hoặc tùy chọn một trong các chế độ mà Asus cung cấp sẵn.
Thời lượng pin
Riêng về pin, ZenFone 2 Laser trong phép thử PCMark cho kết quả khá tốt khi cho kết quả đạt được 7 giờ. Thực tế sử dụng cho thấy với tần suất sử dụng vừa phải và chủ yếu cập nhật thông tin mạng xã hội, Internet qua kết nối Wi-Fi, ZenFone 2 Laser cũng có thể cầm cự được trọn một ngày đêm.
ZenFone 2 Laser đạt 7 giờ trong phép thử hiệu năng pin dùng PCMark. |
Giao diện người dùng
Từ những trải nghiệm thực tế, Test Lab phải thừa nhận giao diện của ZenFone 2 Laser khá thân thiện, dễ làm quen. ZenFone 2 Laser cũng khá thông minh trong việc tự động “gom” những ứng dụng có chức năng tương đương nhau vào cùng một thư mục để tiện hơn trong việc quản lý.
Dẫu vậy, điểm trừ không thể bỏ qua chính là Asus hơi tham lam khi đóng gói kèm ZenFone 2 Laser rất nhiều ứng dụng ngay từ khi xuất xưởng. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể dễ dàng gỡ bỏ nếu cảm thấy không cần thiết vài ứng dụng cài đặt sẵn này.
Hình ảnh chi tiết smartphone chụp ảnh giá rẻ Asus ZenFone 2 Laser:
Asus, Asus ZenFone 2 Laser, đánh giá smartphone, điện thoại Asus, smartphone Asus, smartphone chụp ảnh