Sản phẩm

Xã hội không tiền mặt

(PCWorldVN) Chỉ có 20% người dân Việt Nam có thẻ ngân hàng, 90% sử dụng thanh toán bằng tiền mặt. Vậy tương lai nào dành cho thanh toán không tiền mặt?

Tiền tệ thực hiện chức năng phương tiện thanh toán diễn ra dưới hai hình thức, thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó thanh toán bằng tiền mặt là phương thức thanh toán đơn giản và tiện dụng nhất được sử dụng trong từ xa xưa tới nay nhằm phục vụ việc mua bán, trao đổi hàng hoá. Tuy nhiên, theo thời gian và sự phát triển phương thức dường như  chỉ còn phù hợp với nền kinh tế có quy mô sản xuất nhỏ, việc trao đổi thanh toán hàng hoá với số lượng ít. Một số điểm hạn chế về tiền mặt xét trên quan điểm kinh tế là phương thức này mang đến nhiều rủi ro, chi phí in ấn và bảo quản tiền mặt hàng năm rất cao. Ngoài ra, tiền mặt còn tạo nên các cơn sốt về khan hiếm, dẫn đến giá cả tăng cao, gây sức ép lên nền kinh tế. Tại Việt Nam việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn còn phổ biến, chiếm hơn 90% các giao dịch.

Đối với doanh nghiệp thì việc chuyển dịch sang phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (hay thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) là một điều tất yếu. Tuy nhiên đối với người dùng cá nhân thì hình thức này còn chưa phổ biến tại Việt Nam, ngay cả tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp.HCM.

Về tổng quan, phó chủ tịch HĐQT công ty M_Service, ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt là cách thức thanh toán không có sự xuất hiện của tiền mặt mà được tiến hành bằng các phương thức điện tử bằng cách trích tiền từ tài khoản của người thanh toán (tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ, tài khoản ví điện tử…) chuyển vào tài khoản của người nhận thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán.

Ông Nguyễn Hoàng Ly Đồng sáng lập Công ty Dịch vụ và giải pháp thành toán PayTek

Văn hóa thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt trước đây tập trung chủ yếu vào khối doanh nghiệp trong một thời gian dài. Chúng ta có thể thấy tính tiện dụng cũng phương thức nhanh gọn đối với những khoản tiền lớn, nhưng đối với người tiêu dùng cá nhân thì phương thức này chiếm tỷ lệ rất ít. Mặc dù vậy thanh toán không dùng tiền mặt đang vẫn đang hiện hữu trong đời sống  của chúng ta, có thể dễ dàng nhận thấy từ việc nhận tiền lương qua tài khoản, thanh toán bằng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước...

Trong báo cáo mới nhất của mình, phát hành vào năm 2014, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết 80% người tiêu dùng trẻ tuổi ở Việt Nam thích thanh toán bằng thẻ, đang dần bắt kịp với xu hướng trên toàn cầu cho các giao dịch không dùng tiền mặt. Để kiểm soát tốt hơn các luồng tiền và thực hiện giao dịch minh bạch hơn, Việt Nam đặt mục tiêu 35 - 40% dân số có tài khoản ngân hàng vào cuối năm 2015, tăng từ mức hiện tại 20%. Mục tiêu khác là để tăng tỷ lệ các giao dịch không dùng tiền mặt lên 12% so với hiện nay là 3%. Trong năm 2014, chính phủ đã ban hành một loạt các biện pháp để đạt được mục tiêu của mình, bao gồm cả hạ thấp độ tuổi hợp pháp mà người dân có thể mở tài khoản ngân hàng từ 18 xuống còn 15 tuổi. Ngoài ra chính phủ cũng yêu cầu các công ty, doanh nghiệp trả lương cho nhân viên qua tài khoản ngân hàng.

Điều đó cũng khiến thị trường thẻ thanh toán tại Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ để khai thác nhằm phát triển các dịch vụ cá nhân cũng như khai thác kinh doanh ngân hàng bán lẻ. Hiện đã có 50 tổ chức tín dụng đăng ký phát hành thẻ, tổng số lượng thẻ phát hành ở mức trên 80,39 triệu thẻ, tăng hơn 21% so với năm 2013. Còn nếu tính đến hết quý I/2015 thì tỷ lệ tăng trưởng hơn 30%. Trong đó, thẻ nội địa chiếm 91,54% - tương đương 73,59 triệu thẻ, thẻ trả trước chiếm 4,37% - tương ứng với 3,51 triệu thẻ, và còn lại 4,09% với khoảng 3,29 triệu thẻ là thẻ tín dụng.

Việc thanh toán bằng thẻ tín dụng hay thẻ trả trước không còn mới lạ tại Việt Nam nhưng hình thức này đang tập trung vào khối người tiêu dùng có mức thu nhập cao, và phương thức này cũng gặp nhiều khó khăn trong các giao dịch hàng ngày khi phải gánh một phí dịch vụ không nhỏ. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì việc thu phí dịch vụ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi tại Việt Nam, khi chất lượng và giá cả của dịch vụ ngân hàng luôn có những khoảng cách chênh lệch nhất định.

Điều đó cũng được chứng minh bằng những con số về doanh thu từ thẻ nội địa hiện nay như rút tiền chiếm 84%, chuyển khoản 15% và chỉ  0,3% giao dịch tại các thanh toán mua bán. Số lượng thẻ tuy nhiều nhưng vẫn chỉ tập trung vào các thành phố lớn, còn các ngân hàng quá tập trung vào những con số mà quên đi mất tầm quan trọng việc xây dự hạ tầng và văn hóa sử dụng thẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam

Một trong những biện pháp gây tranh cãi trong việc giảm giao dịch tiền mặt là là thu phí dịch vụ rút tiền ATM, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người dân lao động, người tiêu dùng lớn tuổi, công nhân nhà máy và người dân nông thôn… có thu thập thấp.  Nhưng đồng thời  ngân hàng và các đối tác dịch vụ đưa ra những chương trình kích cầu như khuyến mãi giảm gía các mặt hàng như vé xem phim, quần áo và thức ăn nhanh khi khách hàng thanh toán bằng thẻ của họ. Các nhà bán lẻ trực tuyến cũng đang tận dụng xu hướng này bằng cách hợp tác với các tổ chức phát hành thẻ để đưa ra các mức giá tốt nhất dành cho người sử dụng. Thẻ thanh toán không dùng tiền mặt và các loại khác được phổ biến đối với nhân viên văn phòng và những người hiểu biết công nghệ sống ở thành phố. Không chỉ để theo kịp xu hướng công nghệ  mà những người này cũng đã nhận ra những ưu điểm của các hình thức thanh toán mới.

Tại Việt Nam, một mô hình mới đáng chú ý là thẻ thông minh của trường THPT Phạm Ngũ Lão kết hợp chức năng quản lý học sinh và tính năng thanh toán có thể mang đến nhiều kỳ vọng trong tương lai. Những chiếc thẻ ở đây được học sinh sử dụng để điểm danh và sử dụng thanh toán các dịch vụ có sẵn. Trường Phạm Ngũ Lão kết hợp với nhà cung cấp dịch vụ thẻ Komteck đưa ứng dụng gỉai pháp, cài đặt thiết bị đầu cuối cho các dịch vụ thanh toán dành cho (căng tin, photocopy / văn phòng phẩm) vào tháng 9/2015 vừa qua. Phụ huynh và học sinh có thể chuyển hay đóng tiền thông qua các thiết bị đầu cuối hoặc thông qua các dịch vụ của Viettel. Dòng thẻ thanh toán sử dụng công nghệ NFC - giao tiếp gần này được sử dụng rộng rãi tại các nước phát triển và thường được nhắm vào các khoản thanh toán nhỏ lẻ như vé tàu, xe bus hay trong các cửa hàng tiện dụng...

Ngoài thanh toán thông qua ngân hàng (POS, ATM, séc, thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng) thì ví điện tử và các ứng dụng thanh toán đang là hình thức thanh toán “đang lên” tại Việt Nam. Đơn cử như ứng dụng MoMo của công ty M_service hiện đã có hơn triệu người đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí AppStore Việt Nam, vượt mặt các ứng dụng giải trí mạng xã hội, tin nhắn OTT và một số game mobile khác. Ngoài chuyển nhận tiền nhanh qua số điện thoại di động, ứng dụng còn có tính năng hỗ trợ nhắc và thanh toán cùng lúc nhiều hóa đơn của  gần 100 dịch vụ từ thanh toán hóa đơn điện, nước, internet... Ứng dụng được nhiều người dùng đánh giá cao vì đã mang lại một hình thứ chi tiêu hiện đại. Hiện ứng dụng liên kết với 24 ngân hàng nội địa và thẻ thanh toán quốc tế Visa, Master, JCB.

Để tạo nên được văn hóa. Thanh toán không dùng tiền mặt, phó chủ tịch HĐQT công ty M_Service, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết để có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì điều đầu tiên là khách hàng phải tiếp cận được với dịch vụ thanh toán, đồng thời các điểm chấp nhận thanh toán và các dịch vụ có thể thanh toán phải đa dạng, phổ biến. Chính sách của nhà nước khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt (giảm phí, giảm thuế) đóng vai trò không kém quan trọng trong việc phổ biến phương thức này.  

Phó chủ tịch HĐQT công ty M_Service, Ông Nguyễn Bá Diệp
 

Xã hội không dùng tiền mặt còn khá xa vời

Mặc khác hiện trạng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam  vẫn còn tồn tại khá nhiều khi thẻ thanh toán tuy phong phú về  dòng sản phẩm nhưng vẫn chưa được phổ cập đến đông đảo đến số đông người dân. Các hình thức ví điện tử, thanh toán qua tài khoản thì mang tính tự phát không đồng bộ, thiếu tiêu chuẩn chung về chất lượng dịch vụ cũng như tính tương thích. Ông Nguyễn Hoàng Ly, đồng sáng lập công ty Payteck cho rằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều hạn chế, ngoài việc thói quen người dùng  thì phải kể đến chi phí đầu tư hạ tầng lớn và cần có một khoảng thời gian khá dài để phổ cập hình thức này đến rộnzg rãi người tiêu dùng. 

Đối với máy ATM, chi phí để mua 1 chiếc máy đã là 500 triệu đồng chưa kể phí vận hành lên đến 300 triệu mỗi năm. Nếu chỉ dựa vào 84% doanh thu đến từ việc rút tiền thì hàng năm ngân hàng phải liên tiếp bù lỗ để duy trì hệ thống ATM của mình. Còn đối với các điểm POS thanh toán thì chi phí đầu tư và duy trì thấp hơn nhiều nhưng đồng nghĩa với đó là sự bùng nổ các điểm thanh toán. Điều này dẫn đến việc một địa điểm có thể có  nhiều thiết bị POS khiến phí thu được của ngân hàng từ đây cũng không cao.

Tuy nhiên cũng theo ông Ly thì thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng trên toàn thế giới và Việt Nam sớm muộn gì cũng sẽ phải tham gia. Nhà nước hiện nay cũng đã có những chính sách mở rộng khuyến khích đối với các nhà đầu tư tài chính. Đây cũng chính là tiền đề để các mô hình thanh toán không tiền mặt trên thế giới gia nhập thị trường Việt Nam. Những thuận lợi khác phải kể đế việc gia tăng của các phương tiện giao thông công cộng, tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP.HCM hay sự phát triển của các cửa hàng bán lẻ sử dụng thẻ làm phương thức thanh toán.

Mặt khác, thương mại điện tử bùng nổ cũng  là một trong những điểm góp phần vào việc thúc đẩy hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hạn chế trong thanh toán thương mại điện tử phần lớn lại không phụ thuộc nhiều vào hạ tầng hay nền tảng công nghệ. Trong buổi hội thảo hồi tháng 9/2015,  phó tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam - ông Nguyễn Ngọc Dũng, cho rằng hiện cách nhận hàng rồi mới trả tiền có tỉ lệ rất lớn trong thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cũng như người bán hàng trực tuyến chưa thực sự coi trọng cũng như chăm sóc tốt loạt khách hàng thanh toán trả trước… Điều đó cũng dẫn đến việc thanh toán  không dùng tiền mặt của Việt Nam đang có hướng phát triển ngược so với thế giới. 

Đa số người dùng sử dụng thẻ để rút tiền

"Trong khi các quốc gia phát triển ngày càng chú trọng vào ứng dụng thương mại điện tử thì Việt Nam lại làm ngược lại, phát triển các giải pháp offline cùng với online để đáp ứng nhu cầu khách hàng", ông Dũng nhận định.

Các dịch vụ thanh toán trực tuyến phải tiếp cận người dùng bằng cách mở rộng giải pháp của mình tại các điểm offline. Payoo là một trong những công thanh toán có mặt sớm tại thị trường Việt Nam, sau hơn 5 năm phát triển trực tuyến thì nay dịch vụ này phải mở rộng phương thức tiếp cận người dùng bằng cách triển khai các điểm thánh toán offline, cho phép khách hàng đến các cửa hàng tiện lợi, hoặc các đơn vị như  bưu điện, cửa hàng điện thoại  để đóng tiền điện, tiền Internet… bằng tiền mặt. Ngay cả đối với Uber cũng phải cung cấp dịch vụ trả tiền mặt để phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam bởi số lượng khách sử dụng thẻ tín dụng còn thấp…

Việc tiếp cận thương mại điện tử hay các trào lưu công nghệ cùng với sự phổ cập Internet, bùng nổ của di động thì việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động, cũng như sự minh bạch cho các hoạt động kinh doanh mà còn tạo nên nhu cầu không thể thiếu đối với người dân.

PC World VN, 10/2015

PCWorld

công nghệ NFC, thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ chip, thẻ thanh toán, thẻ từ, thương mại điện tử


© 2021 FAP
  2,571,202       1/259