(PCWorldVN) Apple có kiểu làm việc, nghiên cứu bí mật và khép kín. Nhưng với mảng trí tuệ nhân tạo đang phát triển, có lẽ kiểu làm việc này đã khiến Apple chậm chân hơn đối thủ.
Trong thế giới trí tuệ nhân tạo (AI), một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm nay về đề tài này là hội nghị Neural Information Processing Systems. Hàng nghìn nhà nghiên cứu từ các trường đại học và công ty phần mềm tụ tập lại để chia sẻ công trình của họ và cùng tìm ra những cách mới để chỉnh sửa phần mềm cho hợp với đời sống. Tại hội nghị này vào năm ngoái ở Motreal - Canada, Google, Microsoft và IBM đưa ra những nghiên cứu về điện toán dạy học vận hành nhanh hơn, thông minh hơn như đọc số nhà trong một tấm ảnh để xác định được địa chỉ chính xác. Nhưng có một tên tuổi vắng mặt: Apple.
Năm nay, ông lớn Trung Quốc Baidu và Facebook, cùng với Google và Microsoft cũng có nghiên cứu AI rất đáng chú ý. Còn Apple vẫn im tiếng.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Apple cũng xuất hiện tại Montreal nhưng lại rất kín tiếng, không nói nhiều về công trình của họ trừ khi được hỏi. Có thể đây là chính sách của Apple khi đề cập đến các nghiên cứu riêng của họ trước công chúng. Trong khi đó, các công ty phần mềm hướng đến người tiêu dùng khác thường lập ra những trung tâm nghiên cứu, thuê mướn hàng trăm chuyên gia AI khắp thế giới để chạy đua xuất bản các công trình AI.
Văn hoá tranh đua này đã giúp cho Google có được những thuật toán chính chuyển dịch từ giọng nói sang văn bản hay chuyển đổi hình ảnh thành văn bản một cách chính xác. Các trợ lý ảo khác như Cortana của Microsoft, Now của Google thông minh hơn Siri, còn Facebook có thể nói cho người khiếm thị biết ai là bạn của họ.
Apple đang nỗ lực đẩy mạnh mảng nghiên cứu AI nhưng cách làm việc khép kín của họ là vật cản lớn nhất cho điều này. |
Tại Apple, đội ngũ AI không được phép công bố vị trí làm việc của họ trên LinkedIn hay Twitter. Họ phải khóa cửa phòng làm việc của mình lại khi về nhà. Đội ngũ này nghiên cứu cách làm cho sản phẩm của Apple thông minh hơn, cũng giống với những đội ngũ khác, ở những mảng phát triển ứng dụng khác của Apple.
Từ xưa đến nay, Apple là vậy. Nhiều năm qua, doanh nghiệp giá trị nhất thế giới này luôn có thứ gọi là tính nhất quán trong sản phẩm. Nhưng thành công lớn nhất về AI đến ngày nay của Apple chỉ là mua lại Siri từ một công ty khởi nghiệp từ năm 2010. Apple Maps vẫn chậm chân hơn so với các phần mềm tương tự.
Điều gì tạo nên sự khác biệt về AI cho một hệ điều hành di động? Đó có thể là nhân sự, là đội ngũ làm việc phía sau nó. Theo một chuyên gia trong ngành, những người giỏi về AI thường không muốn làm việc trong một môi trường khép kín, mọi thứ đều phải giữ bí mật. Yếu tố tạo nên khác biệt là bạn đang làm việc cùng với ai? Tôi có phải là một phần trong cộng đồng khoa học AI hay không? Tự do của tôi ở mức nào?
Ngoài việc tách mình ra riêng như vậy, chuyện giữ bí mật của Apple cũng khiến các sinh viên tốt nghiệp khó gần hơn. Bởi vì việc tiếp tục xuất bản những công trình nghiên cứu lên cộng đồng khoa học là yếu tố quan trọng nhất đối với sinh viên hàng đầu, vì điều này quyết định đến sự nghiệp sau này của họ. Vào hôm 22/10 vừa qua, Google đã công bố một chương trình tập trung vào nghiên cứu và xuất bản công trình nghiên cứu về AI dành cho những chuyên gia tiềm năng.
Apple đang chậm chân mở rộng đội ngũ AI của họ, khi chỉ mua lại những công ty khởi nghiệp như Perceptio và VocalIQ, cũng như thuê lại một đội ngũ các nhà nghiên cứu có ảnh hưởng từ các công ty khác, trong đó có Microsoft. Trang web tuyển dụng của Apple liệt kê 42 vị trí có liên quan đến AI và 120 vị trí có từ "machine learning". Và các nhà nghiên cứu AI cho rằng họ nghe được Apple đang lên kế hoạch xuất bản công trình AI quan trọng đầu tiên của mình, nhưng họ không biết được gì hơn thế.
Hồi tháng 9 vừa qua, Amazon.com - một trong những tập đoàn cũng "bí hiểm" như Apple - cũng đã để một trong những nhà nghiên cứu của họ xuất bản một công trình về cách hiệu quả để tạo những hệ thống AI có thể nhận diện hình ảnh và ngôn ngữ.
AI, Apple, Google, Microsoft, nhận diện giọng nói, thị trường, trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo