Sản phẩm

Nhập khẩu hàng CNTT qua sử dụng còn nhiều khó khăn

(PCWorldVN) Tất cả là ở khâu thủ tục, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp tại Hội thảo “Quản lý hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng” vừa được Bộ TTTT tổ chức vào ngày 6/11 tại TP.HCM.

Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức, nhằm cung cấp các thông tin về chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao hàm lượng công nghệ trong nước qua các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm; tạo môi trường phát triển bền vững cho các tổ chức, doanh nghiệp CNTT trong nước; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. 

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham luận về việc nhập khẩu các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng.
Cùng với việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực kinh tế xã hội ngày càng phát triển sâu rộng, thời gian qua ngành công nghiệp dịch vụ CNTT phát triển mạnh mẽ, tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp dịch vụ gia công, tái chế sản phẩm CNTT.

Nắm bắt được xu hướng phát triển và xác định loại hình dịch vụ gia công, tái chế sản phẩm CNTT là lĩnh vực phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cho Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ TTTT xây dựng, hướng dẫn các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đối với loại hình dịch vụ này.

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ TTTT vừa ban hành Thông tư 31/2015/TT-BTTTT thay thế cho thông tư 11/2012/TT-BTTTT; hướng dẫn cụ thể các quy định mới về quản lý hoạt động nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng trong Nghị định 187/2013/NĐ-CP.

Thông tư 31 có các điểm cần lưu ý, gồm: cập nhật danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu; quy định các trường hợp nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng về làm nghiên cứu khoa học; các quy định về gia công tái chế sản phẩm CNTT cho nước ngoài…

Theo thông tư mới, chỉ có hai trường hợp nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu được Bộ TTTT cấp phép là các sản phẩm để nghiên cứu khoa học (làm mẫu, nghiên cứu và phát triển, kiểm thử trong sản xuất…) và các sản phẩm phục vụ cho việc gia công tái chế, sửa chữa làm mới cho nước ngoài. Các trường hợp nhập khẩu sản phẩm CNTT cũ với mục đích khác sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo cho thấy thủ tục xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thời gian qua còn nhiều khó khăn. Trước khi Thông tư 31 ra đời, chưa có những hướng dẫn cụ thể cho Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, nên để làm thủ tục nhập khẩu các sản phẩm này mà không thuộc danh mục cấp nhập doanh nghiệp phải nộp tài liệu về Bộ TT-TT để có ý kiến trước khi thông quan, quá trình làm thủ tục mất thời gian vì thủ tục cấp phép hồ sơ hiện nay chủ yếu theo hình thức thủ công. Bên cạnh đó, có những trường hợp phải chờ công văn xác nhận từ hai Bộ TTTT và Bộ Công Thương mới có thể thông quan hàng hoá. Có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu.

Đại diện Bộ TTTT ghi nhận những ý kiến được chia sẻ tại buổi hội thảo của doanh nghiệp về những vướng mắc hiện tại trong hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng.

Đại diện Bộ TTTT cũng cho biết lĩnh vực CNTT đang nhận được sự quan tâm và ưu đãi về chính sách của Nhà nước, nhằm đưa Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng để thu hút các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đầu tư. Cùng với sự lớn mạnh của toàn ngành CNTT, nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ về hàm lượng công nghệ nghiên cứu, cơ sở sản xuất và trở thành các đối tác lớn mạnh của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.

Tại hội thảo, đề án về Thông quan điện tử được giới thiệu giúp cho các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa được linh hoạt và tiện lợi hơn nhờ việc áp các mã phân loại hàng hoá (HS code). Việc quản lý hàng hoá theo phương thức này sẽ thuận lợi cho hệ thống một cửa cho phép cấp giấy phép thông quan điện tử thay cho văn bản giấy hiện nay.

PCWorld

Bộ TTTT, công cụ quản lý, nhập khẩu hàng CNTT cũ


© 2021 FAP
  1,619,194       1/293