Kinh tế

Sốt "ảo" vé tàu, xe dịp Tết

Trong khi việc mua vé tàu lửa, máy bay, xe khách trong dịp Tết vẫn diễn ra khá dễ dàng và thuận tiện, sự "phù phép" của cánh "cò" vé khiến nhiều người mua vé "chợ đen" với giá cao, thậm chí là vé giả...

Quầy bán vé tại Bến xe trung tâm những ngày cận Tết không có tình trạng “sốt” vé.
Quầy bán vé tại Bến xe trung tâm những ngày cận Tết không có tình trạng “sốt” vé.

9 giờ ngày 9-1, chúng tôi có mặt tại ga Đà Nẵng, mọi hoạt động vẫn bình thường, tại khu vực bán vé tàu cũng có hơn 10 người đang trật tự chờ đến lượt mua vé. Chúng tôi xin mua vé tàu nằm chuyến Đà Nẵng-Hà Nội ngày 28 tháng Chạp. Tưởng yêu cầu như vậy sẽ không có vé, nhưng chưa đầy một phút tìm trên máy, cô nhân viên trả lời “tuyến Đà Nẵng-Hà Nội đi trưa ngày 28 giá 1,2 triệu đồng”. Lấy lý do thiếu tiền, chúng tôi đề nghị mua vé ngồi, cô nhân viên trả lời ngay: Vé ngồi lúc nào cũng có, giá chưa đến 700.000 đồng.

Điều đáng nói là, khi chúng tôi quay ra phía cổng ga thì lập tức được mấy tay “cò” vé săn đón khá kỹ: “Mua vé Tết hả, răng mà trễ rứa, lấy đâu ra?”. Khi nghe chúng tôi “năn nỉ” mua giúp cho cặp vé đi Hà Nội ngày 28 thì được một “cò” thông báo: Anh cần thì có ngay nhưng giá hơi cứng nghe, khoảng 2,5 triệu đồng/cặp vé ngồi ghế cứng, còn vé nằm thì phải gần 4 triệu đồng. Nếu lấy thì chồng tiền ngay, chỉ còn một cặp duy nhất thôi, chậm là ăn Tết ở Đà Nẵng đó!

Một “kịch bản” tương tự khi chúng tôi hỏi mua vé xe tại Bến xe trung tâm. Mặc dù so với ngày thường lượng người mua vé có tăng, nhưng không đến nỗi quá tải, phải chen lấn. Trao đổi với nhân viên bán vé xe của các doanh nghiệp Thuận Thảo, Mai Linh..., tất cả đều cho biết nhờ bán vé xe Tết cả tháng nay nên không có sự quá tải. Ông Đinh Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách thành phố cho biết: Theo nhận định của Hiệp hội, lượng khách năm nay chỉ ở mức tương đương năm vừa rồi. Trong khi đó, công tác chuẩn bị bán vé Tết năm nay triển khai khá sớm và công khai mọi thông tin, hành khách chủ động trong việc mua vé nên không có tình trạng sốt vé.

Mặc dù vậy, khi chúng tôi đi ra phía trước cổng bến xe, lập tức những “cò” vé tiếp cận. Các “cò” khuyên không nên mua vé trong bến vì giá đắt do nhà xe phải chịu nhiều loại phí, còn mua vé ở ngoài giá giảm hơn 20%, lại trả khách tại nhà. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi giá vé, các “cò” chỉ ậm ừ và yêu cầu “đặt cọc trước 20%, còn lại lên xe thu sau”.

Mua bán vé máy bay tại các đại lý và trên mạng cũng rất nhộn nhịp. Hầu hết, tại các điểm bán vé máy bay khi chúng tôi yêu cầu mua vé vào những ngày cận Tết và đi những tuyến “nóng” như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thì đều có câu trả lời chung là... hết vé, và sau đó là điệp khúc “cố gắng” tìm giúp. Tất nhiên, sự “cố gắng” này đồng nghĩa với việc giá vé bị đội lên khá nhiều.

Qua thâm nhập thực tế của chúng tôi cũng như trao đổi với các đơn vị vận tải Tết, có thể khẳng định hoàn toàn không có “sốt” vé, thậm chí các ngày cận Tết vẫn còn khá nhiều vé. Vì vậy, nếu hành khách có nhu cầu đi lại trong dịp Tết, tốt nhất nên đến tại các quầy vé tại nhà ga, bến xe để mua nhằm tránh vé giả hoặc vé với giá... trên trời.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

.
Đà Nẵng

© 2021 FAP
  65,919       1/346