Gia đình

Ông bố trẻ vừa chăm vợ u não, vừa miệt mài xin sữa cho con

Từ chỗ bú mẹ tràn trề, bé Bon phải ăn nhờ từng bữa do bố chạy đi xin bên ngoài, trong khi mẹ chiến đấu với bệnh u não ở bệnh viện.

Nguyễn Hồng Thái, 27 tuổi, quê ở Hà Tĩnh nên duyên với Phạm Thị Dung quê Quảng Bình khi cùng làm việc tại một công ty chuyên về công nghệ số tại Thừa Thiên Huế, thuê trọ tại đây. Ngày 18/5/2016 là ngày hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ khi cậu nhóc Bon chào đời. Dung có nhiều sữa nên bé Bon ăn uống thỏa thê mà mẹ vẫn còn dư, hút ra dành tặng cho hai bé khác.

ong-bo-tre-lan-loi-xin-sua-cho-con-khi-vo-mo-u-nao

Đôi vợ chồng trẻ thời còn son rỗi. Ảnh: NVCC.

Đùng một cái, Dung thấy đầu đau như búa bổ mấy ngày liên tục. Sau khi làm đủ các xét nghiệm, chiếu chụp, cô được các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược Huế kết luận bị u não và cần phẫu thuật gấp. Hai vợ chồng rất hoang mang nhưng vẫn quyết tâm đương đầu với thực tế: vợ đi phẫu thuật, chồng xin nghỉ làm không lương để vừa chăm vợ vừa đi xin sữa cho con, con thì nhờ bà ngoại ở quê vào chăm sóc.

Bà ngoại tập chăm Bon được vài ngày thì đến 28/10 -  ngày mẹ Dung phải phẫu thuật, Bon được giao hẳn cho bà. Ca mổ kéo dài 11 tiếng cũng là từng đó thời gian Thái bồn chồn như trên tổ kiến. Chưa hết, một tuần sau Dung lại phải lên bàn mổ gần 3 tiếng nữa do dịch não không thể tự lưu thông.

Nhớ lại quãng thời gian 20 ngày vợ nằm viện, Thái cho biết khó khăn lớn nhất và đầu tiên mình gặp phải là vấn đề tâm lý. Trước khi phát hiện vợ bị u não, anh chưa bao giờ nghĩ tới và chuẩn bị cho trường hợp xấu như thế. Bệnh viện phát hiện khối u và chỉ định mỗ diễn ra trong một tuần. Vừa lo tài chính, vay mượn người thân để có tiền cho vợ nhập viện, vừa xót xa nhìn con quấy khóc vì thiếu hơi mẹ và sữa mẹ đột ngột, Thái vẫn phải thể hiện tinh thần lạc quan để trấn an và động viên vợ.

Mặc dù đã có chút kinh nghiệm khi chăm vợ lúc sinh nhưng anh vẫn không khỏi lóng ngóng khi bây giờ, quanh người vợ là rất nhiều dây và ống máy móc hỗ trợ. Thậm chí, lần đầu tiên, Thái còn mặc tã ngược cho vợ “nhưng làm mãi cũng thành quen”. Mỗi buổi tối, anh trải chiếu ngủ ngay trước phòng hồi sức, sẵn sàng nghe bác sĩ gọi vào chăm vợ, ít nhất là bốn lần.

Trong khi đó, cu Bon nhớ hơi mẹ không chịu ngủ, ăn ít, khóc cả ngày lẫn đêm. Vậy là mỗi ngày hai lần đều đặn, buổi sáng, sau khi làm vệ sinh, bóp chân, bóp tay cho vợ xong, Thái liền chạy xe máy 5km về nhà trọ chơi với con.Cho con ăn, ru con ngủ xong, Thái lại lặng lẽ lên viện túc trực. Buổi chiều tối lại một lần lộn về nhà như thế, nắng cũng như mưa. 

Trước khi phẫu thuật, Dung đã kịp hút sữa, tích trong tủ lạnh đủ để con ăn trong một tuần. Hết sữa này, ông bố trẻ không khỏi băn khoăn: Mua sữa gì khi con mới 5 tháng tuổi, hệ tiêu hóa còn yếu? Rồi khoản chi phí sữa phát sinh ngoài dự tính… khiến Thái ngày càng mệt mỏi. Thật may, các nữ nhân viên trong công ty anh đã giúp đỡ, khiến anh mạnh dạn đi xin sữa của các mẹ mới sinh cho con.

Do vợ từng hiến tặng sữa nên khi vào vai người đi xin, Thái hiểu rõ tâm lý giúp người, san sẻ tình thương của các bà mẹ tặng sữa. Anh vẫn còn nhớ câu nói đùa vui của một bà mẹ: “Nhìn em giống sinh viên năm hai, gặp ngoài đường chắc chị không nghĩ em đã là ông bố một con đâu đấy. Đợt này chị mới trữ được 5 túi, em mang về cho cu Bon ăn tạm, mai mốt có nữa chị sẽ gọi. Chúc vợ em sớm bình phục!”.

"Chỉ cần một câu nói vui như vậy, tâm trạng tôi thấy thoải mái hơn, lòng cũng thấy ấm lên vì được biết xung quanh mình còn có nhiều người tốt lắm", ông bố trẻ chia sẻ.

Cuối cùng, Dung cũng được xuất viện, nhưng cuộc chiến đấu vẫn còn trường kỳ bởi 10% khối u não chưa thể bóc tách. Bác sĩ hẹn không có gì bất thường thì sau một tháng tái khám và sáu tháng sau điều trị bằng xạ trị kết hợp tia GAMA. Cô cũng chưa nói được do sự tác động của ca phẫu thuật. Về nhà thấy cảnh con bú bình, chồng đi xin sữa khắp nơi, nhiều đêm cô bật khóc. Từ chỗ sữa tràn trề, nay không còn giọt nào do vết thương và thuốc kháng sinh, Dung buồn tủi nhưng vẫn thấy ấm lòng khi cảm nhận được tình thương từ các bà mẹ mới sinh khác.

ong-bo-tre-vua-cham-vo-u-nao-vua-miet-mai-xin-sua-cho-con-1

Cu Bon tự giác uống sữa bình khi mẹ ốm. Ảnh: NVCC.

Sau khoảng thời gian được ăn ké sữa, cu Bon phát triển khỏe mạnh, chơi nhiều hơn, ngủ cũng sâu giấc trở lại. Từ thực tế của con, anh Thái cho rằng nên ủng hộ quan điểm nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, trừ trường hợp bất khả kháng. 

"20 ngày qua, cu Bon, con tôi đã lớn lên bằng nguồn sữa quý giá của các mẹ đầy tình thương và lòng nhân ái”, ông bố trẻ cảm động viết. Hiện Dung ở nhà nên anh Thái đã được đi làm trở lại, và vẫn tiện đường đi xin sữa cho con.

Kim Kim

VNExpress

xin sữa cho con, bú sữa mẹ, bé sơ sinh


© 2021 FAP
  1,682,015       4/892