Gia đình

Đội quân nhặt tiền lẻ trên xa lộ Lạng Sơn

12h trưa, ông Đặng ngồi im trong căn lều rách ven đường, mắt dõi đoàn xe qua. Lát sau, ông vọt ra đường, rồi quay trở lại với 3 tờ tiền trên tay.

Giống như ông, mỗi ngày có 4-5 ông bà già ngồi chờ ven đường như thế, bất chấp những "hung thần" xe tải, xe khách, xe container... nườm nượp qua lại ở km34, QL1A thuộc địa bàn thôn 5, xã Vân Thủy (Chi Lăng, Lạng Sơn) này. Họ ngồi chờ sinh kế từ những tờ tiền rơi. Những chiếc xe lao với tốc độ 60-70km/h thi nhau thả tiền bay đầy trong không trung trên đoạn đường dài chưa đến 100m.

"Vọng gác" của ông Hoàng Văn Đặng (76 tuổi) dựng bằng 4 cây tre nhỏ, có mái là một tấm bạt và ghế ngồi là những tảng đá ong lồi lõm được lót giấy.

Km34 qua địa bàn xã Vân Thủy (Chi Lăng, Lạng Sơn) thường xảy ra tai nạn, cánh tài xế thường rải tiền qua đây. Ông Đặng dựng lều để nhặt tiền. Ảnh: Trọng Nghĩa,

Ông Đặng ngồi trong lều chờ tiền rơi.  Ảnh: Trọng Nghĩa.

Đang kể dở câu chuyện, ông cụ chạy vù ra ven đường nhặt 2 tờ 500 đồng và một tờ 2 nghìn, nhanh đến nỗi cọng cỏ bị thổi xiên vẹo còn chưa kịp đứng thẳng thì đã trở lại lều. Chỉ trong 10 phút ông chạy ra nhặt tiền đến 5 lần.

Ông Đặng chia sẻ đã bám trụ mưu sinh bằng "nghề nhặt tiền lẻ" ở đây được 7 năm. "Đoạn đường này nổi tiếng nhiều tai nạn. Đặc biệt năm 2009 ở đây có một vụ thảm khốc làm 14 người thiệt mạng. Sau đó có một số người dựng lên miếu thờ để tưởng niệm nạn nhân, cũng như cảnh báo người đi đường phải luôn cẩn thận", ông chia sẻ.

Từ khi có miếu thờ, cánh tài xế đường dài truyền tai nhau câu chuyện tang thương, ai đi qua cũng dừng lại thắp nén nhang, hoặc bỏ vài đồng lẻ bày tỏ sự tiếc thương những người xấu số. Lâu dần thành lệ, họ hiếm khi dừng lại để thắp nhang vì đường nhỏ và nhiều xe qua lại. Việc phúng viếng chỉ gói gọn trong một hành động kéo kính xe xuống và... vứt tiền.

'Biệt đội nhặt tiền lẻ' trên xa lộ Lạng Sơn

Từ 4 giờ sáng, đội quân nhặt tiền đã túc trực ở ven đường để bắt đầu cho một ngày làm việc. Già có, trẻ có, họ dạo ven đường, nơi những thảm cỏ dại khoác lên mình một màu xám đen vì bụi đường. Thong thả như đi dạo, thế nhưng lại có thêm một khoản thu nhập nho nhỏ.

Bà Vũ Thị Xít (74 tuổi, vợ ông Đặng), bà Vũ Thị Thiệu (71 tuổi), ông Trần Quốc Việt (62 tuổi) cùng ông Đặng là những người "làm việc" cố định tại con đường này từ sáng đến đêm. Họ chia thành ca, mỗi người 4 tiếng để tránh chuyện tranh giành.

Nhộn nhịp nhất là những ngày rằm và mùng một hàng tháng, phải hơn 20 người thi nhau "gom lộc". Đó không chỉ là nhiều đồng tiền mệnh giá cao, mà còn là bánh trái, hoa quả vứt đầy đường. "Có người vứt thì phải có người nhặt thôi, vả lại tuổi già thì làm gì ra tiền", ông Đặng móm mém cười xòa.

Nhà cách ngôi miếu vài chục mét, ông Đặng "vào nghề" từ năm 2011, đến nay được xem là "cao thủ" trong nhóm. Công việc này đòi hỏi tốc độ, không nhanh thì tiền bay ra giữa đường rất khó để lấy. Thế nhưng, rơi vào trường hợp đó cũng không làm khó được ông. "Có khi chiếc xe tải 30 tấn chỉ còn cách 10 giây, vẫn đủ thời gian để tôi nhặt được 3 tờ", ông nói.

Không những nhanh, đôi mắt của ông Đặng - cũng như những "đồng nghiệp" của mình - vẫn còn sáng tỏ. Những tờ một nghìn, hai nghìn có màu sắc sờn bạc, rất khó để người bình thường nhận biết vì trùng màu với mặt đường. Nhưng khi tờ tiền còn chưa kịp rơi xuống đất, ông đã kịp sải đôi dép lê gần rách quai chạy tới...

Một ngày ông có thể nhặt được 200 nghìn, cũng có hôm chỉ được vài chục, nếu không chia ca thì ông còn nhặt được nhiều hơn thế. Vào những ngày lễ thu nhập có thể cao hơn.

Mỗi ngày ông Đặng cũng như những đồng nghiệp kiếm được trung bình 100 nghìn đồng. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Ông Đặng rình lúc vắng xe để chạy ra nhặt tiền. Ông cũng như các "đồng nghiệp", kiếm được trung bình 100 nghìn đồng mỗi ngày. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Ông Đặng từng phục vụ quân ngũ rồi về làm việc tại UBND xã Vân Thủy, vì sinh nhiều con mà bị buộc thôi việc, không được hưởng lương hưu. Về già, 3 người con gái lấy chồng xa xứ, cuộc sống cũng khó khăn nên không lo được nhiều cho cha mẹ. Thế nên ông cùng vợ ra nhặt tiền để có khoản sinh sống qua ngày.

"Nhìn tiền rơi vãi đầy đường tôi thấy xót lắm, không nhặt không được, dù trước đây cũng có người bị xe quẹt xước xát đấy. Nhưng tôi dân già đi nhặt tiền chứ có phải cướp xe đâu mà lên án", ông Việt, nhà ngay đối diện với ngôi miếu, phân trần.

Ông Hoàng Văn Phách (Chủ tịch UBND xã Vân Thủy), cho biết: "Chính quyền năm nào cũng đến vận động người dân đừng quá vì tiền mà coi thường tính mạng. Thế nhưng cũng không cấm được vì chủ yếu xuất phát từ ý thức của những người lái xe". 

Đoạn đường nơi đây có hai khúc cua nhỏ, trước và sau miếu thờ, nên các xe thường không đi quá nhanh, và thả tiền ở đây. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Ông Đặng chờ giờ "làm việc". Đoạn đường nơi đây có hai khúc cua nhỏ, trước và sau miếu thờ, nên các tài xế thường không đi quá nhanh, và thả tiền ở đây. Ảnh: Trọng Nghĩa.

2 giờ chiều, bà Xít và bà Thiệu đến thay ca cho ông Đặng. Cả hai bà đều lớn tuổi, phải chống gậy để đi, thậm chí bà Xít lưng đã còng. Thế nhưng độ nhanh nhạy cũng không kém ông Đặng là bao.

"Tôi biết mọi người lo cho chúng tôi, chúng tôi cũng lo chứ, nhưng có nhiều cái về mặt tâm linh không thể lý giải được. Vả lại cánh tài xế cũng ủng hộ chúng tôi hương hỏa cho cái miếu này", bà nói, mắt hướng về những chiếc bánh xe.

Mưa lay lắt. Trong "vọng gác", những cụ ông cụ bà tuổi xế chiều thong dong gom lại những tờ tiền lẻ vương vãi, vuốt cho thẳng thớm. Nơi núi rừng, xe cộ đông nghẹt xe giờ tan tầm, không khác gì thành phố...

Trọng Nghĩa

VNExpress

biệt đội nhặt tiền lẻ, lạng sơn, chi lăng


© 2021 FAP
  625,642       1/502