Giáo dục

Nhân lực trình độ cao: Nặng lý thuyết, yếu thực hành

TTO - Các trường ĐH đang cho “ra lò” nguồn nhân lực trình độ cao nhưng nặng lý thuyết, yếu thực hành.

Ông Nguyễn Thanh Hải - giám đốc nhà máy Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài, huyện Hóc Môn, TP.HCM - hướng dẫn sinh viên khoa điện - điện tử Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực tập tại nhà máy sản xuất  bình gas bằng composite - Ảnh: Như Hùng
Ông Nguyễn Thanh Hải - giám đốc nhà máy Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài, huyện Hóc Môn, TP.HCM - hướng dẫn sinh viên khoa điện - điện tử Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực tập tại nhà máy sản xuất bình gas bằng composite - Ảnh: Như Hùng

Điều này thể hiện ngay trong quá trình thực tập tốt nghiệp (TTTN), sinh viên gặp khó khăn khi sử dụng trang thiết bị, không thể vận dụng kỹ năng chuyên môn đã học vào thực tiễn...

Đó là thực trạng được chỉ ra trong đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ “Kỹ năng thích ứng với môi trường công việc khi thực tập tốt nghiệp của sinh viên”, do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trì.

Đề tài trên do PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - làm chủ nhiệm, cùng nhóm nghiên cứu thực hiện trong hai năm, vừa được nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát trên 1.180 sinh viên của bốn trường ĐH 
tại TP.HCM.

63% sinh viên thất nghiệp do thiếu kỹ năng

Theo kết quả điều tra của Bộ GD-ĐT, năm 2011 cả nước có đến 63% sinh viên thất nghiệp do thiếu kỹ năng. Trong các nguyên nhân khách quan làm sinh viên chưa thích ứng với môi trường công việc khi TTTN được khảo sát, nguyên nhân “nội dung học tập ở nhà trường ít chú trọng thực hành, mà nặng về lý thuyết” với 49,2% sinh viên lựa chọn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng: doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nguồn lao động khi sinh viên tốt nghiệp chưa thực sự chủ động trong công việc. Chính nguyên nhân này tạo rào cản trực tiếp, khiến sinh viên khó thích ứng với môi trường công việc khi TTTN, cũng như trong hoạt động nghề nghiệp tương lai.

Thực tập là quá trình thử nghiệm, để sinh viên hoàn thiện những kỹ năng nghề cơ bản, nhằm thực sự làm việc hiệu quả khi trở thành người lao động chính thức. Nhưng thực tế sinh viên vẫn còn gặp khó khăn về việc thích ứng với môi trường công việc trong thực tập, và kết quả thống kê cho thấy phần đông sinh viên (42,8%) chưa sẵn sàng cho TTTN.

Hạn chế lớn nhất ở sinh viên khi thích ứng với nội dung TTTN là vấn đề lập kế hoạch, thâm nhập thực tế hoạt động của ngành nghề, công việc; tìm hiểu quy trình hoạt động của đơn vị; sử dụng, ứng dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế môi trường công việc, và yếu kỹ năng mềm, từ viết email, dùng máy photocopy...

Trong những khó khăn về việc thích ứng các điều kiện, phương tiện tại môi trường làm việc khi TTTN, đáng chú ý nhất là cách sử dụng các phương tiện, công cụ, máy móc sản xuất để làm việc.

Nội dung “sử dụng các máy in, máy fax, máy photocopy và các phương tiện văn phòng khác” có đến 58% ở mức trung bình đến mức rất thấp.

Bên cạnh đó, nội dung “sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật liên quan đến lao động sản xuất chuyên môn” có 56% sinh viên chưa thích ứng tốt.

“Việc sinh viên chưa thích ứng với các phương tiện văn phòng sẽ tạo ra rào cản và áp lực nhất định trong thời gian TTTN. Với các chuyên ngành khoa học kỹ thuật, việc sử dụng máy móc, thiết bị như một kỹ năng nghề nghiệp thực sự rất cần thiết và vô cùng quan trọng. Trong quá trình học ĐH, thời gian sinh viên trải nghiệm các phương tiện này rất hạn chế...” - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Đáng chú ý, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên được đánh giá thấp nhất, 43,3% ở mức trung bình và thấp.

Ngoài ra, trong các nguyên nhân chủ quan làm sinh viên chưa thích ứng với môi trường làm việc khi TTTN, nội dung “sinh viên chưa làm quen với các hoạt động thực hành liên quan đến môi trường công việc” có tỉ lệ cao nhất, với 44,7% sinh viên lựa chọn.

Chất lượng đào tạo 
còn thấp

Theo nhóm nghiên cứu, việc mở rộng quy mô đào tạo đáp ứng phần nào nhu cầu học tập của xã hội và nhu cầu về nguồn nhân lực.

Nhưng hạn chế lớn nhất của giáo dục nước ta chính là ở chất lượng đào tạo còn thấp. Vẫn còn sự lệch pha rất lớn giữa phát triển đào tạo ĐH với sự phát triển kinh tế, về phương diện cung ứng nguồn nhân lực.

Trong khi nhu cầu thực sự của thị trường lao động, những yêu cầu đối với lực lượng lao động đã được thay đổi cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì những định hướng đào tạo ở trường ĐH lại không thay đổi hoặc thay đổi rất ít.

Trong các nguyên nhân khách quan làm sinh viên chưa thích ứng với môi trường công việc khi TTTN thì chiếm đa số vẫn là nội dung học tập ở nhà trường ít chú trọng thực hành mà nặng về lý thuyết (49,2%), nhà trường chưa có biện pháp giáo dục kỹ năng thích ứng môi trường công việc cho sinh viên (32,5%), chưa có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (31,4%).

Lý giải tình trạng trên, nhóm nghiên cứu cho rằng: “Lý do là Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có nền công nghiệp mạnh, không có nhu cầu nhận sinh viên thực tập nhiều, và quy trình để thỉnh giảng một người làm trong doanh nghiệp cũng khá rắc rối, vì quy định bằng cấp với người đứng lớp. Trong khi nhà trường đào tạo theo chương trình đã được phê duyệt, cũng do nhà trường trình lên. Người duyệt chương trình đó cũng xuất thân từ trường, không gắn kết nhiều với doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp gần như đứng ngoài cuộc, chỉ biết kêu ca và đào tạo lại...”.

Cần tăng cường giáo dục kỹ năng

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các biện pháp nâng cao kỹ năng thích ứng môi trường thực tập cho sinh viên. Tổ chức huấn luyện chuyên đề, học tập trải nghiệm kỹ năng thích ứng trong môi trường công việc khi TTTN dưới hình thức lớp học chuyên biệt, thông qua hoạt động ngoại khóa...

Hệ thống biện pháp với mục tiêu, yêu cầu cụ thể nhằm tạo cơ hội để sinh viên chủ động tìm hiểu nhà tuyển dụng, tự tin thể hiện năng lực, làm chủ cảm xúc, làm quen với các tình huống tế nhị trong môi trường công việc thực tế.

Ngoài ra còn nên nghiên cứu có hệ thống về kỹ năng thích ứng, nghiên cứu nhấn mạnh vào các hình thức giao lưu, thông tin, kết nối giữa sinh viên với cơ sở đào tạo, đại diện nhà tuyển dụng, thế hệ sinh viên đi trước... nhằm đạt hiệu quả và hấp dẫn sinh viên.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra kiến nghị đối với Bộ GD-ĐT, cần xây dựng mô hình phát triển kỹ năng thích ứng với môi trường công việc khi TTTN cho sinh viên, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của sinh viên ở các cơ sở đào tạo khác nhau.

Định hướng cho các trường ĐH chú trọng giáo dục cho sinh viên phát triển kỹ năng thích ứng với môi trường công việc khi TTTN trong chương trình học, lồng ghép từng môn học cụ thể, bằng nhiều hình thức đa dạng và hấp dẫn với điều kiện từng trường.

Bên cạnh đó nhà trường cần gắn kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, bản thân sinh viên cũng phải chủ động tìm hiểu, tự đánh giá bản thân trước TTTN để có kế hoạch phù hợp; nghiêm túc với hoạt động TTTN, năng động tích lũy kinh nghiệm để phục vụ nghề nghiệp trong tương lai; tích cực ứng dụng những kiến thức và kỹ năng trong quá trình học tập tại trường ĐH, phát triển các kỹ năng mềm cho bản thân...

* TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao(Trường ĐH Sài Gòn, ủy viên hội đồng phản biện):

Có thể ứng dụng sau khi chuyển giao

Đề tài mang ý nghĩa khoa học khá cụ thể, tăng hiệu quả giáo dục cho sinh viên. Đề tài cũng đặt ra những nền tảng khá cụ thể trong công tác giáo dục và chuẩn bị cho sinh viên bước vào nghề nghiệp, nên tính thực tiễn của đề tài khá cao.

Kết quả nghiên cứu thu được và những thông tin khoa học có thể sử dụng trong thực tế hiện nay. Đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng sau khi chuyển giao.

TRẦN HUỲNH - TƯỜNG HÂN
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,819       2/1,004