Giáo dục

“Tri thức trẻ vì giáo dục” khơi dậy đam mê, sáng tạo

TTO - Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long đồng tổ chức đã chính thức khởi động bằng buổi họp báo giới thiệu chương trình vào hôm qua 28-4 tại Hà Nội.

Tiết học văn sử dụng nhật ký đọc để đọc hiểu văn bản văn học của học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM từ “sáng kiến” của giáo viên. Đây là một đối tượng mà chương trình hướng đến - Ảnh: N.Hùng
Tiết học văn sử dụng nhật ký đọc để đọc hiểu văn bản văn học của học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM từ “sáng kiến” của giáo viên. Đây là một đối tượng mà chương trình hướng đến - Ảnh: N.Hùng

Chương trình lần đầu tiên tổ chức và sẽ diễn ra thường niên từ giai đoạn 2016-2020 nhằm tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, đề xuất các công trình, sáng kiến hỗ trợ việc giảng dạy, học tập.

Hằng năm, từ tháng 4 đến tháng 9, chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký các công trình nghiên cứu, sáng kiến.

Ban tổ chức sẽ triển khai việc bình chọn công khai trên mạng từ ngày 5 đến 20-10. Trước ngày 5-11 sẽ công bố các chương trình, sáng kiến vào chung kết. Việc tổng kết trao giải vào dịp 20-11.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” khuyến khích mọi đối tượng thanh niên, trí thức trẻ là công dân VN dưới 35 tuổi tham gia.

Dự kiến hằng năm lựa chọn 12-15 công trình, sáng kiến vào vòng chung kết toàn quốc kèm giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/chương trình, sáng kiến.

Trong vòng chung kết sẽ lựa chọn tối đa năm công trình, sáng tạo tiêu biểu để trao giải thưởng với trị giá 100 triệu đồng/công trình, sáng kiến.

Ban tổ chức sẽ kết nối với các lực lượng xã hội nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa để có thể nhân rộng các công trình, sáng kiến, ứng dụng vào thực tiễn dạy học nói riêng và hoạt động giáo dục nói chung trong các nhà trường.

Dự kiến từ năm 2017, chương trình sẽ mở rộng hơn, khuyến khích các trí thức trẻ là người VN ở nước ngoài tham gia với các công trình, sáng kiến nhằm đổi mới, phát triển giáo dục.

Tại buổi họp báo, anh Lê Quốc Phong - ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - chia sẻ: “Nhìn vào tên gọi thì có thể hình dung chương trình đề cập đến phạm vi rộng, nhất là giáo dục - lĩnh vực đang có rất nhiều điều mà xã hội quan tâm.

Tuy nhiên chúng tôi chỉ muốn đi sâu vào một nội dung cụ thể, nhưng cũng là vấn đề căn bản, cốt lõi của giáo dục, đó là đầu tư của người thầy vào việc dạy học. Bởi sự tiếp nhận của người học đến đâu, các mục tiêu giáo dục đặt ra có thực hiện được không, sản phẩm giáo dục có đạt yêu cầu không, điều đó lệ thuộc khá nhiều vào yếu tố người thầy.

Trong đó, sự chủ động, sáng tạo, mạnh dạn trong việc nghiên cứu, đề xuất, ứng dụng những sáng kiến vào việc đổi mới phương pháp dạy học cần được đề cao, khuyến khích và tạo môi trường cần thiết để phát triển.

Với chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, chúng tôi hi vọng sẽ lôi cuốn được nhiều trí thức trẻ, trong đó có chính đội ngũ người thầy đang trực tiếp dạy học cùng chung tay, tìm tòi, sáng tạo”.

“Hằng năm, cấp trung ương hỗ trợ được ít nhất một công trình, sáng kiến, cấp tỉnh đoàn hỗ trợ ít nhất một công trình, sáng kiến để nhân rộng và ứng dụng vào thực tiễn” - anh Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Văn Linh - phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), thì để chương trình này hiệu quả và thật sự có ý nghĩa, Bộ GD-ĐT sẽ thông tin và khuyến khích nhiều giáo viên trẻ tham gia.

“Ngoài việc khuyến khích đông đảo giáo viên trẻ tham gia nghiên cứu sáng tạo, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe những ý kiến, góp ý từ thực tế triển khai để có những điều chỉnh phù hợp về quy định nhằm tạo điều kiện nhiều hơn trong việc đưa các sáng kiến hay vào thực tiễn dạy học” - ông Linh cho biết.

Các công trình, sáng kiến tham dự trong phạm vi nội dung: đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả; sáng tạo, sáng chế các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học - giáo dục.

Ban tổ chức sẽ đánh giá các công trình, sáng kiến theo các tiêu chí: công trình - sáng kiến có tính mới, chưa được công bố bởi cá nhân, tổ chức nào khác; có tính khả thi, áp dụng được trong thực tiễn.

Địa chỉ nhận hồ sơ:

- Ban thanh niên trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 64 Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0462631852; email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com.

- Hoặc Ban thanh niên, báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: 0839973838.

Phù hợp các mục tiêu

* Ngoài nội lực của chính giáo viên, cần có sự hỗ trợ, chia sẻ của những người trẻ tuổi trong xã hội, nhất là các trí thức trẻ. Chúng ta rất cần một chương trình như thế này để khơi dậy đam mê, sáng tạo của người trẻ cho mục tiêu đổi mới, phát triển giáo dục, khơi dậy tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm của những người thầy.

Anh Lê Quốc Phong (ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, 
bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn)

* Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo các cơ sở, các cấp điều chỉnh nhiều quy định, cơ chế làm việc nhằm tạo điều kiện cho người trẻ được sáng tạo và thể hiện sáng tạo vào ngay thực tiễn dạy học. Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” phù hợp với mục tiêu của Bộ GD-ĐT.

Ông Bùi Văn Linh (phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT)

* Là đơn vị đồng tổ chức, chủ yếu chịu trách nhiệm về truyền thông cho chương trình này, chúng tôi cũng mong nhận được những ý kiến góp ý, phản biện để chương trình đạt được hiệu quả như mục tiêu, giới thiệu những cá nhân, đơn vị có sản phẩm, công trình nghiên cứu sáng tạo xuất sắc. Đây cũng là hoạt động phù hợp với định hướng của báo Tuổi Trẻ nhiều năm qua, với những chương trình có ý nghĩa hướng đến thế hệ tương lai.

Ông Dương Đức Đà Trang (trưởng văn phòng đại diện
báo Tuổi Trẻ tại miền Bắc)

* Tôi mong qua chương trình này sẽ có nhiều công trình sáng tạo được ứng dụng vào thực tiễn dạy học trong các nhà trường. Tôi cũng hi vọng từ việc khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của những người trẻ, sẽ có thể đặt những viên gạch đầu tiên để góp phần xây dựng một nền giáo dục tiên tiến hơn.

TS Võ Văn Thành Nghĩa
(tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long)

VĨNH HÀ
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  210,212       32/1,414