TTO - Có một thầy giáo đã táo bạo đưa việc phản biện vào bài giảng ngữ văn của mình. Đó là thầy Huỳnh Văn Thế, giáo viên Trường THPT Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Thầy Thế và học trò trong một tiết học văn sinh động - Ảnh: M.T. |
Một buổi sáng tại Trường THPT Mang Thít, lớp 11 đang sôi nổi trong tiết học văn theo cách dạy phản biện của thầy Thế. Cả lớp đóng vai người Việt. Thầy Thế đóng vai du khách người Pháp.
Thầy Thế nói: “Tôi nghe người Việt chửi nhau ngoài chợ, nhiều người lớn và học sinh văng tục, chửi thề trên Facebook, tin nhắn... Phải chăng đó là tiếng Việt?”.
Một học sinh lên tiếng: “Ngôn ngữ nào cũng có những từ cao đẹp và những từ tầm thường. Bạn đang nghe những từ xấu xí...”.
Thầy Thế lại nói: “Các bạn suy nghĩ thế nào về nhiều bạn tốt nghiệp lớp 12 vẫn viết câu sai chính tả, sai cấu trúc câu?”.
Học sinh trả lời lại ngay: “Nước nào cũng có những người viết không đúng chính tả, ngữ pháp, chứ không riêng gì Việt Nam”...
Cứ vậy, thầy trò đối đáp nhau kèm theo những lý lẽ, dẫn chứng chặt chẽ để bảo vệ quan điểm của mình, khiến tiết học cứ sôi nổi từng phút...
Giúp trò tự tin, mạnh mẽ
Thầy Thế tâm sự nhiều năm đi dạy thầy thấy nhiều học sinh học giỏi nhưng khi tham gia thảo luận, giao lưu với doanh nhân, khách mời thì rất rụt rè, không biết cách thể hiện suy nghĩ của mình. Bài văn của các em chỉ là sự sao chép ý thầy ra. Mời các em phát biểu ý kiến thì các em ngại ngùng vì sợ sai, sợ bị nhắc nhở. Thầy cô nói sai cũng không dám cãi.
Với cách dạy hiện nay, giáo viên tuần tự trình bày những kiến thức đã chuẩn bị, học trò chỉ ghi nhận. Những câu hỏi của giáo viên thường có sẵn trong sách giáo khoa, học sinh tìm ý và trả lời y trong sách. Những phát biểu ấy đều đã được hướng vào giáo án mà người dạy đã chuẩn bị sẵn...
Còn ở nhà, nhiều em bị tước đi cơ hội phản biện từ người thân trong gia đình. Hễ các em nói ngược với cha mẹ là sẽ vấp ngay phản ứng dữ dội của người lớn... Những điều này đã làm các em không dám thể hiện tư duy phản biện bản thân, nên chọn biện pháp im lặng để an toàn...
Thầy Thế nhấn mạnh: “Tôi muốn học trò tôi phải suy nghĩ khác: suy nghĩ mới, cách làm mới, không rơi vô bi kịch “tư duy lối mòn”...”.
Thầy muốn giúp trò của mình tự tin, mạnh mẽ... thể hiện suy nghĩ riêng của bản thân. Đồng thời có thái độ biết lắng nghe, ghi nhận những ý kiến trái chiều, khác mình. Các em phải tìm tòi kiến thức, thực tế đời sống để thể hiện suy nghĩ bản thân, rèn luyện ngôn ngữ sắc bén.
Vì vậy, thầy Thế quyết dạy học trò mình tư duy phản biện qua những giờ ngữ văn, bằng cách cho những đề tài để các em cùng thầy thoải mái tranh luận, thể hiện những ý kiến trái chiều của mình, miễn sao có đủ lập luận để thuyết phục, bảo vệ quan điểm của mình...
Cách đây ba năm, thầy đã đưa vấn đề phản biện cho lớp 12 trong tiết nghị luận xã hội. Đó là đề “Cha mẹ Việt rước con, hỏi: Hôm nay, con mấy điểm? Cha mẹ Mỹ rước con, hỏi: Hôm nay con hỏi thầy câu gì?”. Khi đề ra xong, các em tranh luận sôi nổi, nhiều ý kiến đa chiều...
Buổi học hôm đó giúp các em nhìn nhận vấn đề trọng điểm số trong xã hội sẽ sinh ra những hệ lụy như sính bằng cấp, gian lận thi cử...
Từ buổi học đó, thầy Thế mạnh dạn đưa phản biện vào giờ văn của mình. Đủ cả loại đề tài: Tấm hiền hay ác, về vấn đề hạn mặn... Một bên bảo vệ quan điểm biến những vùng xâm nhập mặn để nuôi tôm. Một bên không đồng tình vì ĐBSCL là vựa lúa của miền Tây...
Thầy Thế chia sẻ phương pháp dạy phản biện là giáo viên và học sinh cùng tìm ra vấn đề. Giáo viên có thể dự đoán nhiều phương án. Học sinh chọn phương án cho chính mình, dùng lý lẽ dẫn chứng để thuyết phục...
Thầy Thế còn thiết kế câu hỏi theo mức độ phát triển năng lực tư duy phản biện. Mức độ thấp, từ ý kiến một học sinh, thầy mời một em khác nhận định đúng sai. Hoặc thầy cố tình đưa ý kiến sai, thông tin sai để các em phản biện lại.
Trên đà đó thầy nâng lên, bắt các em phát biểu nhận định của mình, chẳng hạn như nhân vật Chí Phèo đáng thương hay đáng trách? Rồi đẩy mức độ cao hơn như đánh giá, phê bình tác phẩm, đánh giá phê bình hiện tượng trong xã hội. Rồi hùng biện, tranh luận...
Hiệu quả rất rõ
Yến Như, học sinh lớp 11, chia sẻ: “Học theo kiểu đọc chép, chúng em viết chứ chưa chắc đã hiểu những gì mình viết. Còn học phản biện, mình chép bao nhiêu hiểu bấy nhiêu, bởi viết theo cách hiểu của mình. Những gì mình tranh luận, ý kiến của mình, mình rất ấn tượng sẽ khiến mình nhớ lâu. Và đòi hỏi mình phải tích lũy kiến thức, bởi muốn phản biện mà kiến thức không vững thì người phản biện sẽ dễ đuối lý, thất bại. Thầy đưa những vấn đề nổi cộm, thời sự ra phản biện, khiến những giờ học môn văn của thầy thú vị, vui vẻ và rất thoải mái”.
Còn Trung Cường, cựu học sinh của thầy Thế, đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), bộc bạch: “Những tiết học phản biện của thầy Thế đã đem lại rất nhiều lợi ích: giúp học sinh có một cái nhìn rõ hơn về vấn đề được đề cập, giúp nhớ kiến thức kỹ hơn, giúp có cách nhìn sự việc sâu hơn, tự tin hơn khi giao tiếp. Từ đó biết cách xử lý tình huống tốt hơn, trưởng thành hơn”.
Hiện Cường còn là lớp trưởng, chủ nhiệm CLB học thuật và ủy viên BCH Đoàn khoa. Cường nhìn nhận: “Tất cả những kỹ năng thuyết trình, thuyết phục người khác Cường có được là nhờ những năm tháng học phản biện từ thầy Thế...”.
Linh Đan - sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ - thổ lộ: “Mình cảm thấy rất may mắn khi được học với thầy Thế. Những tiết học phản biện từ thầy đã giúp học sinh tự tin hơn. Lâu ngày dần hình thành kỹ năng giao tiếp khiến tụi mình rất dễ hòa nhập vào môi trường mới...”.
Thử nghiệm táo bạo và cần thiết Thầy Đỗ Ý Ly - chuyên viên phụ trách bộ môn ngữ văn, phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long - nhận xét: “Thầy Thế là một trong những giáo viên nòng cốt của tỉnh. Cách thầy dạy tư duy phản biện cho học sinh là một trong những thử nghiệm táo bạo. Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi thấy việc làm này rất cần thiết, nhất là trước yêu cầu đổi mới cách dạy học hiện nay. Việc rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh giúp các em biết cách tự tin bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề trong cuộc sống một cách khoa học và chủ động. Tư duy phản biện còn rất cần thiết trong việc làm các bài văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Nếu có điều kiện, sắp tới chúng tôi sẽ mời thầy Thế hội giảng để có thể nhân rộng cách dạy này trong toàn tỉnh”. |