TTO - Chưa bao giờ học sinh, phụ huynh và giáo viên tiểu học ở Đà Nẵng lại háo hức với việc phủ xanh sân trường như thế, khi mô hình “trường học xanh” vừa được khởi xướng.
Những cây ngâu ở Trường tiểu học Lê Bá Trinh được uốn cong tuyệt đẹp, tạo thành bốn ngôi nhà nhỏ có đặt bàn và ghế đá, tạo không gian cho học sinh chơi cờ, học tập ngoài giờ - Ảnh: Hữu Khá |
Trời tháng 5 nắng nóng như lửa đốt, nhưng vừa bước chân vào Trường tiểu học Nguyễn Duy Trinh (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), không khí mát rượi ùa ngay vào người, bởi sân trường rợp bóng cây.
Sân Trường tiểu học Nguyễn Duy Trinh ngày sắp bước vào hè đầy kín những dãy cây phượng, cây bàng. Những tán bàng to rộng làm sân trường trở nên mát dịu. Mỗi cây đều có gắn một bảng tên, như nhắc nhở học sinh về công lao của anh chị đi trước nhường lại cây, bóng mát cho mình.
Nhìn học trò vui đùa giữa sân trường xanh mát, cô Phạm Thị Ánh Hoa, hiệu trưởng, vui vẻ kể: cách đây 5 năm khi trường mới xây dựng, thầy trò phải sống trong cảnh nóng bức. Sân trường lúc đó chưa có bóng cây nên hơi nóng hắt vào trong lớp. Có hôm trời quá nóng, học sinh ngồi học mà mồ hôi ướt cả lưng áo. Trước cảnh đó, ban giám hiệu trường quyết tâm phủ xanh sân trường. Mỗi giáo viên, lớp học được cô hiệu trưởng phân công một công việc rất cụ thể.
“Thật lòng là kinh phí không có, trường không đủ tiền để mua cây rồi thuê người chăm sóc. Vì vậy, tôi lân la hỏi han bạn bè để xin cây đem về trồng. Thấy nhà trường muốn trồng cây, một số phụ huynh đã ngỏ lời xin đóng góp. Có phụ huynh biết tin hôm trước thì hôm sau cho xe chở đến một gốc cây to” - cô Ánh Hoa tâm sự.
Theo cô Ánh Hoa, giờ trường có một môi trường giáo dục “xanh thật sự”. Học sinh vừa được học về bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên trong giờ học lý thuyết, lại được tự tay trồng cây, biết tưới cây cỏ hằng ngày.
Còn tại Trường tiểu học Lê Bá Trinh (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), mô hình “trường học xanh” khiến học sinh rất thích thú.
Một góc lớn ở sân trường được phủ kín cây xanh làm nơi vui chơi cho học trò. Một số khoảnh đất nhỏ được thiết kế trồng cỏ xanh rì, cạnh các loài hoa đỏ li ti và hàng trúc nhỏ xinh xắn. Còn ở phía gần ngoài cổng trường, những cây ngâu được uốn cong tạo thành bốn ngôi nhà nhỏ có đặt bàn và ghế đá tạo không gian cho học sinh chơi cờ, học tập ngoài giờ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Bá Trinh, cho biết ban đầu để có cây trồng, cô cùng các giáo viên đi tới các nhà trong diện giải tỏa để xin cây lâu năm về trường. Sau đó, trường thường xuyên phát động phong trào trồng và chăm sóc cây xanh trong trường.
Để cây trồng luôn xanh tốt, trường đã vận động giáo viên, học sinh chăm sóc cây hằng ngày. Cây trồng nào trong sân trường cũng được nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm và học sinh các lớp chăm sóc.
Ông Võ Tấn Ba, một phụ huynh có con học ở Trường Nguyễn Duy Trinh, hồ hởi nói: “Hai vợ chồng đi làm cả ngày nên cho con học bán trú ở trường. Trẻ con được vui đùa trong một không gian xanh như vậy thì tránh được đau ốm, cảm nắng, nhất là thời điểm gần mùa hè.
Ngoài ra, các cô giáo dạy con việc tưới nước, chăm sóc, yêu thương cây cỏ sẽ giúp con cái chúng tôi sớm có ý thức giữ gìn môi trường sống”.
Cô Thanh Hoa cho biết ngoài việc trồng cây xanh, trường còn xây dựng các khu vui chơi, khu đọc sách ngoài trời... góp phần làm cho khuôn viên nhà trường thêm sinh động.
“Trường học xanh” trong “thành phố môi trường” Nói về mô hình “trường học xanh”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đang từng bước tiến tới “TP môi trường” vào năm 2020, trong đó một trong những nội dung quan trọng, ưu tiên thực hiện là lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục TP. “Xuất phát từ ý tưởng đó, năm 2015 UBND TP đã ban hành bộ tiêu chuẩn và quy trình xét chọn công nhận “trường học xanh”. Đây chính là niềm tự hào của TP Đà Nẵng khi là TP đầu tiên lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào trường học các cấp...” - ông Tuấn cho biết. |