Giáo dục

Học kỹ năng hạnh phúc

TTO - Không phòng học, không bảng, không phấn... thế nhưng một lớp học dành cho sinh viên và người đi làm vẫn ra đời.

Học viên trình bày dự án của mình trong một chuyên đề - Ảnh: T.L.T.
Học viên trình bày dự án của mình trong một chuyên đề - Ảnh: T.L.T.

Lớp học lạ lùng này vừa dạy kỹ năng sống, vừa tạo không gian giao lưu, học hỏi và xây dựng các chương trình vì cộng đồng. Đó là “lớp học Hạnh Phúc”.

Bạn Trần Lý Thành (sinh năm 1989) - sáng lập và trực tiếp giảng dạy lớp học Hạnh Phúc (hiện đang là biên tập viên trang thông tin điện tử Thành đoàn TP.HCM) - là người rất thích tham gia các lớp học về kỹ năng sống.

Từ việc đi học rồi cóp nhặt thêm kiến thức về kỹ năng sống trên sách báo, mạng Internet..., Thành quyết định mở lớp học Hạnh Phúc từ tháng 1-2015, như là một nơi để chia sẻ, hướng dẫn kỹ năng sống cho người trẻ.

“Chiêu sinh” qua trang fanpage của lớp, mỗi tháng tổ chức 1-2 lớp với hàng chục học viên/lớp, lớp học “di động” từ quán cà phê, quán trà sữa cho tới ghế đá công viên, một góc cửa hàng... và mang lại nhiều điều thú vị cho cuộc sống của người học lẫn người truyền đạt...

Học để tạo động lực tinh thần

Giữa cái nóng oi bức, khoảng 20 học viên tập hợp trong một căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn 20m2 trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) để cùng nghe giảng và thảo luận về chuyên đề “Thông minh cảm xúc - Thay đổi và tích cực hơn”. Đây là một buổi học dành cho những người 
đã đi làm.

Điều đặc biệt của lớp học Hạnh Phúc là không chỉ có sự tham gia của các bạn sinh viên đến từ nhiều trường ĐH trên địa bàn TP.HCM như: ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Tài chính - marketing, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Văn Hiến... mà còn có nhiều học viên đã đi làm, với mong muốn học hỏi các kỹ năng tạo động lực tinh thần và làm việc hiệu quả.

“Có rất nhiều bạn vừa đi học vừa đi làm, kiến thức của các bạn đôi khi không ứng dụng được trong cuộc sống, va chạm, mâu thuẫn... Nhiều bạn đi làm thêm ở bên ngoài bị người ta săm soi vào đời sống cá nhân mà không biết cách xử lý, phản ứng lại... Vì vậy, lớp học Hạnh Phúc xây dựng theo mô hình học - làm - trưởng thành và với hình thức đơn giản - dễ hiểu - hài hước” - Trần Lý Thành cho biết.

Trong buổi học, Thành đặt ra nhiều câu hỏi và tình huống để mọi người cùng thảo luận, rồi tìm cách giải quyết như: bạn biết gì về sơ đồ tư duy, dùng sơ đồ tư duy để lên kế hoạch phát triển bản thân, những cách vượt qua nỗi chán nản...

Đa số học viên đưa ra câu trả lời dựa theo kinh nghiệm thực tế của bản thân, có người còn thẳng thắn tâm sự rằng mình rất muốn làm việc theo kế hoạch đã định ra, nhưng không thể nào vượt qua được sự lười biếng của bản thân...

Sau đó, Thành tập hợp, sàng lọc ý kiến của các học viên, rồi đưa ra những bài học như: kỹ năng kiểm soát cảm xúc, tạo động lực tinh thần, xây dựng kế hoạch làm việc khoa học... Với cách chia sẻ hài hước và khoa học, Thành đã khiến cả lớp học liên tục phải ồ lên và bật cười thích thú.

Cuối buổi học, các học viên cùng nhau thực hành vẽ sơ đồ tư duy kế hoạch phát triển bản thân trong tương lai. Nhiều cung bậc cảm xúc từ do dự, bối rối không biết vẽ gì đến tự tin, hào hứng được thể hiện rõ trên gương mặt từng học viên.

“Mỗi ngày học là một ngày vui”

Cùng với việc dạy miễn phí, lớp học còn thu hút các bạn trẻ bởi chia sẻ nhiều kỹ năng hữu ích như: phát triển tư duy sáng tạo, truyền thông cộng đồng, xây dựng bản lĩnh của người trẻ... theo các chuyên đề thú vị như sáu mặt rubik sáng tạo, nhận diện cảm xúc, sáu liều thuốc tinh thần tạo động lực, kích hoạt năng lực làm việc nhóm...

Ngoài ra, lớp học hấp dẫn học viên bởi hình thức tương tác sáng tạo như: tạo ra các cuộc họp báo giả định; làm các dự án quảng cáo sản phẩm; đưa cả lớp học đến công viên, bờ sông, cánh đồng để mọi người cùng tìm hiểu thực tế tại chỗ...

Tham gia lớp học Hạnh Phúc từ khi còn học lớp 12, Phạm Thái Tiểu Mi - sinh viên năm 1 khoa công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ: “Từ khi học ở đây, tôi thấy bản thân thay đổi rất nhiều. Tôi biết suy nghĩ nhiều chiều và khác đi khi gặp một vấn đề nào đó, biết chuyển hóa cảm xúc từ bực tức sang bình tĩnh. Các kỹ năng học được còn giúp tôi rèn luyện phong cách thuyết trình trước đám đông, cách xử lý các sự cố...”.

Ngoài các chuyên đề về kỹ năng sống, lớp học Hạnh Phúc còn thường xuyên tổ chức những buổi chia sẻ về phương pháp học trên giảng đường, nhất là phương pháp học các môn đại cương, thu hút các bạn sinh viên.

“Nhiều bạn than với tôi học các môn đại cương khó quá, học hoài không hiểu, có bạn còn chia sẻ thẳng là “em chỉ học xong cho qua môn thôi”. Tôi phải tìm những phương pháp tiếp cận phù hợp để các bạn thấy được rằng các môn này rất thú vị và bổ ích” - Thành nói.

Với tiêu chí “kiến thức không phải để dành”, sau mỗi chuyên đề, các học viên sẽ phải áp dụng những kiến thức đã học để sáng tạo, xây dựng một chương trình vì cộng đồng và thực hiện chương trình đó trong vòng 14 ngày.

“Mỗi ngày tham gia lớp học này là một ngày vui. Lớp học mang lại cho tôi một nguồn năng lượng mới, vì các học viên ai cũng gần gũi và ham học hỏi, họ đã tạo động lực cho tôi vươn theo và nỗ lực phát triển bản thân mình hơn” - Nguyễn Hoàng Nhung, khoa văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ.

Lớp học Hạnh Phúc đã thực hiện nhiều chương trình vì cộng đồng có ý nghĩa như: tặng hoa cho các tài xế xe buýt trên địa bàn TP.HCM, gắn 500 miếng dán thông điệp về an toàn giao thông đằng sau xe của các tài xế xe ôm, xây dựng dự án bảo vệ và phát triển kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè...

Sắp tới, lớp sẽ khởi động lại chương trình tặng hoa cho 100 xe buýt trên địa bàn TP.HCM và tặng sách cho các học viên tích cực.

Ngoài ra, lớp còn xây dựng chương trình dành cho người nước ngoài mang tên “I love Hồ Chí Minh City” để giúp du khách hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Các học viên đã thiết kế những tấm bảng, slogan, tặng nón lá có vẽ các biểu tượng của TP.HCM và giới thiệu từng biểu tượng đó đến du khách nước ngoài.

PHƯƠNG NGUYỄN
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,659       1/940