Giáo dục

Chuyện mắt thấy tai nghe ở New Zealand

TTO - New Zealand xếp thứ 9 thế giới về chất lượng giáo dục - đào tạo. Đây là kết quả của những thay đổi cơ bản về hệ thống cách đây 25 năm tại nước này.

Học sinh Trường Macleans College trong giờ học vẽ - Ảnh: Minh Giảng
Học sinh Trường Macleans College trong giờ học vẽ - Ảnh: Minh Giảng

"Khung chuẩn chỉ quy định ở lớp này cần đạt những kiến thức gì và căn cứ vào đó các trường chọn sách giáo khoa, giáo viên thiết kế bài giảng để dạy sao cho học sinh đạt được những chuẩn đó, chứ không có một bộ sách giáo khoa chung cho tất cả các trường

Ông Byron bentley (hiệu trưởng Trường Macleans)
Đang tải audio...
""

Chúng tôi đến Trường Macleans College (TP Auckland, New Zealand) vào khoảng 8g30 sáng. Chuông reo, học sinh từ các phòng học mang balô đựng đồ dùng học tập đổ ra sân. Học sinh không giải lao mà đang đến phòng học khác để tiếp tục học môn tiếp theo.

Ở đây, giáo viên không di chuyển. Mỗi giáo viên phụ trách môn học có phòng cố định, học sinh sẽ đến phòng có giáo viên phụ trách môn học mà mình đăng ký để học.

Chơi mà học

Trường có tám ngôi nhà lớn, bao gồm nhiều phòng học trong đó. Mỗi nhà như vậy có 300 - 400 học sinh. Học sinh lớp 9 và lớp 10 chỉ học cố định tại nhà mình được phân, từ lớp 11 học sinh sẽ phải di chuyển đến phòng của giáo viên để học những môn mình đã đăng ký.

Mỗi nhà đều có một nhóm trưởng nhà, có màu cờ sắc áo riêng, tổ chức các hoạt động xã hội và thi đua với các nhà khác. Nhiều trường phổ thông khác cũng tổ chức lớp học theo mô hình này.

Ngoài tám ngôi nhà này, trường còn có nhiều khu vực học tập khác nhau. Khu nhà học các môn khoa học, khu học các môn kỹ thuật, khu âm nhạc...

Ở khu nhà nghệ thuật, một nhóm học sinh say sưa vẽ, dán tranh theo đề bài cho sẵn. Ở một góc khác, nhiều học sinh đang luyện đàn.

Tại khu học kỹ thuật, một nhóm học sinh lớp 12 đang thực hiện bản vẽ thiết kế cho một mẫu đèn chiếu sáng.

Nhóm phải làm việc tập thể, thảo luận, đưa ra ý tưởng, vẽ ý tưởng trên giấy sau đó mô phỏng trên máy tính. Từ mô hình này, học sinh sử dụng các máy cắt, tạo khuôn mẫu, hàn... để chế tạo ra một cái đèn thật sự. Giáo viên chỉ đứng quan sát và trả lời những thắc mắc của học sinh.

Đây là một môn học tự chọn, những học sinh cảm thấy thích thú có thể chọn đi học nghề sau khi hoàn thành chương trình phổ thông hoặc vào ĐH các ngành kỹ thuật.

Theo chương trình bậc phổ thông của New Zealand, học sinh lớp 10 sẽ học tám môn, từ lớp 11 học sinh sẽ chỉ phải học sáu môn theo định hướng ngành mình muốn học ĐH sau này (học sinh tự chọn môn học).

Lê Hồng Mai, một học sinh Việt Nam sang New Zealand du học từ lớp 9, cho biết tại Việt Nam chương trình học khá nặng, nhiều môn học. Ở đây chương trình phổ thông được tự chọn sáu môn học nên khá nhẹ và ít áp lực tuy khối lượng bài không phải là ít, bài vở giải quyết hết ở trường và không phải đi học thêm.

Chị Bùi Lê Diễm Trang đang làm nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ tại ĐH Victoria (thủ đô Wellington) vừa đưa con qua để học tiếp lớp 7 (ở Việt Nam cũng đang học lớp 7) cách đây hai tháng.

“Ở Việt Nam, con học nhưng cha mẹ cũng chịu áp lực theo, áp lực điểm số, học xong phải đi học thêm, phải kèm con học mỗi đêm. Cha mẹ và con cái ít nói chuyện với nhau. Từ ngày con tôi sang đây, ngày nào về cháu cũng kể chuyện ở trường, mẹ con nói chuyện với nhau nhiều hơn, tôi cũng không phải dạy con học mỗi đêm” - chị Trang nói.

Tương tự, chị Phạm Thị Nguyệt Ái cho biết con chị đang học lớp 7 ở thành phố Hamilton, New Zealand. “Chương trình học có nhiều môn có vẻ như là chơi nhưng học sinh được học rất nhiều như kỹ năng giao tiếp xã hội, phân tích, tổng hợp. Ở Việt Nam chương trình giáo dục thường chú trọng kiến thức hơn là các hoạt động vui chơi giáo dục kỹ năng cho học sinh. Trường dạy nhiều môn nghệ thuật và họ mời phụ huynh tham gia các lớp học này để biết học sinh học thế nào” - chị cho biết.

Giáo viên tự soạn 
giáo trình

Chia sẻ về mô hình giáo dục này, ông Steven Joyce, bộ trưởng Bộ Giáo dục ĐH - kỹ năng và việc làm New Zealand, cho rằng một trong những yếu tố nòng cốt của một quốc gia vững mạnh chính là đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ truyền tri thức, chương trình đào tạo, các giá trị chung và giá trị bằng cấp cũng như các chính sách và bộ máy quản lý của quốc gia đó.

“Những cố gắng của chúng tôi trong xây dựng hệ thống giáo dục nước nhà hiện tại là hiệu quả từ những cải cách khởi nguồn từ 25 năm trước với dự án Trường học tương lai.

Những trọng điểm của dự án cải cách này bao gồm: tăng quyền tự chủ cho hiệu trưởng và giảng viên, khung đánh giá trách nhiệm chặt chẽ hơn, xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc gia, tăng cường sự tham gia của phụ huynh trong các trường học và cuối cùng là cải tiến các lớp học.

Hệ thống giáo dục New Zealand luôn khuyến khích ban lãnh đạo chủ động tìm hướng giải quyết cho những nhu cầu phát sinh để phục vụ cho định hướng phát triển riêng biệt của đơn vị” - ông Steven Joyce nói.

Phó hiệu trưởng một trường phổ thông nói rằng tuy có khung chương trình chuẩn đòi hỏi học sinh phải đạt được những kiến thức nhất định nhưng các trường tự chủ trong chương trình đã giúp mỗi trường xây dựng chương trình phù hợp nhất cho mình.

“Trường có thể chọn sách giáo khoa để giảng dạy. Bên cạnh đó, giáo viên được tự xây dựng chương trình giảng dạy sao cho phù hợp nhất với học sinh căn cứ trên khung chuẩn quốc gia. Họ là người gần gũi, biết học sinh của mình cần những kiến thức và kỹ năng nào” - bà nói thêm.

Thích ứng với cách học mới

Không chỉ bậc phổ thông, phương pháp đào tạo ở bậc ĐH và sau ĐH ở các trường ĐH New Zealand cũng khác Việt Nam.

Mai Thị Thanh Chung - đang học thạc sĩ tại ĐH Waikato - cho biết ở đây học viên phải tự đọc, đọc rất nhiều tài liệu theo chỉ định của giảng viên khi bắt đầu môn học. Sinh viên phải thảo luận và trao đổi rất nhiều trên lớp, có thể đặt câu hỏi bất kỳ lúc nào.

Nhiều khi giảng viên sử dụng Facebook để giảng dạy. Những câu hỏi tình huống được đưa lên Facebook để sinh viên thảo luận, người nào có ý kiến hay nhất sẽ được cộng điểm. Có nhiều chủ đề thảo luận như thế trong một buổi học.

“Trước đây mình nghĩ những gì viết trong giáo trình đều đúng. Tuy nhiên ở đây không có khái niệm cái gì đúng hoàn toàn hoặc sai hoàn toàn. Họ dạy sinh viên về tư duy phản biện, tranh luận tạo ra cái nhìn đa chiều về một vấn đề. Không có câu trả lời đúng, chẳng có câu trả lời sai, quan trọng là mình có đủ lập luận để bảo vệ quan điểm của mình” - Chung nói thêm.

Trong khi đó, anh Revindo Mohamad - nghiên cứu sinh người Indonesia - chia sẻ: ở Indonesia, giảng viên cứ nói và sinh viên nghe một chiều, ít có sự trao đổi trên giảng đường.

Ở đây sinh viên hỏi rất nhiều, giảng viên trả lời xong họ lại hỏi sâu hơn về việc ứng dụng vào cuộc sống thế nào. Sinh viên châu Á thường giỏi toán nhưng các vấn đề sáng tạo, tư duy phản biện lại không bằng sinh viên bản địa.

“Trong cuộc đời có nhiều bước. Ở những công việc bình thường, nếu tính toán giỏi sẽ tốt hơn. Nếu làm công tác quản lý, đòi hỏi phải có sự sáng tạo, tư duy phản biện. Quan trọng là chúng ta chọn hướng đi nào để có sự thay đổi phù hợp” - anh bày tỏ.

MINH GIẢNG (minhgiang@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,740       3/1,114