Giáo dục

Tính khả thi là tiêu chí quan trọng nhất

TTO - Đó là chia sẻ của tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long - khi nói về chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” vừa được chính thức phát động.

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Ảnh: T.L.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Ảnh: T.L.

Ông cho biết: Giáo dục luôn là vấn đề trọng đại đối với một quốc gia, một dân tộc. Nền giáo dục nước ta đang đứng trước đòi hỏi phải thay đổi, rất cần đến trí tuệ và tâm huyết của trí thức trẻ. Cách thiết thực nhất mà trí thức trẻ có thể đóng góp cho giáo dục chính là thông qua hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế.

Xuất phát từ thực tế đó, Thiên Long và ba đơn vị tổ chức đã cùng suy nghĩ, bàn bạc để cho ra đời chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”. Hi vọng chương trình sẽ tạo cho trí thức trẻ những cơ hội để thể hiện tài năng và sự cống hiến vì sự phát triển của nền giáo dục VN.

Niềm tin vào thế hệ trẻ, đặc biệt trí thức trẻ, giúp ban tổ chức kỳ vọng rằng chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” sẽ tồn tại lâu dài với những đóng góp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của trí thức trẻ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

* Đâu là tiêu chí mà ban tổ chức cho là quan trọng nhất trong các tác phẩm dự thi “Tri thức trẻ vì giáo dục”? Tại sao?

- Chúng tôi dựa vào hai tiêu chí quan trọng để quyết định chất lượng một tác phẩm dự thi. Đó là tính mới và tính khả thi. Trong đó tính khả thi là tiêu chí quan trọng nhất. Tính khả thi sẽ được xem xét ở hai khía cạnh là khả năng ứng dụng và khả năng nhân rộng của công trình.

Khi đưa tính khả thi lên thành tiêu chí quan trọng nhất, chúng tôi mong muốn chương trình sẽ đóng góp cho nền giáo dục những công trình có giá trị thực tiễn và được triển khai, nhân rộng một cách thuận tiện và dễ dàng.

* Vì sao Thiên Long quyết định đồng hành cùng Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT và báo Tuổi Trẻ trong chương trình này?

- Theo tôi, sự thành công của chương trình phụ thuộc rất lớn vào định hướng đúng đắn và cách thức tổ chức bài bản. Trung ương Đoàn sẽ tác động tích cực đến lực lượng thanh niên, đặc biệt thầy cô giáo trẻ và khuyến khích họ đầu tư nghiên cứu, sáng tạo cho giáo dục.

Với tư cách là đơn vị trong ngành, Bộ GD-ĐT hiểu rõ những yêu cầu cấp bách và quan trọng trong công tác giáo dục hiện nay để từ đó khơi dậy nguồn sáng tạo từ các nhà giáo trẻ.

Về mặt truyền thông, báo Tuổi Trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo độ lan tỏa của chương trình và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng, đặc biệt từ những người có tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Từ đó hi vọng “Tri thức trẻ vì giáo dục” sớm nhận được sự ủng hộ của các ban ngành, có thêm nhiều nguồn lực từ xã hội và niềm tin của cộng đồng về một nền giáo dục tốt đẹp trong một tương lai không xa.

* Nếu có những sáng kiến tốt để phục vụ công tác giảng dạy tốt hơn, ban tổ chức có sẵn sàng đồng hành với những sáng 
kiến ấy?

- “Tri thức trẻ vì giáo dục” đóng vai trò là cầu nối để tìm kiếm các ý tưởng mới và hay cho nền giáo dục. Mỗi năm, ban tổ chức sẽ lựa chọn và đưa ra những công trình, sáng kiến... có giá trị cao nhất để ứng dụng, nhân rộng trong thực tế.

Ngoài sự sẵn sàng đồng hành của ban tổ chức với những công trình, sáng kiến phù hợp, chúng tôi cũng rất cần đến sự chung tay góp sức của nhiều ban, ngành và nguồn lực xã hội để những tâm huyết và trí lực của các trí thức trẻ đặt vào các công trình không bị lãng phí.

Tiết học của lớp 12D5 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) với mô hình “Lớp học đảo ngược”, luyện kỹ năng quản lý cho học sinh của giáo viên nhà trường - Ảnh: N.Hùng
Tiết học của lớp 12D5 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) với mô hình “Lớp học đảo ngược”, luyện kỹ năng quản lý cho học sinh của giáo viên nhà trường - Ảnh: N.Hùng

Chương trình là niềm khích lệ lớn

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” là sự khích lệ rất lớn đối với giáo viên trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy. Vì vậy, có thể hi vọng “Tri thức trẻ vì giáo dục” sẽ đóng vai trò chắp cánh những đam mê của giáo viên trở thành hiện thực.

Ban tổ chức chương trình nên liên lạc hoặc làm việc với lãnh đạo các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, ban giám hiệu các trường để thông báo và động viên giáo viên tích cực tham gia. Ngoài ra, nếu những sáng kiến, sáng tạo của giáo viên thiết thực và hiệu quả thì chính sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT và ban giám hiệu các trường sẽ giúp chúng lan tỏa, áp dụng ở nhiều trường, nhiều lớp...

ĐỖ ĐỨC ANH (giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân,TP.HCM)

Có ý nghĩa với sự nghiệp giáo dục

Về mặt chủ trương, “Tri thức trẻ vì giáo dục” rất có ý nghĩa. Giải thưởng của chương trình cũng rất lớn: 100 triệu đồng/giải thưởng sẽ là sự ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng cho những người tâm huyết với giáo dục.

Tôi mong ban tổ chức chương trình cần có kế hoạch cụ thể về việc thẩm định các công trình, sáng kiến... Cần quy định những loại sản phẩm thuộc phạm vi cuộc thi (những công cụ, phần mềm, trang web... phục vụ học tập; những sáng kiến hoặc hoạt động đặc biệt thay đổi hiệu quả dạy học); thiết kế một trang web riêng để người tham dự nộp video mô tả, đồng bộ lên YouTube và đồng thời trả lại link YouTube của video cho người dự thi để kêu gọi bầu chọn.

Việc bầu chọn này về mặt tinh thần sẽ là một làn sóng kêu gọi phát huy sáng tạo trong giáo dục.

Ngoài ra cần lựa chọn giám khảo có chuyên môn cao, năng động, tư duy mở và có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, đa vùng miền, đa lĩnh vực. Mỗi sản phẩm nên đưa ra lấy ý kiến chung từ cộng đồng, bởi đánh giá đa chiều là một biện pháp đánh giá khách quan quan trọng.

Nên có tổ chức triển lãm để các đối tượng thụ hưởng sáng kiến kiểm chứng tính hữu dụng của sản phẩm, đồng thời là tiền đề cho sự sáng tạo của những kỳ thi sau...

TÔ THỤY DIỄM QUYÊN 
(chuyên viên phát triển giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM, giám khảo tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu 2015, Mỹ)

H.HG. ghi

PHÚC NGUYÊN thực hiện
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  209,893       47/1,410