Giáo dục

Tiến sĩ thể thao - luận án cất vào hộc tủ!

TTO - “Mấy hôm nay dư luận sốt xình xịch về chuyện tiến sĩ dỏm tràn lan ở nước ta. Tuy nhiên mọi người chỉ mới tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội, trong khi đó thể thao cũng lắm chuyện” - một HLV bóng chuyền đã nói với tôi như thế.

Gương mặt thiểu não của các tuyển thủ Việt Nam khi thua Thái Lan ở vòng loại World Cup. Một nền bóng đá có nhiều tiến sĩ bóng đá, nhưng cứ mãi thua một nước không có tiến sĩ bóng đá! - Ảnh: N.K.
Gương mặt thiểu não của các tuyển thủ Việt Nam khi thua Thái Lan ở vòng loại World Cup. Một nền bóng đá có nhiều tiến sĩ bóng đá, nhưng cứ mãi thua một nước không có tiến sĩ bóng đá! - Ảnh: N.K.
“Trong khu vực Đông Nam Á có nước nào có tiến sĩ bóng đá không? Xin lỗi, chỉ có Việt Nam mình có thôi và tớ là một trong số các tiến sĩ bóng đá tốt nghiệp ở Liên Xô (cũ) đấy
Một quan chức thể thao Việt Nam

Vâng, lời nhắc nhở của vị HLV bóng chuyền làm tôi chợt nhớ đến hai câu chuyện. Thứ nhất, đó là tuyên bố xanh rờn của một quan chức thể thao trong lĩnh vực bóng đá.

Ông này nói trước đông đảo nhà báo rằng: “Các cậu thử tìm hiểu xem trong khu vực Đông Nam Á có nước nào có tiến sĩ bóng đá không? Xin lỗi, chỉ có Việt Nam mình có thôi và tớ là một trong số các tiến sĩ bóng đá tốt nghiệp ở Liên Xô (cũ) đấy!”.

Cũng liên quan đến chuyện tiến sĩ bóng đá, cả làng bóng Việt Nam ai cũng biết câu chuyện một vị quan chức thể thao có bằng này, nhưng hồi trẻ ông đi du học Liên Xô (cũ) ở lĩnh vực thể dục.

Tuy nhiên qua bên ấy mới thấy học thể dục buồn quá vì chẳng có mấy bạn bè người Việt. Thế là ông bèn năn nỉ các đồng hương đang học lớp bóng đá bố trí xin chuyển lớp.

Các thầy hồi ấy thương sinh viên người Việt lắm nên cũng đồng ý, miễn là người chuyển lớp phải biết đá bóng.

Người kể câu chuyện này cho tôi nghe là một cựu danh thủ bóng đá miền Bắc đã cười ngặt nghẽo nhớ lại: “Trời ơi, cậu ấy chẳng biết đá bóng một chút nào cả. Thế là bọn tôi phải tả xung hữu đột dàn xếp để chuyền cho cậu ấy và chỉ cần chạm chân vào bóng là ghi bàn. Phải làm đến mấy lần như vậy thì cậu ấy mới có được một lần đá trúng bóng để ghi bàn! Thế là vào lớp bóng đá, học dần lên rồi lấy tiến sĩ chuyên ngành bóng đá và sau này trở thành một trong những nhà vạch kế hoạch cho bóng đá Việt. Tai hại như thế đấy...”.

Chuyện thứ hai là một ông tiến sĩ chuyên ngành bóng ném ở một thành phố lớn. Dân chơi bóng ném vẫn cười đùa và lan truyền câu chuyện thế này: Khi thành phố chưa có tiến sĩ bóng ném, môn này dẫn đầu quốc gia. Nhưng từ sau khi có tiến sĩ bóng ném thì phong trào ngày càng đi xuống và đội tuyển từ thua đến thua!

Theo lời khuyên của mọi người, tôi vào trang web của Viện Nghiên cứu khoa học TDTT tìm hiểu về chuyện tiến sĩ thể thao thì mới giật mình. Đề tài làm luận án tiến sĩ nhiều nhất là lĩnh vực giáo dục thể chất.

Có đề tài thì khảo sát một địa phương (như “Nghiên cứu sự phát triển thể chất của học sinh nữ tiểu học từ 7-11 tuổi ở TP.HCM", “Nghiên cứu đặc điểm phát triển thể chất và nhu cầu hoạt động TDTT của học sinh các dân tộc lứa tuổi 11-14 ở An Giang”), có đề tài chỉ khảo sát ở một trường (“Nghiên cứu xây dựng chuẩn mực đánh giá trình độ chuẩn bị thể lực của sinh viên Đại học Huế” ), có đề tài mang tính toàn quốc (“Nghiên cứu nâng cao năng lực thể chất của học sinh trung học cơ sở 12-15 tuổi”)...

Nói chung là rất phong phú. Nhưng nhìn lại thực tế thì chuyện giáo dục thể chất vẫn là một vấn đề gây nhức nhối, nhiều yếu kém, dẫn đến việc học sinh - sinh viên Việt Nam ngày càng yếu về thể lực.

Ở môn bóng chuyền cũng có nhiều đề tài được chọn làm luận án tiến sĩ. Ví dụ như đề tài phân tích cú nhảy phát bóng - nhảy chuyền bóng, hay như chuyện huấn luyện VĐV bóng chuyền từ tuổi 12-13...

Nhưng nhìn vào thực tế thì Thái Lan chẳng có tiến sĩ bóng chuyền nào, nhưng đội tuyển nữ của họ xếp hạng 12 thế giới, còn ta có rất nhiều tiến sĩ thì tít ở phía sau.

Ở môn bơi lội cũng có nhiều tiến sĩ, nhưng tay bơi thành công nhất từ xưa đến nay Nguyễn Thị Ánh Viên thì phải đưa qua Mỹ mới phát triển được tài năng!

Chưa hết, một chuyên gia bóng đá còn chỉ cho tôi xem một luận án tiến sĩ mang tên “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp xoa bóp kết hợp điện từ trường để hồi phục cho vận động viên bóng đá”. Trong khi đó, vấn đề hồi phục thể lực là chuyện yếu kém nhất của các cầu thủ Việt Nam từ cấp CLB đến đội tuyển!

Xin đừng nghĩ câu chuyện lạm phát tiến sĩ trong thể thao là vô hại. Trước hết, nó cũng là một sự lãng phí khi sẽ phải trả lương cho tiến sĩ cao hơn cử nhân, cao hơn chuyên gia giỏi nhưng không có bằng cấp.

Chưa kể sự lãng phí còn nằm ở chỗ các trường đại học TDTT cũng phải tiêu tốn thời gian, vật chất cho việc đào tạo những tiến sĩ không có giá trị gì cho phát triển thành tích (với thể thao đỉnh cao), sức khỏe con người (giáo dục thể chất) và cả khoa học thể thao. Để rồi những luận án tiến sĩ ấy được cất vào hộc tủ.

Thứ hai, nó tạo nên một sự ảo tưởng phù phiếm, kiểu “Đông Nam Á chẳng có nước nào có tiến sĩ bóng đá”, gây mất niềm tin cho người hâm mộ, VĐV, HLV...

HUY THỌ (huytho@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,826       2/1,031