Giáo dục

Cổ xúy tấm bằng khen: Có phải lỗi do giáo viên?

TTO - Không hiểu sao cứ đến cuối năm học tôi lại thấy hoang mang, chán nản và bất lực khi hằng năm tỉ lệ học sinh giỏi, tiên tiến trong trường tăng dần đều...

nop

Trường kiểm tra, thi tập trung mà học sinh điểm thấp thì sẽ tổ chức thi lại hoặc cộng thêm điểm. Những khi ấy, tôi thấy tiếng nói của mình nhỏ quá, cô độc quá. Tôi hằng ngày đứng lớp dạy các em những bài học không chỉ có trong sách vở nhưng vẫn thấy bất lực, đơn độc...

Tôi không muốn nói đến chuyện quá nhiều học sinh giỏi nữa, mà tôi muốn đề cập đến khía cạnh giáo viên và cả phụ huynh đều đang cổ xúy những tấm giấy khen.

Giáo viên chúng tôi cũng day dứt mỗi khi lập danh sách khen thưởng cho học trò, cũng bất bình với những trào lưu giấy khen. Nhưng lên tiếng thì bị phê bình nên đành im lặng. Để rồi tôi cảm thấy dường như sự im lặng chấp nhận cũng giống như thỏa hiệp, đồng tình.

Thầy cô giáo vì nhiều lý do nên cứ im lặng, năm này nối tiếp năm kia, thấy sai mà không dám sửa, rồi cũng thôi. Thấy lớp khác nhiều giấy khen nên cũng phải chạy đua vì danh dự. Biết nhiều học sinh trung bình nhưng vẫn phải nâng lên. Biết bao tâm huyết sư phạm bị đánh rơi. Cứ như vậy giáo viên im lặng làm theo, dần dần thành thỏa hiệp.

Trong khi đó nhiều cái cơ bản, kỹ năng sống cho các em lại bị phụ huynh cho là môn phụ, không quan trọng. Các bậc mẹ cha hướng con cái tới cái đích đỗ đại học, là những tấm giấy khen học sinh giỏi.

Không có sự sàng lọc, không có ranh giới rõ ràng giữa giỏi và chưa giỏi khiến nhận thức của các em cũng như mẹ cha bị lệch lạc, để rồi từ đó các em không có được một hướng đi đúng đắn trong tương lai.

Thế nên những học sinh giỏi thật sự đến những bạn có năng lực kém vẫn khao khát vào giảng đường đại học để rồi thất nghiệp nhan nhản như một hệ lụy được báo trước.

Thực tế hiện nay thầy cô giáo thỏa hiệp, nâng điểm cho học trò cho đẹp với mặt bằng chung. Phần lớn phụ huynh im lặng, thậm chí chủ động đón nhận con mình đạt học sinh giỏi mặc dù biết không thực chất.

Chính vì xã hội như thế, thầy cô giáo thỏa hiệp, phụ huynh cũng thỏa hiệp công nhận những tấm giấy khen như những gọng kìm kẹp chặt các em vào vòng giả dối.

Cuối mỗi học kỳ, nhiều khi tôi thấy dằn vặt bởi không thể đánh giá các em đúng nhất, trung thực nhất. Có lần tôi đã buộc cho một học sinh ở lại lớp, ngoài việc tôi phải nhận những lời dè bỉu, cả những ánh mắt không đồng tình của không ít đồng nghiệp. Khi ấy, tôi không biết mình làm trọng trách của một người cầm phấn như vậy đã đúng chưa.

Rồi tôi còn có thể làm gì ngoài việc sẽ buông xuôi?

ÁI LINH
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,719       3/1,180