TTO - Ở phường 5, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) có một lớp học rất đặc biệt, bởi thầy cô đứng lớp chuyên “giặm vá” những lỗ hổng kiến thức cho trò.
Một buổi học của lớp “giặm vá” - Ảnh: Minh Tâm |
“Việc bồi đắp những chỗ trũng kiến thức cho các em đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn bởi phần lớn các em đều mất căn bản tất cả các môn như yếu toán, viết sai chính tả, đọc còn lấp vấp. Được cái tuy lúc đầu các em không chịu học, nhưng dần sau đó thấy mọi người quan tâm tới mình nên đã thay đổi thái độ, trở nên rất chăm học. Nhờ đó các em tiến bộ thấy rõ |
Cô Nguyễn Thị Hoa |
Lớp học miễn phí được thành lập đến nay hơn hai năm, dạy lúc 18g vào các buổi thứ hai, tư và sáu trong tuần...
Tại trụ sở khóm 2, phường 5 (TP Vĩnh Long), khoảng 20 học sinh tiểu học được chia thành bốn nhóm. Mỗi nhóm có một người phụ trách giảng dạy.
Nhóm do cô Nguyễn Thị Hoa phụ trách có bốn em là học sinh lớp 2. Cô Hoa đang đọc chính tả bài “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Sau khi đọc xong, cô cho các em tự bắt lỗi chính tả của nhau rồi đưa cho cô chấm lại. Cô Hoa dạy kỹ bằng cách cắt nghĩa đến khi các em hiểu tường tận những từ dễ viết sai và nhầm lẫn trong bài.
Bàn cạnh bên, cô Nguyễn Thị Kim Hà đang dạy toán lớp 3 bài “Nhân số có bốn chữ số”. Trong khi dạy, cô phát hiện có em chưa thuộc bảng cửu chương 9 nên cô bắt ngồi viết bảng cửu chương ra và học tại chỗ, sau đó đọc cho cô nghe. Nếu vẫn chưa thuộc, cô bắt chép và học lại. Có em làm phép tính mà lọng cọng, không biết giữ số, cô cắt nghĩa và cho những dạng bài tập tương tự đến khi em thạo vấn đề mới thôi.
Giống như “phu giặm vá”
Ở góc khác, anh Lê Kim Hằng, phó bí thư Đoàn phường 5, đang dạy Dương Huy Hoàng bài “Đối đáp với vua”. Hoàng cứ đọc sai “Quát” thành “Quất” hoài, anh Hằng bắt Hoàng đánh vần ráp từng chữ rồi nối lại với nhau để đọc, tới khi đọc rõ ràng mới để Hoàng chuyển sang đọc đoạn khác.
Rồi tới hai từ “vùng vẫy” Hoàng lại đọc thành “dùng dẫy”. Hằng lại bắt em sửa lại. Cứ vậy, Hằng kiên nhẫn cùng trò đánh vật từng chữ đến khi em đọc trôi chảy, rành rọt cả bài. Anh Hằng tâm sự: “Em vừa mất căn bản lại ngọng nên mình phải chịu khó”.
Còn Lê Nguyễn Xuân Phương - đoàn viên phường 5 - phụ trách nhóm lớp 4 độ khoảng chục em. Phương đang cho các em đọc bài “Hơn một nghìn ngày vòng quanh Trái đất”. Cả nhóm đều rất chăm chú bởi sau khi bạn này đọc xong, Phương sẽ kêu bất cứ em nào hỏi lại xem bạn mình đọc sai từ nào và chỉnh lại cho bạn đọc đúng. Phần đọc xong, thầy Phương lại xoay sang hỏi những câu hỏi ôn bài...
Buổi học kết thúc sau gần một tiếng rưỡi giảng dạy. Ai nấy cũng đều nhễ nhại mồ hôi, nhưng gương mặt thầy cô đều hoan hỉ.
Cô Hà ví von: “Chúng tôi giống như người phu giặm vá đường đi “giặm vá” những lỗ hổng kiến thức cho các em. Hễ các em mất căn bản ở chỗ nào thì chúng tôi tìm cách “giặm vá”, “gia cố” ngay điểm đó đến khi nào các em hồi phục mới thôi”.
Chẳng hạn như Trần Ngô Thủy Tiên, lớp 4, cho biết em rất yếu môn toán và chính tả nhưng từ khi đến lớp học miễn phí này, được sự chỉ dạy tường tận của thầy cô khiến từ chỗ sợ môn toán và chính tả, Tiên trở nên thích học hai môn này.
Tiên cười vui: “Cũng nhờ có thầy cô nên chẳng những con theo kịp bạn bè cùng lớp mà còn được cô chủ nhiệm khen học khá nữa...”.
Lớp học cứ tăng dần
Lớp học này do bà Phạm Thị Hồng - chủ tịch Hội khuyến học phường 5 - nghĩ ra. Đối tượng mà bà Hồng nhắm đến là học sinh tiểu học nghèo trên địa bàn.
Nhiều em rời quê theo cha mẹ đến đây làm thuê sinh sống, cứ thay đổi địa điểm học liên tục. Cộng thêm người lớn cứ lo chạy gạo ngày hai bữa, còn tâm trí đâu nghĩ đến chuyện học của con. Rồi không ít trường hợp trẻ ham chơi hoặc tối dạ, mất căn bản nên học lực rất yếu. Một khi đã xảy ra tình trạng như vầy dễ sinh ra chán nản, bỏ học.
Sợ rằng số phận trẻ sẽ theo vòng luẩn quẩn nghèo - thất học như đời cha mẹ, nên bà Hồng bàn với Đoàn phường 5 và ông Huỳnh Văn Lộc - trưởng khóm 2 - lập ra lớp dạy miễn phí này để “giặm vá” những lỗ hổng kiến thức cho trẻ. Tất cả đều đồng ý bởi nghĩ một khi kiến thức căn bản nền tiểu học cứng rồi, lên lớp trên có đà căn bản không sợ gì nữa...
Bà Hồng vận động được ba giáo viên đang dạy tại các trường tiểu học và một giáo viên đã về hưu tham gia dạy miễn phí. Cạnh đó, anh Hằng huy động lực lượng đoàn viên phường 5, ưu tiên người có năng khiếu sư phạm, đến các trường tiểu học nhờ thầy cô giáo truyền kinh nghiệm để dạy các em một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Khâu kế đến, cả nhóm đi vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Nghe ý định trên, nhiều phụ huynh mừng đến rơi nước mắt. Nhưng cũng có người thẳng thừng từ chối bởi nghĩ làm theo phong trào dạy dăm ngày rồi cũng “dẹp tiệm”.
Tuy nhiên khi thấy con mình chẳng những học khá lên mà còn bắt đầu lễ phép dạ thưa nên họ bắt đầu thay đổi suy nghĩ, mỗi tối đều dành thời gian đưa rước con đến lớp học nghĩa tình này...
Bà Lê Thị Hên - mẹ em Nguyễn Tấn Lộc, phường 5 - bộc bạch: “Con học yếu ngay từ hồi lớp 1 nhưng vợ chồng tui không biết làm cách nào để cải thiện tình hình này. Bởi suốt ngày chúng tôi phải đi rửa chén thuê, chạy bàn, tối về đuối sức, còn đâu tâm trí dạy con. Mà muốn dạy, kiểm tra chuyện học của con cũng khó bởi cả hai đều dốt đặc.
Thời may nghe có lớp học này, chúng tôi gửi con vào học. Thằng nhỏ học được nửa năm, họp phụ huynh không nghe cô chủ nhiệm “mắng vốn” nữa, mà còn nghe khen dạo này con tiến bộ trong việc học. Vợ chồng tui mừng dữ lắm. Thiệt mang ơn mấy thầy cô hết sức...”.
Cứ vậy hơn hai năm nay, ngày nào các thầy cô cũng cần mẫn, khắc phục từng chút, từng chút cho các em có được một mặt nền kiến thức vững chắc để từ đó các em tiếp tục xây cao những tầng kiến thức khác... Và tiếng đồn về lớp học “giặm vá” lỗ hổng kiến thức lan nhanh khiến phụ huynh đã tìm đến xin cho con em vào học nên sĩ số lớp học cứ tăng dần, từ mười mấy em đã vọt lên hơn 22 em... |