Giáo dục

Sinh viên bỏ học do chọn sai ngành

TTO - Nhiều trường ĐH công bố danh sách hàng ngàn sinh viên thuộc diện buộc thôi học và bị cảnh báo học vụ.

Thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ ngành học để chọn được ngành phù hợp với mình. Trong ảnh: PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - tư vấn cho học sinh trong chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016 - Ảnh: Trần Huỳnh
Thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ ngành học để chọn được ngành phù hợp với mình. Trong ảnh: PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - tư vấn cho học sinh trong chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016 - Ảnh: Trần Huỳnh

Đây là những sinh viên có điểm trung bình chung tích lũy quá thấp, không đủ điều kiện tiếp tục theo học.

Mới đây, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến buộc thôi học hơn 600 sinh viên. Đây là số sinh viên bị buộc thôi học cao nhất của trường này trong nhiều năm qua.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã công bố danh sách gần 130 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học từ học kỳ 2 năm học 2015-2016 vì tự ý bỏ học, điểm trung bình tích lũy là 0.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM công bố danh sách 422 sinh viên bị đề nghị xóa tên do quá thời hạn đào tạo và 353 sinh viên tự ý bỏ học không lý do trong học kỳ 1 năm học 2015-2016.

Ông Huỳnh Công Ba, trưởng phòng công tác chính trị - học sinh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết phần lớn số sinh viên trong danh sách dự kiến bị buộc thôi học đã bỏ học thời gian dài và sang học ở trường khác.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng cho rằng thực trạng trên là hậu quả của việc cho thí sinh đăng ký nhiều ngành trong những năm gần đây.

“Những trường hợp sinh viên học không nổi dẫn đến bị đuổi chủ yếu do đăng ký ngành mà... cha mẹ yêu thích” - ông Dũng nhận định.

Trước khi chọn ngành, chọn trường thí sinh cần phải cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ để chọn được ngành đúng sở thích, phù hợp với năng lực. Nếu chọn ngành nghề theo mong muốn của cha mẹ, phó mặc cho may rủi, không đam mê, không theo năng lực bản thân... các em sẽ tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc

TS LÊ THỊ THANH MAI (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Chán nản do học ngành “dự phòng”

P.H.P. - sinh viên ngành quốc tế học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, là một trong số các sinh viên “thuộc diện buộc thôi học” - cho biết trước đây P. đăng ký nguyện vọng 1 là ngành sư phạm tiếng Anh, nguyện vọng 2 là ngành quốc tế học để “dự phòng”. Cuối cùng P. chỉ đủ điểm đậu nguyện vọng 2.

“Khi đăng ký nguyện vọng bổ sung vào ngành quốc tế, mình thật sự không biết đó là ngành gì. Mình nghĩ ngành quốc tế học sẽ học những kiến thức giống ngành ngôn ngữ Anh nên đăng ký đại... nhưng đến khi vô học mới biết không phải thế. Chính vì vậy mình cảm thấy chán nản vô cùng, không muốn học nữa...”, P. cho biết.

Còn T.T.N., sinh viên năm 3 ngành sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bị cảnh báo học vụ, tâm sự: “Tôi cảm thấy mình rất không phù hợp với ngành này. Đây chỉ là điều mà gia đình tôi mong muốn”. T.T.N. cho biết thêm từ năm 1 đến giờ, mỗi khi N. đề cập đến vấn đề bảo lưu hay thi lại ngành khác, mẹ N. lại nói “cứ học, phải lấy được bằng ĐH đi rồi muốn làm gì thì làm”.

“Tôi thích cái đẹp, khả năng sáng tạo và tưởng tượng tốt, luôn muốn tìm một ngành nghề phù hợp khiếu thẩm mỹ cao như thiết kế, đồ họa... Tuy nhiên, gia đình tôi lại muốn tôi trở thành cô giáo dạy tiếng Anh” - N. chán nản nói.

Bạn L.T.B.T. cho biết đã chọn thi đại vào Trường ĐH Luật TP.HCM, tuy nhiên lại không đủ điểm đậu nguyện vọng 1. Lúc đó, gia đình định hướng T. theo học về môi trường để sau này ra trường dễ nhờ cậy người quen xin việc, nên T. đăng ký nguyện vọng bổ sung vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và trúng tuyển vào một ngành học liên quan đến môi trường.

Tuy nhiên do cảm thấy không phù hợp, chán nản với ngành học nên T. quyết định bảo lưu rồi nghỉ hẳn (không thông báo lý do nghỉ học với nhà trường).

Sau đó, T. xin phép gia đình chuyển sang thi một ngành khác. Trong năm đó, T. thi đậu vào ngành kế toán của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bắt đầu lại từ đầu.

“Tôi cảm thấy không hối tiếc với quyết định của mình. Ngành học hiện nay giúp tôi thoải mái và phù hợp với năng lực của mình hơn” - T. chia sẻ thêm.

Bỏ tất cả để làm lại

Đến nay, N.P.T. đã học năm cuối ngành Việt Nam học (chuyên ngành hướng dẫn du lịch) Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Gặp chúng tôi trong thời điểm cuối đợt thực tập tốt nghiệp, N.P.T. chia sẻ: “Còn mấy tháng nữa là xong rồi. Mình cố gắng học hành cho tử tế để có tấm bằng ĐH, không bỏ phí thời gian nữa”.

Ngày trước, cậu học trò Trường THPT chuyên Quốc học Huế N.P.T thấy mình học cũng tốt các môn khối A (toán, lý, hóa) và nghe mọi người nói nghề kỹ sư xây dựng cầu đường đang là ngành “hot”, nên nộp hồ sơ thi vào Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở II tại TP.HCM.

Nhưng ngay từ học kỳ 1 năm học đầu tiên ngồi trên ghế giảng đường ĐH, N.P.T. đã chợt nhận ra mình không hề yêu thích và cũng không hợp với ngành học này. Những môn học về kỹ thuật với đầy con số, công thức tính toán khô khan đã khiến N.P.T. luôn cảm thấy mệt mỏi.

Học kỳ nào N.P.T. cũng bị nợ môn và thi lại vài môn học. Bỏ bê chuyện học, anh sinh viên giao thông theo đuổi đam mê viết báo, được đi đây đi đó... Đến năm thứ ba, T. vẫn còn nợ đến tám môn học và chấp nhận chia tay giảng đường trường giao thông.

Một năm sau đó, T. tính thi lại vào ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhưng sau khi tham khảo điểm chuẩn của ngành này các năm trước, T. chuyển mục tiêu sang Trường CĐ Phát thanh - truyền hình. Năm đó, T. thi vào ngành Việt Nam học của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM để lấy kết quả xét tuyển vào trường CĐ nhưng đã bất ngờ trúng tuyển luôn.

“Sau khi tìm hiểu, mình biết được ngành Việt Nam học có chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Người thân, bạn bè khuyên ngành này cũng được đi nhiều nơi, phù hợp với sở thích... nên mình quyết định theo học luôn. Cũng may là khi theo học ngành này mình không còn thấy chán như hồi học ngành giao thông nữa” - N.P.T. tâm sự.

L.B.L. từng đậu cả khối A và khối B Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nhưng sau hai năm rưỡi theo học ngành công nghệ thông tin ở trường này, L.B.L. bất ngờ quyết định bỏ học để thi lại vào ngành địa lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Ba mẹ khuyên L. cố gắng theo học tiếp để có tấm bằng rồi chuyển trường khác, nhưng L. quả quyết rằng “thi đậu hay trượt cũng không học lại trường cũ”.

Giải thích về lý do đi đến quyết định nói trên, L. chia sẻ: “Một phần vì mình yêu thích và muốn tìm hiểu nhiều hơn về GIS (Geographic Information System - hệ thống thông tin địa lý). Một phần là trong thời gian học công nghệ thông tin, vì một số lý do cá nhân nên mình chểnh mảng việc học”.

Vượt qua giai đoạn khó khăn đó, L. hiện là sinh viên năm 2 khoa địa lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Việc học tập của L. hiện nay dần ổn định.

Làm gì khi chọn ngành sai?

Theo TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, chuyên gia hướng nghiệp: nếu phát hiện mình học ngành học không phù hợp với sở thích, năng lực, sinh viên nên gặp giáo viên chủ nhiệm, phòng đào tạo nhà trường trình bày nguyện vọng.

Hiện nay, nhiều trường ĐH đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, khi đó nhà trường sẽ xem xét cho sinh viên được chuyển ngành. Với cách này, sinh viên không phải làm lại từ đầu, mà được miễn một số môn đã học. Bên cạnh đó, một số trường có đào tạo văn bằng 2 hoặc cho phép sinh viên học song ngành.

Tuy nhiên, muốn học văn bằng 2 thì điều kiện bắt buộc là sinh viên phải học tốt ngành thứ nhất. Ngay năm học đầu tiên, sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo để xác định mình chọn ngành có phù hợp với năng lực, sở thích hay không để sớm đưa ra quyết định.

Trường hợp không thích học trường đó cũng cần quyết định ngay, đừng để kéo dài đến 2, 3 năm sau.

TRẦN HUỲNH - HẢI QUÂN (tranhuynh@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,713       4/1,190