Giáo dục

Phải dạy buổi thứ hai theo “thực đơn”

TTO - Bộ GD-ĐT đang khuyến khích mở rộng việc dạy học hai buổi/ngày, nhất là ở bậc tiểu học, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Một số học sinh tiểu học công lập ở quận Gò Vấp (TP.HCM) sau buổi học thứ hai trong các lớp bán trú vệ tinh do tư nhân tổ chức - Ảnh: M.Dung
Một số học sinh tiểu học công lập ở quận Gò Vấp (TP.HCM) sau buổi học thứ hai trong các lớp bán trú vệ tinh do tư nhân tổ chức - Ảnh: M.Dung

Xung quanh vấn đề dạy buổi thứ hai như thế nào cho hiệu quả, Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS Hồ Văn Hải, trưởng khoa giáo dục tiểu học ĐH Sài Gòn - nơi đang thực hiện việc dạy sinh viên sư phạm theo “thực đơn” - dạy theo kiểu đáp ứng nhu cầu của từng người học.

TS Hồ Văn Hải đánh giá:

- Hiện nay, đa số học sinh tiểu học tại các thành phố lớn đều học hai buổi/ngày. Nhưng nhìn nhận khách quan sẽ thấy dạy buổi thứ hai chỉ là tăng thời lượng, không tăng chất lượng, thậm chí làm suy giảm sức khỏe của học sinh vì buổi thứ hai vẫn chủ yếu “nhân” nội dung của buổi một lên.

Theo tôi, cần cấp bách tổ chức dạy học buổi thứ hai theo “thực đơn” để đáp ứng được nhu cầu thực tế của người học và người dạy.

TS Hồ Văn Hải - Ảnh: M.D.
TS Hồ Văn Hải - Ảnh: M.D.

Mệt mỏi với học buổi “nối dài”

* Hiện nay, các trường tiểu học ở TP.HCM đã có những câu lạc bộ ngoại khóa như cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, robotic... Đó có thể gọi là dạy học theo 
“thực đơn”?

- Đó vẫn chưa phải là dạy học theo “thực đơn”. Các môn ngoại khóa này vẫn chỉ là... ngoại khóa, còn nội dung học buổi thứ hai vẫn là kéo dài của buổi thứ nhất. Ở một số trường, ngoài việc giải quyết bài tập của buổi thứ nhất thì có thêm một chút “tăng cường tiếng Anh”.

Khi học buổi thứ hai kiểu này, không những học sinh mệt mỏi mà còn khiến nền giáo dục cứ luẩn quẩn, không phát triển được.

* Thưa ông, tại sao phải dạy buổi thứ hai theo “thực đơn”? Dạy học theo “thực đơn” là như thế nào?

- Dạy học theo “thực đơn” là dạy theo kiểu đáp ứng nhu cầu của từng học sinh bên cạnh nhu cầu chung của số đông. Cách triển khai rất dễ thực hiện: buổi thứ nhất là buổi học chung, dành cho số đông và buổi thứ hai dành cho cá nhân học sinh “gọi món” theo yêu cầu.

Vì sao cần phải dạy học theo “thực đơn” vào buổi thứ hai? Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn hỏi một điều rất cũ: học sinh học tiểu học để làm gì? Câu trả lời “số đông” là học tiểu học để lên THCS, học THCS để lên THPT và học THPT để lên ĐH.

Nếu như học sinh nào đó bị “gãy” một khúc trong bậc phổ thông hoặc không vào được ĐH thì gần như rơi vào ngõ cụt. Điều này có một phần nguyên nhân của việc dạy học chưa hướng tới nhu cầu cá nhân.

Có một thực tế là không phải tất cả học sinh đều có thể học được ĐH và học lên cao hơn. Còn một thực tế nữa là mỗi học sinh có thể có thế mạnh khác ngoài việc học toán, văn, ngoại ngữ... như năng khiếu thể thao, khéo tay, vẽ giỏi, múa hát tốt... Nên nhà trường cần phải đáp ứng được nhu cầu của người học, nhu cầu phát triển bản thân để phát triển xã hội.

Nói nôm na thì nhà trường không thể đào tạo học sinh tiểu học chỉ để lên THCS, THCS không chỉ để lên bậc THPT... mà phải đạt được cả việc một học sinh khi học xong một bậc học nào đó, nếu không học được lên cao hơn, bản thân em và gia đình phải biết được thế mạnh của bản thân, công việc phù hợp, để sau này làm người có ích cho xã hội.

Đó là lý do chính để tôi cho rằng buổi thứ hai ở các trường phổ thông (bắt đầu từ tiểu học) cần phải dạy theo “thực đơn”, không thể là sự kéo dài của buổi thứ nhất như hiện nay.

Được cả học sinh 
và giáo viên

* Vậy còn lý do nào khiến ông thấy cần thiết phải triển khai dạy theo “thực đơn” ở buổi thứ hai?

- Dạy học theo “thực đơn” với việc học sinh được chọn môn học, chọn giáo viên... không những đáp ứng nhu cầu người học mà còn kích thích được quá trình làm mới mình của giáo viên. Muốn được chọn, giáo viên phải nâng cao khả năng, trình độ của mình.

Giáo viên giỏi có đất dụng võ, thậm chí có điều kiện làm giàu. Đây chính là bước đột phá để người giỏi vào sư phạm.

Trường phổ thông công lập hiện đang có chất lượng đào tạo tốt, nhưng vẫn có khá nhiều trường hợp học sinh có điều kiện tìm đến các trường có yếu tố quốc tế hoặc đi du học từ bậc phổ thông.

Đó cũng là một góc nhìn khác để thấy rằng nếu không đáp ứng đa dạng nhu cầu của người học theo nhu cầu phát triển của xã hội, trường phổ thông công lập sẽ từng ngày bị xói mòn niềm tin và đến một lúc nào đó có thể sẽ là “trường xóa đói giảm nghèo”, người có điều kiện không vào đó học.

* Với đội ngũ giáo viên hiện nay, việc triển khai dạy học theo “thực đơn” buổi thứ hai ở trường phổ thông liệu có khó khăn?

- Khi triển khai dạy học theo “thực đơn” ở buổi thứ hai, học sinh được chọn môn học, chọn tần suất học, chọn dịch vụ học và trường học phải đa dạng hóa các môn học này.

Dạy học buổi thứ hai theo “thực đơn” đương nhiên sẽ khó hơn kiểu dạy “nhân” buổi thứ nhất như hiện nay, nhưng muốn làm cũng không phải là quá khó.

Chúng ta làm theo hướng mở: trường công được thu hút giáo viên giỏi, được mời chuyên gia ở ngoài, nhưng trường phải quản lý chương trình, quản lý giáo viên.

Nói tóm lại, trường công không khác gì các trường quốc tế. Cách triển khai thì làm từ từ, theo kiểu thí điểm.

Ban đầu sở GD-ĐT khuyến khích những trường, hiệu trưởng có năng lực làm trước, sau đó nhân rộng ra để thực hiện.

Đội ngũ giáo viên thì tự họ phải thay đổi, đổi mới để được học sinh chọn. Tôi nghĩ chúng ta chưa thử làm, chứ với đội ngũ giáo viên hiện nay của chúng ta, nhất là giáo viên trẻ, có thể đáp ứng được việc này.

Tại Trường ĐH Sài Gòn, chúng tôi đã triển khai “chọn món” cho sinh viên từ năm 2010 đến nay và chúng tôi luôn nói với sinh viên của mình rằng “nếu không nâng cao năng lực, kỹ năng thì sẽ không được học sinh chọn.

Cạnh tranh trong nghề giáo ở các trường công rồi sẽ đến. Sẽ có nhiều giáo viên không có lớp dạy, nhưng sẽ có những giáo viên sống tốt với nghề”.

* Nếu làm như vậy, e là trường công sẽ “tư” hóa mất không, thưa ông?

- Câu hỏi này cũng đã được một số chuyên gia giáo dục đặt ra với tôi trong một hội thảo khoa học.

Tôi khẳng định chúng ta làm trường công đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh là nâng cao chất lượng trường công, chứ không phải “tư” hóa trường công.

Vì thứ nhất, chúng ta đã có buổi học đầu tiên dành cho số đông. Buổi đó tất cả học sinh được học như nhau, theo chương trình chung, giáo viên chung. Dạy học theo “thực đơn” chỉ triển khai ở buổi thứ hai và buổi này dạy theo nhu cầu cá nhân người học và gia đình (ví dụ học sinh yếu, học sinh có năng lực đặc biệt...).

Thứ hai, nói là “thực đơn” ở buổi hai nhưng không phải trường muốn thu bao nhiêu thì thu, sở GD-ĐT phải quản lý “đơn giá” phù hợp, quản lý chương trình đào tạo, nội dung đào tạo...

MỸ DUNG thực hiện
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  209,138       1/880