TTO - Diễn đàn “Đặt hàng với tân bộ trưởng” tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. Hôm nay, xin giới thiệu một số đóng góp về thông tư 30 quy định việc đánh giá học sinh tiểu học.
Một tiết học của cô trò Trường tiểu học Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM năm học 2015-2016 - Ảnh: Như Hùng |
Mời các bạn theo dõi.
* GS Nguyễn Minh Thuyết:
Lo ngại động cơ học tập của học sinh sụt giảm
Tôi đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng thông tư 30 với việc quy định đánh giá học sinh trong quá trình học tập, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh, không phân biệt, tạo sự kỳ thị, áp lực cho học sinh trong đánh giá là quan điểm nhân văn.
Tuy nhiên, mục tiêu này cũng hoàn toàn thực hiện được trong trường hợp áp dụng quy định đánh giá “nhận xét kết hợp cho điểm”. Chúng ta có làm hiệu quả hay không lệ thuộc vào giáo viên, quản lý lao động của giáo viên, chứ không phải lệ thuộc vào điểm khác biệt giữa hai quy định đánh giá này.
Vì với thông tư 30, nếu giáo viên không tâm huyết, không có đủ thời gian, điều kiện quan tâm sâu sát tới từng học sinh thì quy định cũng chỉ mang tính hình thức. Thậm chí còn rất đáng lo ngại khi việc bỏ cho điểm khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh không có căn cứ cụ thể để nắm được mức độ tiếp thu của học sinh. Từ đó làm giảm động lực học tập của học sinh.
Đã có một nghiên cứu của Viện Tâm lý giáo dục VN đưa ra đánh giá việc thực hiện thông tư 30 trên cơ sở khảo sát ý kiến của nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục. Các đối tượng này bày tỏ lo ngại về sự giảm sút động lực học tập, chất lượng giáo dục của học sinh tiểu học.
Tình trạng hẫng hụt khi học sinh tiểu học chuyển cấp, quay lại môi trường học tập “có chấm điểm” cũng là có thật.
Ở nước ngoài cũng có những nước thực hiện “ghi nhận xét” thay cho chấm điểm. Nhưng điều kiện dạy học của họ khác xa chúng ta.
Tôi ví dụ ở Anh, hai giáo viên phụ trách một lớp có 25 học sinh. Với điều kiện đó, họ có thể theo dõi, quan sát, nhận xét, hỗ trợ kịp thời với từng học sinh. Nhưng ở ta sĩ số 50-60 học sinh/lớp, chỉ có một cô giáo. Chỉ nhìn riêng yếu tố này đã thấy chúng ta khó có thể bắt giáo viên thật sự quan tâm tới quá trình học tập của từng học sinh.
Một tiết dạy của giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Giáo viên ôm không xuể! Theo tôi, việc bỏ cho điểm, chuyển qua đánh giá là gánh nặng với giáo viên, nhất là các giáo viên bộ môn (thường gọi là giáo viên chuyên biệt). Vì những môn như âm nhạc, thể dục, mỹ thuật, kỹ thuật... chỉ dạy có 1 tiết cho 1 lớp trong tuần, các giáo viên phải dạy đủ chuẩn 23 tiết/tuần tương đương với 23 lớp, đương nhiên phải nhận xét hàng ngàn lượt trong vòng một tháng thì quả là một áp lực lớn! Chỉ cần lấy trung bình một giáo viên chuyên dạy 17 lớp/tuần, mỗi lớp bình quân 40 học sinh, ta có phép tính: 40 em x 17 lớp = 680 HS, yêu cầu đánh giá ba tiêu chí: kiến thức kỹ năng, năng lực, phẩm chất thì 680 HS x 3 tiêu chí = 2.040 câu nhận xét trong tháng, quả là ôm không xuể! Mặc dù thông tư 30 cho phép đánh giá miệng nhưng chuyện này cũng mơ hồ, do đó viết nhận xét là chuyện phải làm. Một giáo viên bộ môn dạy từ vài trăm học sinh trở lên là chuyện bình thường thì tên tuổi, mặt mũi các em có khi còn chưa nắm rõ, lấy đâu mà biết để đánh giá năng lực, phẩm chất một cách hoàn chỉnh? Ngày ngày giáo viên làm đầu tắt mặt tối, lo ghi ghi chép chép từ sáng đến chiều, cả ban đêm nữa cho xong sổ thì lấy đâu thời gian bồi bổ việc giảng dạy, soạn giáo án... Chưa kể sổ này giáo viên lỡ có viết sai, làm hư một tí cũng lo âu vì không biết mua ở đâu do thuộc dạng hàng hiếm! Giáo viên ghi nhận xét nhiều quá thì dẫn đến tình trạng trùng lặp, sáo mòn, mang tinh thần đối phó là chính... Có nhiều giáo viên than thở riết không biết ghi câu cú như thế nào? Đến nay nhiều trường vẫn còn bệnh thành tích, bệnh hình thức, tạo thêm áp lực cho người giảng dạy. Có trường ban giám hiệu gợi ý phải nhận xét các em bằng lời khen, không có phê bình chê bai gì cả thì giáo viên phải ghi ra sao đây? Nếu ghi theo kiểu này, chắc chắn các câu na ná nhau một kiểu! |