Giáo dục

GS.TSKH Đào Trọng Thi: Trả quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường

TTO - “Tôi hi vọng vào sự thay đổi... Có bộ trưởng mới là có cơ hội để thay đổi!”, GS Đào Trọng Thi, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đã chia sẻ kỳ vọng vào tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Thí sinh, phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2015. Đợt xét tuyển nguyện vọng này đã gây nhiều khó khăn cho phụ huynh và thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành - Ảnh: N.Hùng
Thí sinh, phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2015. Đợt xét tuyển nguyện vọng này đã gây nhiều khó khăn cho phụ huynh và thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành - Ảnh: N.Hùng

Trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ, trả lời câu hỏi “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần làm gì sau khi được giao trọng trách này?”, GS Đào Trọng Thi cho rằng:

- Vào thời điểm này, những việc cần làm cho giáo dục đã rất rõ rồi. Đó là phải quyết liệt triển khai nghị quyết T.Ư 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Cụ thể hóa nghị quyết đó cũng đã có đề án của Chính phủ, chương trình hành động của ngành GD-ĐT. Vấn đề là bộ trưởng sẽ triển khai thực hiện thế nào thôi.

Điểm quan trọng nhất trong nghị quyết 29 là phải chuyển mạnh nền giáo dục Việt Nam từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Từ quan điểm tổng quát này, đòi hỏi phải đổi mới nhiều vấn đề của nền giáo dục: chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, thi kiểm tra, đánh giá, chuẩn và mục tiêu của từng cấp học, môn học...

Đối với giáo dục ĐH cũng có hàng loạt nội dung: kiểm định, đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo, trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, thúc đẩy xã hội hóa, phân tầng và xếp hạng các cơ sở đào tạo theo chất lượng đào tạo...

Như vậy, có thể nói nhiệm vụ chính, ưu tiên hàng đầu của tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải là triển khai quyết liệt, hiệu quả những nội dung của nghị quyết T.Ư 29. Bộ trưởng mới làm được những việc này là thành công, là tốt lắm rồi.

GS.TSKH Đào Trọng Thi - Ảnh: Nguyễn Khánh
GS.TSKH Đào Trọng Thi - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Nhưng trong nhiều việc cần làm đó, theo ông, bộ trưởng nên ưu tiên thực hiện ngay những gì?

- Đối với giáo dục phổ thông, cần phải thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa đầu tiên, làm khâu đột phá đối với giáo dục phổ thông. Nếu còn tiếp tục dạy theo chương trình, sách giáo khoa cũ, không thể đạt mục tiêu thay đổi.

Đối với giáo dục ĐH, ưu tiên hàng đầu là vấn đề chất lượng. Chất lượng đang là điểm mà chúng ta yếu nhất. Nhưng liên quan đến chất lượng, chúng ta phải giải quyết bài toán quy mô và chất lượng.

Quy mô phát triển quá nhanh, quá mạnh vượt qua mọi yếu tố về năng lực đào tạo như hiện nay, thì đương nhiên chất lượng sẽ giảm sút. Bộ trưởng cần tập trung tạo chuyển biến về chất lượng đào tạo của giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp để tạo ra chuyển biến chất lượng nguồn nhân lực.

Để tạo ra chuyển biến, bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần thực hiện quyết liệt những giải pháp mà Luật giáo dục ĐH đã trao quyền cho bộ trưởng. Đó là thực hiện kiểm định chất lượng, trao quyền tự chủ cho các cơ sở ĐH, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ĐH.

Tự chủ sẽ mang đến động lực, sự năng động cho các nhà trường, để tạo ra nguồn lực cho phát triển. Xã hội hóa là nhằm huy động hiệu quả những nguồn lực trong xã hội. Chỉ có như vậy mới đủ nguồn lực phát triển giáo dục ĐH.

Một vấn đề liên quan đến cả giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH, được xã hội quan tâm nhất là chuyện thi cử. Tôi cho rằng bộ trưởng mới cũng cần ưu tiên quan tâm đến vấn đề này.

* Bộ GD-ĐT đã thực hiện đổi mới thi cử, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được hai năm. Vậy theo ông, vì sao bộ trưởng mới cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề này?

- Cái đúng phù hợp theo tôi đối với thi cử là phải đồng thời giảm tải áp lực thi cử gắn với phương thức phù hợp. Cần phải tách xét tốt nghiệp THPT riêng ra khỏi tuyển sinh. Trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường.

Các trường có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp, xét học bạ, liên kết, kết hợp sử dụng chung phương thức tuyển sinh trên cơ sở tự nguyện, hay có phương thức tuyển sinh bằng bài thi riêng như ĐH Quốc gia Hà Nội.

Lựa chọn phương thức nào cũng theo nguyên tắc chung: các trường ĐH, CĐ được tuyển sinh theo quyền tự chủ và nhu cầu của mình.

Tôi vẫn luôn nghi ngờ việc ghép hai kỳ thi này trong một đề thi như hiện nay mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện. Vì hai mục tiêu rất khác xa nhau: mục tiêu thi tốt nghiệp THPT chỉ yêu cầu kiến thức, kỹ năng ở mức độ trung bình, đa số học sinh làm được, đạt điểm trung bình là đủ điều kiện tốt nghiệp.

Trong khi đó, để có thể phân hóa chất lượng xét tuyển vào ĐH, mức độ yêu cầu của đề thi phải ở mức độ cao hơn nhiều. Liệu trong một đề thi có thể thỏa mãn được nhiều yêu cầu như vậy không? Cá nhân tôi cho rằng không làm nổi một đề thi như vậy.

Tôi cũng còn một băn khoăn nữa. Liệu các trường THPT có cần một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hay không? Khi một kỳ thi mà tới 95% chắc chắn tốt nghiệp thì theo tôi không cần phải tổ chức ở quy mô quốc gia, nên giao về cho các địa phương tổ chức.

Kỳ thi tốt nghiệp không hề có chuyện học tài thi phận, học giỏi mà trượt tốt nghiệp. Vì thế cần triệt để thực hiện giảm tối đa sự cồng kềnh trong phương thức tổ chức.

Đó mới thật sự là giảm tải đối với thi cử.

* Nhưng các cơ sở giáo dục ĐH mong đợi nhiều hơn từ sự thay đổi của Bộ GD-ĐT, không chỉ thay đổi kỳ thi tuyển sinh mà phải có sự thay đổi lớn hơn về quản lý giáo dục...

- Trong Luật giáo dục ĐH, bộ phải rút dần vai trò chủ quản, tập trung cho nhiệm vụ quản lý nhà nước. Các trường ĐH tự chủ quản lý hoạt động bằng hội đồng trường, kể cả trường công lập. Nhưng tinh thần này triển khai vào thực tế chậm, nhiều trường hiện vẫn chưa có hội đồng trường. Bộ trưởng và Bộ GD-ĐT cần thúc đẩy việc thực hiện nhanh hơn nữa.

Có một thực tế là ngành giáo dục trong bước đi của mình những năm qua chưa ưu tiên cho việc này, vẫn muốn thâu tóm vào mình những quyền quản lý chuyên môn đối với các cơ sở giáo dục. Kỳ thi chung là một ví dụ sinh động, thay vì phân cấp ra, giao cho các trường thì mình lại thâu tóm lại.

Nhưng tôi đang hi vọng vào sự thay đổi... Có bộ trưởng mới là có cơ hội để thay đổi chính sách. Còn thay đổi hay không, lựa chọn thay đổi như thế nào phụ thuộc vào bộ trưởng.

* Vậy theo ông, tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thể làm ngay việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia theo hướng này được không?

- Có thể làm ngay. Có thể ưu tiên thực hiện ngay việc thay đổi phương thức thi THPT quốc gia, trả nó trở về đúng với vị trí là kỳ thi xét tốt nghiệp THPT, giao quyền chủ động lựa chọn phương thức tuyển sinh cho các trường ĐH. Đó là quyền lựa chọn của bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tôi ủng hộ bộ trưởng lựa chọn sự thay đổi này. Tôi hi vọng bộ trưởng mới sẽ sớm triển khai.

THANH HÀ thực hiện (thanhha@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,498       1/928