TTO - Lại một cơn bão mạng về câu chuyện "GDP Việt Nam cao gấp 145 lần Thái Lan!". Phụ huynh và học sinh ngỡ ngàng các kiểu đề bài đưa vào câu chuyện thực tế mà lại phi thực tế...
GDP của Thái Lan qua các năm - Nguồn: tradingeconomics.com |
GDP Việt Nam qua các năm - Nguồn: tradingeconomics.com |
Nhiều ý kiến tranh luận nổ ra quanh đề thi kiểm tra học kỳ 2 môn địa lý lớp 11 năm học 2015-2016 của một Trường THPT nêu GDP của VN năm 2010 cao gấp 145 của Thái Lan và đề thi toán dành cho học sinh lớp 6 với một đoạn văn dài về một buổi đấu giá từ điển độc bản.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu có nên đưa những số liệu khác với thực tế vào đề thi (vì không có chuyện GDP thực tế của Việt Nam cao gấp 145 lần Thái Lan) khi xu hướng ngày nay là phải làm sao để những kiến thức trong nhà trường áp dụng được vào cuộc sống.
Nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải đưa vào quá nhiều thông tin kiểu mô tả diễn biến và nêu thẳng tên một công ty, đơn vị giống quảng cáo từ điển của một công ty như vậy vào đề toán lớp 6. Với học sinh lớp 6, việc đưa ra đề thi toán dài với nhiều nội dung “râu ria” có thật sự cần thiết không?
Không nên đưa số liệu phi thực tế vào đề thi
Đề thi học kỳ 2 môn địa lý lớp 11 của Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận - Ảnh: X.H. |
Trao đổi với TTO, thạc sĩ giáo dục học Lê Thị Loan cho rằng mục tiêu của giáo dục hiện nay là phát triển năng lực người học, làm sao để người học áp dụng được những kiến thức, kỹ năng được giảng dạy trong nhà trường vào việc giải quyết các bài toán trong thực tiễn.
Việc đưa những số liệu khác với thực tế vào đề thi có thể làm học sinh bối rối trong việc nhìn nhận các vấn đề thực tiễn cuộc sống.
Nếu đưa ra những con số mang tính giả thuyết vào đề thi thì có thể sử dụng một đối tượng khác thay vì là tổng sản phẩm quốc nội - những số liệu được công khai và có tính chính xác ngoài đời thực.
“Việc sử dụng những con số mang tính chính xác cao, gắn với thực tiễn sẽ giúp các em có cái nhìn đúng về vấn đề xã hội, kinh tế của đất nước, khu vực. Tuy nhiên, nếu làm ngược lại sẽ chẳng có ích gì cho hiểu biết của các em” - TS Trương Quang Ngọc, hiệu trưởng trường THCS&THPT DL Lạc Hồng (Q.12), nói.
Đề thi toán khối 6 của Phòng GD-ĐT quận 1. “Không bàn về tính logic và kiến thức toán học, tôi chỉ băn khoăn ở nội dung đoạn văn dẫn dắt để đưa ra các con số cho các em tính toán. Người ta có quyền đặt câu hỏi đây có phải là quảng cáo cho một công ty nào đó hay không” - ThS Lê Thị Loan nêu ý kiến. |
Làm sao để có một đề thi hay?
Theo ThS Lê Thị Loan, để giáo dục hướng tới phát triển năng lực người học, người giảng dạy cần phải tìm kiếm, nắm bắt những thông tin thực tiễn để truyền tải cho học sinh. Từ đó, việc ra đề thi gắn với thực tiễn là điều rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, khi sử dụng dữ liệu để đưa vào đề thi, cần phải lưu ý đến tính chính xác và những yếu tố liên quan đến tư tưởng, thị trường. Không nên đưa vào những chi tiết, giả thuyết phi thực tế hay dễ gây hiểu nhầm.
TS Trương Quang Ngọc nhận định đề thi hay phải đảm bảo các yếu tố như bám sát chương trình giảng dạy, có tính phân loại cao và có thể cung cấp được những tri thức về kinh tế, xã hội và nhiều mặt khác của cuộc sống cho các em học sinh thông qua các dữ liệu trong đề.
Theo TS Trương Quang Ngọc, hiện nay có rất nhiều thống kê, số liệu chính xác từ nhiều nguồn chính thống có thể đưa vào đề thi, thay vì những con số “ảo”, xa rời thực tế.
Đề thi theo thực tế là việc nên làm Yêu cầu học sinh tính toán và phân tích phép tính toán trên một bối cảnh thực tế nào đó là một hướng đi mới cần được chú trọng áp dụng trong thực tế giáo dục Việt Nam. Điều này có lợi trong việc tạo ra sự gắn kết giữa học và hành, giữa nhà trường và thực tế xã hội. Nếu ra đề gắn với bối cảnh thực tế (kiểu bài về GDP của VN) đòi hỏi giáo viên phải có trách nhiệm hơn trong việc làm việc với dữ kiện, số liệu và sự kiện thực tế. Một số yêu cầu khắt khe về dẫn nguồn, kiểm chứng và xác thực thông tin luôn là cần thiết để tránh những lỗi khó coi. Đề thi toán đó có thể còn những lỗi kỹ thuật cần được lưu ý rút kinh nghiệm, tuy nhiên nguyên lý và xu thế ra đề theo thực tế không hẳn là sai. Và khi bàn đến chuyện có nên lựa chọn nguyên lý và xu thế mới hay không thì phải viện dẫn đến mục tiêu giáo dục của chúng ta. Đừng rời bỏ những nguyên lý vàng của giáo dục, dù là bạn đang ở trong luồng ý kiến nào liên quan đến chuyện này. |
Đề thi "lạ"
Một cư dân mạng phát hiện đề thi toán khối 7 rất "lạ" của một trường THCS. Điểm kỳ lạ là ngoài 5 câu 10 điểm, học sinh còn có thêm câu thưởng điểm bằng... tiếng Anh. Nhiều người thắc mắc nếu học sinh đã giành trọn vẹn 10 điểm ở 5 câu trên và làm thêm được câu thưởng nửa điểm thì phải chăng là được... 10,5 điểm? Nhiều người còn phát hiện một điều lạ lùng khác trong đề thi là việc câu 4e được ghi rõ là dành cho học sinh lớp 7A4. Tại sao lại có câu phân biệt lớp này? Nếu học sinh khác lớp 7A4 cũng làm đúng câu này thì học sinh đó có được điểm không?... "Một đề thi mà lại có nhiều điều quá lạ lùng!" - cư dân mạng bình luận. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> TS Trương Quang Ngọc
>> ThS Lê Thị Loan