Giáo dục

​Thêm nhiều thỉnh cầu gửi bộ trưởng Bộ GD-ĐT

TTO - Sau khi đăng bức thư “8 thỉnh cầu của một giáo viên gửi bộ trưởng Bộ GD-ĐT” ngày 11-5, Tuổi Trẻ Online nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc.

Một tiết học ôn tập của học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 - Ảnh: Quang Định
Một tiết học ôn tập của học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 - Ảnh: Quang Định

Trong đó, đa số bạn đọc cảm ơn cô Hoàng Thị Thu Hiền vì đã “vẽ ra bức tranh chân thực nhất đối với ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay” (bạn đọc Minh). Đặc biệt, ba thỉnh cầu 3, 4 và 7 được nhiều bạn đọc phản hồi “rất thích”, “tuyệt”.

Từ tám thỉnh cầu của cô Hiền, bạn đọc yêu cầu “Bộ trưởng hãy trả lời có làm được không mà không cần phải viện dẫn lý do này lý do nọ, cần cái này cần cái kia…” (bạn đọc Nguyễn).

Ngoài ra, một số bạn đọc còn “bổ sung” một số thỉnh cầu để gửi đến bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Bạn đọc Trang đề nghị: Bộ trưởng đừng để giáo viên phải làm những công việc không phải là giảng dạy như: thu học phí, thu quỹ phụ huynh, thu bảo hiểm, thu kế hoạch nhỏ...

Vì mỗi khi thu những khoản tiền này, nhiều phụ huynh cho rằng giáo viên ép học sinh đóng rồi chửi bới, lăng mạ.

Họ có biết đâu giáo viên làm không công, trái chuyên môn, có khi bị mất tiền phải đền, trong khi thu được nhiều thì những người quản lý được hưởng lợi từ các khoản đóng góp này.

Việc thu tiền nên để cho kế toán, thủ quỹ làm.

Bạn đọc Thiện Linh nêu thực trạng để bổ sung cho thỉnh cầu 1: Thực tế HS lớp 12 bây giờ học rất ít. Các em thi tốt nghiệp chỉ bốn môn và chỉ cần mỗi môn 3 điểm là đậu.

Học trên lớp thì rất nhẹ nhàng. Vì muốn các em có điểm trung bình các môn học cao, các trường đã tạo điều kiện tối đa cho các em có điểm như cho biết đề trước, coi thi rất dễ, cho điểm trên lớp rất thoáng, toàn 8, 9, 10.

Vì vậy các em không hề cố gắng, nắm kiến thức mơ hồ. Cái này là do quy chế thi cử của Bộ GD-ĐT.

Có HS năm lớp 11 loại yếu, phải thi lại để lên lớp, nhưng lên lớp 12 điểm trung bình các môn được 8,0. Tôi không biết cứ thế này học sinh sẽ ra sao?

Bạn đọc T.A.T. còn góp ý “ngược” với cô Hiền: Nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) theo kiểu đại trà hiện nay.

Đã gọi là sáng kiến thì phải là cái mới, mang tính khoa học và thực tiễn cao. Khi đã viết ra được SKKN thì bản thân người viết phải trải qua một quá trình giảng dạy lâu dài mới tích lũy được kinh nghiệm. Mà lúc đó vẫn chưa thể xem là sáng kiến nếu chưa được thẩm định.

Đằng này ai cũng viết SKKN, mới ra trường dạy 1,2 năm cũng viết, lấy cái gì để viết?

SKKN chỉ là một phần trong toàn bộ quá trình tham gia giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tham gia đã không được tự nguyện mà theo sự sắp đặt, bắt buộc của cấp trên. Sau đó là 3-4 tháng lăn lê bò toài làm việc.

Đến khi đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh thì phần thưởng là 200.000 đồng.

Vậy mà có trường còn không được nhận đủ, chỉ nhận được 150.000 đồng, còn lại 50.000 đồng thì được cho biết là để làm kỷ niệm chương (phát kèm theo) cho GV.

Một bạn đọc tự nhận là chuyên viên phòng GD-ĐT đề nghị: chuyên viên công tác tại các phòng GD-ĐT là lực lượng giáo viên giỏi hoặc ban giám hiệu các trường mới được điều động.

Nhưng về công tác tại phòng GD-ĐT thì bị cắt phụ cấp đứng lớp, không hưởng phụ cấp thâm niên, là viên chức nên không có phụ cấp công vụ. Tổng thu nhập giảm 30 - 40% so với lúc công tác tại các trường.

Một, hai năm thì không sao, nhưng công tác lâu dài thì thật thiệt thòi cho những cán bộ này vì bản thân họ cũng là giáo viên. Đề nghị bộ trưởng xem xét và có chế độ phù hợp hơn cho những người này.

TTO
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  208,160       1/875