Giáo dục

Nụ cười từ ngày hội

TTO - Đó là ngày hội thể thao học sinh khuyết tật năm 2016 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 8-5 tại Trường THPT chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định.

Học sinh các trường khuyết tật trong phần thi diễu hành tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng
Học sinh các trường khuyết tật trong phần thi diễu hành tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng

Một ngày hội có 750 học sinh khuyết tật tham gia thì số giáo viên chuyên biệt đi theo để chăm sóc các em cũng gần tương đương.

“Nhật Huy! Giám khảo kêu tên con rồi kìa, ra đây con. Chạy thật nhanh vào nhé. Chạy giỏi về cô thưởng cho kẹo to” - cô Lê Thị Kim Cúc, giáo viên Trường giáo dục chuyên biệt Niềm Tin, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, dẫn học trò ra đường đua để chuẩn bị thi môn điền kinh.

Các vận động viên (hầu hết đều hơn 10 tuổi) đã đứng vào vạch xuất phát, các cô vẫn không quên dặn dò: “Nhìn ra phía trước nè con. Khi chạy phải nhìn phía trước nhé, không lại ngã đấy”.

Và khi trọng tài ra dấu cho cuộc thi bắt đầu, những người chạy đầu tiên là... các cô giáo. Thấy cô giáo của mình chạy ào ào phía trước, các vận động viên (vốn là trẻ chậm phát triển) cũng vận 
dụng hết tốc lực chạy theo...

Tại khu vực thi bật xa tại chỗ, rất nhiều vận động viên không làm theo hướng dẫn của giám khảo mà các em chăm chú nhìn vào cô giáo mình xem các cô ra dấu như thế nào để làm theo.

Hoàng Thành, học sinh Trường Hi Vọng (Q.6), gật gật ra chiều hiểu ý cô nhưng vẫn làm sai thao tác và bị đau khiến nhiều học sinh đứng xung quanh cười ồ.

Cô giáo ra dấu động viên Thành thi tiếp. Mặt đỏ bừng, Thành che miệng cười rất tươi và đứng dậy nhún người thật mạnh rồi bật ra xa, lần 2 rồi lần 3 một cách ngoạn mục khiến người dự khán vỗ tay reo hò vang dội.

Niềm vui của thầy cô cùng học sinh khi tham gia gian hàng trò chơi tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng
Niềm vui của thầy cô cùng học sinh khi tham gia gian hàng trò chơi tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng

Trong khi đó, đối với học sinh chậm phát triển thì giáo viên có phần vất vả hơn, nhiều em cứ nhún hoài nhưng không chịu nhảy, nhiều em thì chỉ nhảy một chân. Vì vậy, cô giáo cứ phải khuyến khích: “Mạnh dạn lên con!”, “Ráng lên con!”, “Nhún mạnh nào! 1, 2, 3 nhảy đi”, “Rồi, giỏi quá! Tiếp tục đi con!”... là những câu chúng tôi thường xuyên nghe được trong ngày hội.

Thậm chí, có trường hợp trọng tài chỉ mãi mà vận động viên nhất định không chịu đứng dưới vạch xuất phát, một thầy giáo đã đi lên bỏ nhỏ: “Anh cứ cho bé giẫm lên vạch xuất phát đi. Em này không đạt được thành tích gì đâu. Cho em đi thi để em vui và tự tin hơn thôi”.

Hay có em chỉ nhảy được một bước ngắn nhưng cô giáo vẫn vỗ tay: “Vy giỏi quá! Thi tiếp đi con” (mỗi học sinh thi bật xa ba lần).

Có lẽ vì vậy mà Sở GD-ĐT TP đặt tên cho hoạt động đó là “ngày hội” chứ không phải “cuộc thi”, mặc dù suốt từ sáng đến chiều, 750 học sinh khuyết tật lần lượt thi chạy, thi kéo co, thi làm gốm, đua ghe ngo trên cạn, ghép tranh, thi bóng bàn, nặn tò he...

Có lẽ vì vậy nên ở khu vực gian hàng trò chơi, khi học sinh ném bóng không trúng đích thì được các giáo viên cổ vũ để... ném lại; khi học sinh thảy vòng lần 1 mà không trúng cổ chai sẽ được thảy tiếp lần 2, lần 3... để được nhận quà.

Thế nên, hình ảnh phổ biến nhất của ngày hội là những nụ cười sung sướng, hạnh phúc của học sinh và những gương mặt đẫm mồ hôi của các giáo viên, trọng tài và thành viên ban tổ chức ngày hội.

Những phút cuối trước khi kết thúc ngày hội, chúng tôi đã định phỏng vấn học sinh xem các em nhận xét như thế nào, có cảm nhận ra sao khi tham gia ngày hội. Nghĩ rồi lại thôi không thực hiện vì nhìn các em cười rạng rỡ thế kia là biết câu trả lời rồi, cần gì phải hỏi nữa.

HOÀNG HƯƠNG (hoanghuong@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  208,374       1/877