TTO - Sáng nay 12-5, Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được hàng trăm ý kiến của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ, tiếp lời cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, người viết lá thư “8 thỉnh cầu gửi bộ trưởng”.
Làm sao để học sinh không mệt mỏi với chương trình học quá nặng nề? Trong ảnh: một học sinh đang ngáp bên cạnh những gương mặt chán nản khác... - Ảnh: Như Hùng |
Hầu hết ý kiến vẫn đồng tình với tác giả và cho rằng đây là những lời tâm huyết của một nhà giáo. Đó cũng là những trăn trở của các bậc phụ huynh nên nhiều người rất xúc động khi đọc bài viết.
Đồng thời, nhiều người đã tiếp tục đề nghị thêm nhiều nội dung đòi hỏi tư lệnh ngành giáo dục cần sớm thực hiện.
Xin trích đăng những kiến nghị tiếp theo của bạn đọc gửi đến tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
* Tôi đề nghị thêm hãy đánh giá giáo viên dựa trên sự đánh giá của học trò, vì chỉ có học trò mới đánh giá được năng lực của giáo viên. Lâu nay chúng ta luôn làm theo cách cấp trên đánh giá năng lực cấp dưới, dễ xảy ra tình trạng ưng thì tốt, muốn thì xấu, người đáng được khen lại không khen, người chẳng làm gì lại được khen... Điều này dễ làm sự tâm huyết của giáo viên bị tổn thương.
Bên cạnh đó phải loại khỏi ngành giáo dục những giáo viên không có năng lực - điều này cũng do học trò đánh giá mà ra (chỉ cần sau ba năm), tránh tình trạng chỉ cần "biên chế" là ở trong ngành suốt đời trong khi trong xã hội lại rất nhiều người tài, người giỏi.
* Bộ GD-ĐT cần bỏ cái bệnh thành tích, bỏ chuyện phổ cập và trả lại quyền tự chủ cho giáo viên, không gây áp lực để họ tự đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh. Tăng cường giáo dục đạo đức, đối nhân xử thế, có như vậy sau này khi trẻ ra đời có ích cho xã hội.
* Tôi cũng xin gửi thêm đến bộ trưởng “lời thỉnh cầu thứ 9”: Đó là căn bệnh thành tích vẫn còn đang âm ỉ trong ngành, nhất là ở cấp I, làm méo mó chất lượng thật sự của nền giáo dục. Phải có những chỉ tiêu thích hợp để đánh giá nhà trường, đánh giá giáo viên mà không phải dựa theo thành tích "ảo".
* Xin bộ trưởng đừng để giáo viên phải làm những công việc không phải là giảng dạy như: thu học phí, thu quỹ phụ huynh, thu bảo hiểm, thu kế hoạch nhỏ... Vì mỗi khi thu những khoản tiền này nhiều phụ huynh cho rằng giáo viên ép học sinh đóng rồi chửi bới, lăng mạ.
Họ có biết đâu giáo viên làm không công, trái chuyên môn có khi bị mất tiền phải đền, trong khi thu được nhiều thì những người quản lý được hưởng lợi từ các khoản đóng góp này. Việc thu tiền nên để cho kế toán, thủ quỹ làm.
* Cần nói thêm là học sinh lớp 1 có cần phải học thêm không ? Vì chương trình học ở lớp không truyền đạt hết hay sao mà phải đến nhà cô giáo để học thêm. Nếu không học sẽ không được đánh giá học sinh giỏi.
* Cám ơn cô Thu Hiền với một số nhỏ những yếu kém mà giáo dục Việt Nam đang tồn tại. Còn nhiều hơn thế nữa bộ trưởng ơi. Ví dụ: chạy chức quyền, chạy bằng cấp, chạy chức vụ và chạy thành tích, danh hiệu, chạy quan hệ với các lãnh đạo... Chạy cả cái yếu kém, không phù hợp.
* Ngoài ra tám thỉnh cầu của cô Hiền, tôi còn muốn đánh giá giáo viên phải lấy phiếu kín của học sinh để tham khảo; hiệu trưởng cũng phải có chương trình hành động và sau bốn năm phải được giáo viên trong trường bầu lại.
Đối với học sinh cần được giảm tải chương trình vì quá nặng nhưng không được xem nhẹ môn lịch sử và cần dạy thêm về ý thức công dân, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và phải có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn: “Đặt hàng với tân bộ trưởng”
Sau bức thư “8 thỉnh cầu gửi bộ trưởng” của cô giáo Thu Hiền, nhiều bạn đọc đã đề nghị Tuổi Trẻ tiếp tục nhận và chuyển tải những đóng góp, trăn trở của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh, các chuyên gia... đến với tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhằm góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Tiếp thu những ý kiến của bạn đọc, từ số báo này Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Đặt hàng với tân bộ trưởng”. Những ý kiến, bài viết gửi về diễn đàn vui lòng gửi theo địa chỉ: tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), email: giaoduc@tuoitre.com.vn.
Bài viết sẽ được chúng tôi đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ra hằng ngày và trên tuoitre.vn. Xin vui lòng ghi rõ địa chỉ, tài khoản ngân hàng để Tuổi Trẻ chuyển nhuận bút khi bài được sử dụng.
* Trần Tuấn Anh (giáo viên môn giáo dục công dân Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM): Hãy để giáo viên sống được bằng lương Ý kiến của cô Hiền làm khơi dậy sự hứng thú, nhưng cũng đầy tâm tư đối với một giáo viên môn giáo dục công dân như tôi: “Trong mọi sự giáo dục thì giáo dục nhân cách con người vẫn là yếu tố hàng đầu”. Tôi hiểu ý của cô Hiền tức là cần phải nâng cao vị trí, vai trò của môn giáo dục công dân. Nhưng nâng cao không phải là tăng thời lượng môn học, cũng không phải đưa môn học này vào danh sách những môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Bởi nếu làm như thế có khi tình hình còn tệ hại hơn bây giờ. Trước khi đề đạt ý kiến của mình đối với bộ trưởng, tôi xin kể câu chuyện sau: Tôi dạy giáo dục công dân cho học sinh lớp cuối cấp. Cuối năm tôi hỏi: “Các em có thích môn của thầy không?”, cả lớp giơ tay. Tôi lại hỏi: “Có em nào đi theo nghề của thầy không? Thầy sẽ truyền nghề cho”, tuyệt nhiên không có cánh tay nào giơ lên cả. Như thế đủ biết sự đánh giá của các em đối với nghề nghiệp này như thế nào. Đó là nỗi đau của những giáo viên dạy môn học này. Tóm lại, tôi mong mỏi tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT hãy giải quyết cái gốc của vấn đề: đó là tăng lương cho giáo viên để họ có thể sống được bằng lương. Giải quyết được vấn đề này thì trường sư phạm sẽ thu hút được nhiều người tài vào phục vụ cho sự nghiệp trồng người. Chứ chương trình, sách giáo khoa có hay cách mấy mà người thầy không giỏi, không tâm huyết thì sẽ rất khó mà thay đổi chất lượng giáo dục được. |