TTO - Đây là đề nghị của Bộ Lao động - thương binh và xã hội đối với các sở, ban, ngành địa phương trong công văn vừa gửi UBND các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Chuyên gia Hàn Quốc trong giờ dạy thực hành nghề công nghệ ôtô tại Trường CĐN Thanh niên dân tộc nội trú Tây Nguyên - Ảnh: H.Hưng |
Theo đó, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh trung cấp, cao đẳng theo Luật giáo dục nghề nghiệp.
Để hỗ trợ cho công tác tuyển sinh, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề nghị các địa phương phải cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo để định hướng cho người học và xã hội có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
Riêng các trường CĐ, trung cấp cần tạo sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp sử dụng lao động, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp ra trường có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo yêu cầu của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, các trường cũng có trách nhiệm giới thiệu những tấm gương điển hình về học nghề, lập nghiệp để khuyến khích người học có lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên - phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, kết quả điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp của Cục Việc làm cho thấy nhu cầu lao động năm 2017 và dự báo trong 3-5 năm tới sẽ tập trung chủ yếu ở một số ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác, hoạt động kinh doanh bất động sản, vận tải đường sắt, đường bộ và vận tải đường ống, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động vui chơi và giải trí...