Giáo dục

Cắm bản nơi thâm sơn cùng cốc

TTO - Đứng lớp dạy chữ ở bản làng giữa chốn thâm sơn cùng cốc, cách biệt với thế giới bên ngoài, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của những giáo viên gặp muôn vàn khó khăn.

Cắm bản nơi thâm sơn cùng cốc - Ảnh 1.

Thấy ông giáo Lan đến đầu bản, những đứa trẻ chạy ra đón và đi vào bản cùng thầy - Ảnh: VIẾT LAM

Đó là câu chuyện về những thầy giáo ở điểm trường bản Huồi Máy, Trường tiểu học Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Tách biệt giữa rừng sâu

Trời nhá nhem tối, ba thầy giáo Lô Văn Lan, Lô Văn Thanh và Lữ Văn Đương, giáo viên phụ trách điểm trường Huồi Máy, đến đầu trung tâm bản. Những học trò đang chơi bên dòng suối chạy đến nắm lấy tay ông giáo Lan để cùng vào bản. 

Ông giáo Lan là người đã gắn bó với lớp học ở Huồi Máy gần 20 năm nay.

Có những gia đình ở đây từ cha mẹ đến con đều là học trò của ông. Hôm nay, vẫn quãng đường từ trung tâm xã vào Huồi Máy, ba thầy giáo phải đi bộ mất gần bốn tiếng, chậm hơn khoảng 45 phút so với bình thường. 

Đêm qua, Cắm Muộn trải qua cơn mưa nặng hạt. Những con dốc trở nên trơn trượt, nước suối đục ngầu, nhiều đoạn sâu bất thường, khó đoán khiến hành trình của họ chậm lại.

Huồi Máy nằm tách biệt trong rừng sâu, cách trung tâm xã Cắm Muộn khoảng 17km đường chim bay. Bản có 39 hộ dân với 177 nhân khẩu đồng bào dân tộc Khơ Mú và Thái sinh sống. Đến nay bản vẫn chưa có đường giao thông, không điện lưới, không sóng điện thoại, không dịch vụ y tế... 

Hơn 20 năm trước, ngành giáo dục địa phương quyết định cử giáo viên vào dựng lớp, dạy chữ cho người dân Huồi Máy.

Điều đặc biệt là ở đây chưa bao giờ có giáo viên nữ, chỉ có những thầy giáo thay nhau đứng lớp. Đến nay, các phòng học ở Huồi Máy đã được xây dựng kiên cố sau quá trình dài tạm bợ.

Thắp ước mơ cho học trò

Đến điểm trường, thầy giáo trẻ Lữ Văn Đương lên ngọn đồi phía sau, chỗ có một cái cọc được đóng cố định, lấy điện thoại ra gọi báo với vợ là đã vào đến nơi an toàn. Vợ chồng thầy mới cưới nên chưa quen phải xa cách.

Trời tối hẳn, bản làng im lìm, điện ở căn bếp được bật lên, mâm cơm của những thầy giáo được dọn ra. Trong bữa cơm bình dị, thầy giáo Lan nói: "Thực ra mới ở ngoài vào cũng có cá khô, mì gói đấy nhưng phải để dành. Lỡ mưa gió lâu ngày không ra được trung tâm xã, không bắt được cá thì lấy gì mà ăn". 

Cắm bản nơi thâm sơn cùng cốc - Ảnh 2.

Bữa cơm xong xuôi, điện phải tắt, điểm trường chìm vào màn đêm. Điện ở điểm trường được một hộ gia đình có tuôcbin cho sử dụng chung, nhưng chỉ được bật lúc ăn cơm, còn lại phải tắt để dân xem tivi.

6h hôm sau, thầy Đương đánh trống vang vọng cả bản làng. "Phải đánh trống sớm cho các gia đình gọi con em mình dậy chuẩn bị đi học" - thầy giáo trẻ giải thích. 7h, học sinh Huồi Máy đã tập trung đông đủ ở điểm trường. 

Các em phân công nhau quét dọn, vệ sinh phòng học trước khi vào lớp. Đúng 7h15, những thầy giáo lên lớp, họ ân cần chỉ cho các em những con số, chữ cái, phép tính.

Cứ thế, những thầy giáo cắm bản đang hằng ngày vượt khó trong cuộc sống thường ngày để bám lớp dạy chữ cho các em học sinh. Họ đang thắp lên ước mơ cho những trẻ em nghèo nơi núi rừng heo hút... 

Ông Lữ Văn Hà, phụ trách Phòng giáo dục - đào tạo huyện Quế Phong, cho biết khó có thể kể hết những khó khăn mà các giáo viên cắm bản Cắm Muộn gặp phải. "Nhưng dù hoàn cảnh nào các thầy cũng vượt qua để mang con chữ cho học trò. Cái tâm ấy của những người thầy thật đáng quý..." - ông Hà nói.

Cải thiện bữa ăn

Căn bếp đỏ lửa. Thầy giáo Đương chuẩn bị vo gạo nấu cơm. Còn thầy Thanh mang chài ra suối kiếm cá cải thiện bữa ăn. Ở con suối, thầy Thanh mặc quần đùi, đi đôi dép bộ đội, bên hông có cái giỏ đựng cá, đang chọn những vị trí đủ rộng để quăng chài.

Mỗi lần vén chài lên chỉ có vài con cá nhỏ như đầu đũa, thế nhưng thầy vẫn kiên trì đi cả đoạn suối dài để tìm cá.

"Trước đây suối này nhiều cá lắm. Nhưng mấy năm trở lại đây do hiện tượng khai thác vàng bừa bãi dọc lòng suối nên cá không còn" - thầy Đương kể.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  267,151       1/1,156