Giáo dục

Lớp học cho trẻ ngụ cư

TTO - “Tôi đi nghĩa vụ quân sự rồi về làm bảo vệ khu phố. Một lần, người dân gọi đến giải quyết đánh nhau. Tôi nói mấy em nhỏ có liên quan viết bản tường trình sự việc, đi ra ngoài một hồi đi vào tôi vẫn thấy mấy tờ giấy trắng tinh...”

Lớp học cho trẻ ngụ cư - Ảnh 1.

Kèm cặp từng em để đảm bảo các em tiếp nhận được đầy đủ kiến thức của buổi học - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Lên lớp lớn hơn các em cứ rơi rụng dần. Có em chuyển đi nơi khác, có em về quê, lại có em học xong con chữ thì nghỉ hẳn đi làm. Vậy nên ngoài dạy chữ, tính toán cơ bản, lớp học còn dạy các em đạo đức với các kỹ năng giao tiếp nữa để ra đời các em biết ứng xử...

Anh TRẦN LÂM THẮNG

Anh Trần Lâm Thắng (32 tuổi, một đoàn viên ở khu phố Long Bửu, P.Long Bình, Q.9, TP.HCM) nhớ lại. "Tôi tưởng mấy em chống đối. Hỏi chuyện thì các em lí nhí trả lời: Anh ơi, em không biết viết chữ" - anh Thắng nói thêm.

Mở lớp dạy chữ

Câu nói ấy của các em nhỏ đeo đẳng trong Thắng suy nghĩ: "Không biết chữ khổ lắm, muốn làm gì cũng không được, tương lai không biết đi đâu về đâu. Vậy nên mình quyết định mở lớp học này, giúp được mấy em ấy phần nào thì giúp, còn hơn là không làm gì". Lớp học ấy đến nay đã duy trì được bảy năm.

Hỗ trợ kèm cặp học sinh với Thắng là sinh viên tình nguyện từ các trường ĐH ở TP.HCM. Tạ Thị Mỹ Duyên và nhóm bạn trong CLB tình nguyện Handmade, Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu tại TP.HCM là thế hệ "giáo viên" mới nhất của lớp. 

Tiếng chuông tan trường buổi chiều vang lên, Duyên mau mắn thu dọn sách vở, xách balô chạy nhanh xuống bãi gửi xe, tập trung với bạn bè. Rồi cả nhóm chở nhau len qua dòng người tấp nập đến lớp học bắt đầu từ 18h.

Trong khoảng sân nhỏ trước trụ sở khu phố Long Bửu, dưới ánh đèn nhập nhoạng, từng tốp trẻ nhỏ tự giác phân chia nhau quét dọn sân và lớp học. Bạn nào hoàn thành nhiệm vụ của mình liền tụ lại nói chuyện, chơi đá cầu hoặc nhảy dây cùng bạn bè. Không khí sinh hoạt đầu giờ náo nhiệt trong tiếng cười trong vắt của trẻ thơ.

Lớp 1 lớn và lớp 1 nhỏ

Năm nay, lớp có khoảng 60 em chia trình độ từ mẫu giáo đến lớp 5. Các em được học hai môn chính: toán - tiếng Việt và một môn phụ là tiếng Anh. Thời gian các em nhập học cũng khác nhau nên lớp 1 được chia thành hai lớp: lớp 1 lớn cho những em nhập học trước và lớp 1 nhỏ cho những em mới vào. Trụ sở khu phố chỉ có ba phòng học nên hai lớp 1 này phải học chung một phòng.

Hầu hết học sinh theo học là con em của những gia đình nhập cư vào Sài Gòn. Cha mẹ các em làm công nhân trong các khu công nghiệp, thợ hồ, mua bán phế liệu, hàng rong... Một số em theo mẹ "chạy trốn" người cha bạo hành, vũ phu ở quê nhà. 

Ban ngày, các em đi bán vé số, nhặt ve chai... hoặc ở nhà trông em phụ giúp cha mẹ. Buổi tối, các em ăn vội bữa cơm hay ổ bánh mì rồi tranh thủ đi đến "trường học".

Về nhà không có thời gian nên các em chỉ học trên lớp, sách vở cũng để ở lớp. Những "thầy cô giáo" sinh viên phải phân chia ra kèm cặp từng em mới đảm bảo các em tiếp nhận được đầy đủ kiến thức của buổi học.

Sáng lượm ve chai, tối đến lớp

"Có em nghỉ 2, 3 ngày không đến lớp, đến khi đi học lại thầy hỏi vì sao mấy ngày rồi con không đi học, em trả lời: "Mấy hôm nay con đi làm về mệt quá không đi học nổi". Mình thấy thương các em kinh khủng" - Mỹ Duyên tâm sự.

Với hoàn cảnh khó khăn, bấp bênh, rày đây mai đó cộng với việc không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân... đa số các bậc phụ huynh lẫn các em đều không nghĩ tới chuyện các em sẽ đến trường đi học. Em Nguyễn Thành Thương (15 tuổi) có cha làm công nhân, mẹ buôn bán lặt vặt, gia đình thường xuyên chuyển nơi ở.

Dọn tới khu phố Long Bửu một thời gian, mẹ Thương nghe người ta kể có lớp học tình thương liền đưa Thương đi học.

 "Tôi cũng muốn con biết cái chữ nhưng hoàn cảnh khó khăn quá. Giờ con được đi học lại được thầy cô quan tâm dạy dỗ nên tôi mừng lắm" - mẹ Thương tâm sự. Sáng Thương làm ở vựa ve chai, tối đi học. Sức khỏe yếu nên có đợt Thương nghỉ học vài ngày liền, anh Thắng lại lặn lội chạy xe đến nhà hỏi thăm tình hình và động viên Thương đi học tiếp.

"Mình sợ em nhụt chí rồi nghỉ học luôn. Thương học khá nhất lớp, giờ đã sắp xong lớp 5 rồi. Thương là số ít có thể tốt nghiệp tiểu học nên mình đang liên hệ khắp nơi, ráng kiếm cho các em cái nghề để học. Có cái nghề thì tương lai các em mới ổn định được" - anh Trần Lâm Thắng bảo vậy.

Xin đề trường tiểu học làm kiểm tra

Anh Thắng cũng cho biết lớp học có liên kết với Trường tiểu học Long Bình gần đó. Cuối từng học kỳ lớp học sẽ lấy đề kiểm tra của trường về tổ chức cho các em thi. Em nào có giấy khai sinh sẽ được trường tiểu học cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khi hoàn thành chương trình tiểu học.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  202,401       1/1,143