Giáo dục

'Cởi trói' cho giáo viên sẽ trị dứt 'bệnh' học vẹt!

TTO - Làm gì để giáo viên bớt ngán ngẩm và học sinh thôi học kiểu đối phó như những con vẹt? Đồng loạt đổi sách giáo khoa ư? Quá tốn kém.

Cởi trói cho giáo viên sẽ trị dứt bệnh học vẹt! - Ảnh 1.

Một tiết dạy văn đầy hào hứng của thầy Trương Minh Đức với học sinh lớp 11N Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Giải pháp tức thời và khả thi, theo cá nhân tôi, là ban giám hiệu từng trường mạnh dạn tạo bước đột phá. Nên chăng ban giám hiệu cho phép giáo viên tìm mọi cách tinh giảm, kết hợp các bài dạy lại thành nhóm chuyên đề?

Chính việc gom bài cùng dạng dạy theo từng nhóm sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho dạy và học. Bởi thực tế, có những bài học trong sách giáo khoa dạy khoảng 15 phút đã xong nội dung của 1 tiết học, nhưng có bài hết tiết mà chưa dạy xong bài.

Ban giám hiệu cũng nên khảo sát kỹ ý kiến từng giáo viên trong tổ bộ môn về nội dung từng phần, từng bài để thống nhất chương trình giảng dạy bộ môn.

Giáo viên một khi được "cởi trói" sẽ tìm được lối ra cho chính môn mình đang dạy. Chỉ có cách đánh thức nhiệt tình, tâm huyết của giáo viên, cho giáo viên thấy rõ việc thay đổi là tất yếu thì bao nhiêu câu hỏi được đặt ra đều có lời giải đáp.

Đơn cử như ở trường tôi công tác. Chỉ là tư thục dạy hoàn toàn theo chương trình của bộ (cả cấp 2 và 3) nhưng quan điểm đột phá của ban giám hiệu đã tạo đà đổi mới cho giáo viên.

Ngay từ đầu năm học, giáo viên tất cả các môn đều lên bộ khung chương trình cho cả năm học. Khung này là các chuyên đề được tổ chức, sắp xếp lại từ chính các bài học trong sách giáo khoa của bộ.

Ví dụ như môn Văn khối 9. Ta đều biết lớp cuối cấp phải thi tập trung theo đề của phòng, Sở GD-ĐT. Thế nhưng khi chúng tôi dám đột phá thì dạy chuyên đề là giải pháp tối ưu.

Phần tiếng Việt, thay vì dạy 5 bài khác nhau về từng "phương châm hội thoại", chúng tôi gom cả 5 bài thành chuyên đề "Các phương châm hội thoại".

Hàng loạt câu hỏi mà nhiều người quan tâm như thời gian chuẩn bị và thời gian trên lớp? Học sinh phải tự giác thật sự và phải có năng lực thực sự? Chấm điểm cho cá nhân thế nào? Kỹ năng nghe - nói - đọc - viết có được bảo đảm không?... được trả lời bằng thực tế giảng dạy của chính chúng tôi. Chúng tôi đã làm điều đó ra sao? 

Giáo viên chúng tôi yêu cầu học sinh mở tên chuyên đề từ khung chương trình bộ môn ra (tờ chương trình này được giáo viên bộ môn phát cho mỗi học sinh từ đầu năm học, đã được phụ huynh ký xác nhận đồng ý thực hiện), đánh dấu tên từng bài trong sách giáo khoa, giao học sinh tự chọn, chia nhóm trước để chuẩn bị bài.

Đến tiết học sau, học sinh chia nhóm thuyết trình, diễn tiểu phẩm, trình chiếu. Yêu cầu của việc học theo chuyên đề này đã công khai: em nào giỏi diễn thì tham gia nhóm diễn tiểu phẩm, ai nói tốt thì thuyết trình, bạn nào vẽ được thì vẽ tranh minh họa.

Còn lại tất cả học sinh trong các nhóm đều phải có đóng góp (bài viết, trả lời câu hỏi từ sách giáo khoa, chuẩn bị phản biện). Điểm của học sinh được tính công khai. 

Với môn văn, chúng tôi quy ước: thuyết trình cả nhóm được điểm sàn là 6, người thuyết trình và phản biện được 7, mỗi ý kiến góp thêm thì đều cộng điểm.

Cứ thế, học sinh đều có ý thức thay đổi cách học, tự làm mới chính mình và tự tin trong phản biện. 

Tất cả các bài làm đều được lưu và trang trí theo ý tưởng của học sinh treo trong phòng học bộ môn. Mỗi ngày học sinh vào xem bài được trang trí trong phòng, kiến thức dù ít hay nhiều cũng từng chút được vun bồi, và kỹ năng viết đều được cải thiện.

Chuyên đề cũng giúp từng giáo viên tự tích lũy thêm kiến thức nền và kỹ năng điều phối lớp học. Giáo viên cũng buộc phải quản lý sát từng cá nhân học sinh. 

Còn học sinh, với đặc điểm thích chứng tỏ và cạnh tranh, cộng với việc được đặt vào vị trí chủ động tự đào sâu kiến thức, lại được giáo viên và bạn bè "kích hoạt", nên trở thành những "ngòi nổ sáng tạo".

Ngoài việc dạy theo chuyên đề thì tích hợp liên môn và đa môn cũng thu hút học sinh không kém. Mục tiêu "dạy học cá thể - phát huy tính chủ động" vì thế được tiến hành thông suốt.

Tất nhiên, việc đổi mới cách giảng dạy ở trường chúng tôi chưa phải đã hoàn thiện, thành công tuyệt đối. Vì thay đổi cần phải có quá trình.

Dạy tích hợp, dạy chuyên đề chưa hẳn là mô hình tối ưu và còn là vấn đề tương đối mới. Nhưng nếu cứ giữ tư duy cái gì mới sẽ bị chê bai, chỉ trích, cộng thêm bảo thủ, thì tới bao giờ giáo dục mới thật sự cất cánh đi kịp đà phát triển của xã hội?

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  198,706       6/1,130