Giáo dục

'Cuộc chiến' lôi con khỏi giường mỗi sáng để đến trường

TTO - Làm gì khi sáng nào con cũng lằng nhằng không chịu đi học, không ăn sáng, cứ nằm lì trên giường giả điếc mặc cho cha mẹ gọi? Làm sao để mỗi sáng không cần hò hét nhặng xị khi muốn con dậy đến trường?

Cuộc chiến lôi con khỏi giường mỗi sáng để đến trường - Ảnh 1.

Cô giáo dỗ dành một em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phan Đình Phùng Q.3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Có những đứa trẻ đi học 2-3 tuần, thậm chí cả tháng vẫn khóc lóc đòi nghỉ, cũng có trẻ chỉ cần 1-2 ngày đã quen với việc đi học. Có bí quyết nào ở đây?

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ đến trường là cả một nghệ thuật, cha mẹ phải thật sự khéo léo để giúp con hòa nhập vào môi trường mới.

Bất lực con không chịu đi học

"Cứ sáng thức dậy con bé nhà tôi lại khóc không chịu đi học. Dỗ thế nào cũng không được, trừ khi cho ở nhà. Tối ngủ thì hay giật mình, thậm chí tè dầm ra giường", chị Thảo Nguyên (Thủ Đức, TP.HCM) than thở. 

Chị cho biết trước khi cho con đi học, gia đình đã tìm hiểu và chọn một ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, khu vui chơi đa dạng, thầy cô được đào tạo bài bản, tổ chức lớp học phù hợp… nên chị thấy bất lực khi đi học đã nhiều ngày mà con vẫn khóc. 

Chị Hoàng Thị Hà (Bình Thạnh, TP.HCM) thì kể khổ: "Tôi cho con trai đi học từ khi 3 tuổi, nay cháu vào lớp 1 nhưng sáng nào cũng lằng nhằng không chịu đi học, không ăn sáng, cứ nằm lì trên giường giả điếc khi nghe mẹ gọi. Sáng nào đi học cũng hò hét nhặng xị cả lên mới chịu đi, quá sức mệt mỏi".

Theo TS tâm lý Lê Duy Tuấn, Đại học Nguyễn Huệ, những ngày đầu đến trường trẻ gặp khó khăn tâm lý là chuyện bình thường, nhưng nếu một đứa trẻ thường xuyên khóc lóc, khó thích nghi ở trường, thậm chí là rối loạn cảm xúc thì không phải chuyện nhỏ. 

"Các bậc phụ huynh có con nhỏ lần đầu đến trường cần tìm hiểu kỹ, tránh tâm lý đơn giản cho rằng dần dần trẻ sẽ quen hết và bỏ qua những dấu hiệu rối loạn của trẻ. 

Nếu trẻ đi học sau hơn nửa tháng mà có những rối nhiễu cơ thể như nhức đầu, đau bụng, nôn ói, căng thẳng, sợ hãi, ngủ không ngon giấc...kéo dài, cha mẹ cần đưa bé đến trung tâm tư vấn tâm lý hay bệnh viện.

Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ tìm hiểu nguyên nhân, do nguyên nhân khách quan từ trường lớp, cô giáo... hay do trẻ nhạy cảm, nhút nhát, mè nheo để có biện pháp xử lý kịp thời", TS Tuấn khuyến cáo.

Cũng theo TS Tuấn, trước khi đến trường, cha mẹ cần chuẩn bị thật tốt cho trẻ, nhất là giúp trẻ vững vàng về tâm lý. Hãy để cho trẻ thực sự thích nghi một cách tự nhiên với trường lớp, bạn bè thì khi trẻ chính thức đến trường các bé sẽ tự tin và dễ hòa nhập. 

Làm gì để giúp trẻ?

Cuộc chiến lôi con khỏi giường mỗi sáng để đến trường - Ảnh 2.

Phụ huynh dặn dò và động viên con tại trường tiểu học Phú Thọ, Q.11, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Để giúp trẻ, cha mẹ cần có những điều chỉnh thích hợp tùy vào lý do trẻ không muốn đi học.

Trẻ khóc do ở nhà sinh hoạt thất thường: Ở nhà nhiều bé có lối sinh hoạt thất thường, ăn uống không điều độ, trẻ ham chơi thức khuya nên đến sáng bị đánh thức đi học, bị thiếu ngủ nên trẻ uể oải, lè nhè. Cũng có nhiều bé ở nhà không ngủ trưa. 

Do đó, trước khi đi học, cha mẹ xây dựng thời gian nghỉ ngơi khoa học, tập cho bé thói quen đi ngủ sớm, dậy sớm. Trẻ phải đi ngủ trước 9h tối và dậy lúc 6h sáng thì trưa sẽ ngủ được ngon hơn.

Trẻ buồn do thấy cô đơn giữa mọi người: Có những bé đi học mẫu giáo vui vẻ bình thường, đến khi vào lớp 1 trường mới bạn mới, bé sẽ cảm thấy cô đơn, cảm giác như bị bỏ rơi và bất an. 

Gia đình hãy tìm cách vỗ về, an ủi bé. Hãy cho con mang món đồ chơi mà bé yêu thích đến lớp. Điều đó sẽ khiến con an tâm hơn.

Trẻ không thích đi học do bị ốm: Không ít trẻ khi đi học thường xuyên bị ốm vặt. Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, có thể do bé khóc nhiều, nóng giận nên bị nhiệt, cả ngày ở trường uống ít nước, ăn đua với bạn nên nuốt quá nhanh dẫn đến thức ăn không tiêu, gây đau bụng... 

Với những trường hợp này, buổi sáng trước khi đi học cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước và dặn bé nếu khát thì xin cô giáo uống nước hoặc khi ăn cơm, nhớ uống nhiều canh, hoặc mua bình nước cho bé đem theo. Nếu bé ăn giỏi, phụ huynh nhờ cô giáo để ý không để bé ăn quá nhiều và nhanh...

Trẻ bị bạn chọc ghẹo: Trước tiên cha mẹ nên dạy bé cách tự giải quyết, dạy cho con nếu muốn chơi đồ chơi với bạn, con phải cố gắng thỏa thuận với bạn, nếu bạn không đồng ý thì không nên giành giật, đánh nhau với bạn. 

Ngoài ra, thấy bé đánh bạn, cha mẹ phải ngăn cấm và cho bé biết đấy là hành vi không đúng. Sau một thời gian nhất định trong môi trường tập thể, dần dần bé sẽ học tập được cách giao tiếp với các bạn.

Để trẻ chấp nhận đến trường như là điều hiển nhiên

hk_khaigiang(03)

Cha mẹ nên cho con đến trường làm quen trước khi đi học - Ảnh: HỮU KHOA

Tạo ra khung cảnh, tình huống tương tự lớp học: Trước khi cho con đi học, mỗi ngày cha mẹ nên kể cho bé những niềm vui về trường lớp cũng như các trò chơi ở trường để tạo ấn tượng với bé. Cha mẹ cũng có thể chơi trò dạy học với con để con làm quen.

Cho trẻ trải nghiệm, làm quen: Tranh thủ thời gian đưa con đến các trường mầm non để bé quan sát, bước đầu làm quen với trường lớp, cô giáo. Nếu trẻ chưa tự tin hòa nhập, cha mẹ hãy xin phép giáo viên để cha mẹ cùng chơi với trẻ trong khuôn viên nhà trường.

Tạo cho trẻ tâm lý sẵn sàng chấp nhận: Gần đến ngày đi học, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ chơi với bạn bè hàng xóm mà không có cha mẹ. Hãy bình tĩnh, kiên trì và thường xuyên mỗi ngày để bé quen với việc không có cha mẹ bên cạnh.

Dạy trẻ biết về trách nhiệm: Cha mẹ cần nói rõ cho trẻ hiểu mỗi người trong gia đình đều có một công việc rõ ràng, người lớn thì đi làm, trẻ con thì đi học.

Nếu trẻ chưa chấp nhận, phụ huynh hãy kể cho con nghe những hoàn cảnh gia đình tương tự có bạn cùng tuổi đã đi học để trẻ cảm nhận được phần nào trách nhiệm nhỏ bé của mình.

Kiên quyết và dứt khoát: Sau khi đưa trẻ đến trường, cha mẹ đừng nên nấn ná, dùng dằng mà nên dứt khoát. Bởi nếu thương con, sợ con khóc mà quay lại thì trẻ lại càng khó thích nghi.

Đồng thời, cha mẹ nên thường xuyên phối hợp với các cô giáo ở trường để nắm được diễn biến tâm lý của trẻ, qua đó có thể giúp giáo viên có biện pháp phù hợp hiệu quả với trường hợp của con mình.

Có những phần thưởng xứng đáng: Sau mỗi ngày học mà trẻ có dấu hiệu tiến bộ, hãy trao cho con những phần quà khích lệ có thể là vật chất hoặc tinh thần (như cái kẹo, đồ chơi, cái ôm hôn…).

Đó là động lực để trẻ cố gắng hơn để không làm phụ lòng cha mẹ, thầy cô.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  264,558       1/571