TTO - Đó là ý kiến của ông Hoàng Minh Đức, một nhà giáo về hưu ở TP.HCM và có thâm niên 15 năm nằm trong ban đại diện cha mẹ học sinh (hội phụ huynh).
Cùng đồng hành với việc học của 2 cháu ngoại, ông Đức đã có thâm niên 15 năm nằm trong ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là ban đại diện) tại các trường: mầm non Sơn Ca 11, quận Phú Nhuận; tiểu học Kỳ Đồng, quận 3; THCS Nguyễn Du, quận 1.
Công việc của ông và các thành viên khác trong ban đại diện là hỗ trợ giáo viên giáo dục học sinh chưa ngoan, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; vận động đóng góp nhưng nếu phụ huynh biểu quyết không đủ 100% thì không thực hiện...
Phụ huynh biểu quyết không đủ 100% thì không thực hiện
* Thưa ông, trong những năm làm ban đại diện cha mẹ học sinh, ông vận động phụ huynh đóng góp kinh phí như thế nào?
- Việc đầu tiên của người làm công tác ban đại diện là phải nắm được các quy định, quy chế liên quan. Như điều lệ BĐD do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2008, điều lệ ban đại diện mới (năm 2011), chỉ thị số 14/CT về quản lý các nguồn tài trợ cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP do UBND TP.HCM ban hành năm 2013...
Chiếu theo những quy định trên, ban đại diện chúng tôi làm như thế này: đầu năm học, ban đại diện họp với ban giám hiệu trường, đưa ra các công trình cần thực hiện trong năm học mới, dự toán kinh phí thực hiện.
Dự thảo này sẽ được trình bày trong đại hội ban đại diện đầu năm học (bao gồm ban đại diện các lớp). Nếu đại hội thông qua thì mới chính thức ban hành nghị quyết, ban đại diện các lớp sẽ về trình bày với phụ huynh lớp mình, đồng thời cho các phụ huynh biểu quyết từng công trình một.
Ở từng lớp, các phụ huynh biểu quyết không đủ 100% thì không thực hiện.
Việc vận động kinh phí cũng trên nguyên tắc tự nguyện, theo điều kiện tài chính của mỗi người, chứ không được cào bằng. Ví dụ, công trình lát gạch sân trường dự toán hết 20 triệu đồng, nếu chia bình quân mỗi phụ huynh đóng 200.000 đồng.
Nhưng không được thu đổ đồng như thế, có người đóng đúng 200.000 đồng, có người đóng 10.000 đồng, nhưng cũng có người đóng 1 triệu đồng, 2 triệu đồng, hoặc có người không góp gì cả.
* Có khi nào ban đại diện vận động mà vẫn thiếu kinh phí không, thưa ông?
- Có chứ, thiếu thì chúng tôi vận động mạnh thường quân. Nhưng thường là bạn đại diện thêm vào cho đủ (cười).
Ở từng lớp, các phụ huynh biểu quyết không đủ 100% thì không thực hiện. Việc vận động kinh phí cũng trên nguyên tắc tự nguyện, theo điều kiện tài chính của mỗi người, chứ không được cào bằng.
Ông Hoàng Minh Đức
* Thưa ông, ông nghĩ sao khi dư luận cho rằng ban đại diện lập ra chỉ để thu tiền...?
- Nhiệm vụ của ban đại diện là tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các phụ huynh trong trường, trong lớp; làm chiếc cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh...
Tất cả cũng nhằm để giáo dục học sinh cho tốt, cho các cháu một môi trường học tập tốt nhất có thể...
Tôi và nhiều phụ huynh khác cố gắng đi theo hướng này. Ví dụ, ban đại diện góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ giáo viên giáo dục học sinh chưa ngoan, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Hoặc ban đại diện tham gia trực tiếp vào việc chọn lựa cơ sở cung cấp thức ăn trưa cho học sinh.
Chúng tôi đi tham quan nhiều cơ sở, nơi họ chế biến thức ăn rồi mới quyết định chọn lựa và ký hợp đồng...
Đáng tiếc là với những nhiệm vụ trên, nhiều ban đại diện chưa làm được hoặc làm chưa rõ nét. Từ đó họ chưa tạo được niềm tin nơi phụ huynh, khiến phụ huynh có cái nhìn phiến diện về công tác của ban đại diện.
Thêm nữa, ban đại diện muốn làm tốt phải có sự hưởng ứng nhiệt tình của các phụ huynh. Thực tế, có phụ huynh không tham gia mà cũng không có ý kiến gì, chỉ trách móc và lên án ban đại diện. Nhiều phụ huynh rất ngại vào ban đại diện.
Còn về tình trạng lạm thu, đâu phải do ban đại diện. Nếu ban giám hiệu nhà trường và ban đại diện làm đúng các quy định, công khai, minh bạch về tài chính, công trình thiết thực và chính đáng... thì sẽ không bao giờ có chuyện lạm thu.
Nhưng đúng là cũng có phụ huynh vào ban đại diện chỉ để lấy tiếng, ngay cả các cuộc họp họ cũng không dự. Khi nhà trường đưa ra các công trình, họ xem qua loa rồi gật đầu ngay mà không cần phản biện.
Thậm chí, có người còn yêu cầu thu nhiều hơn nữa, vì với điều kiện kinh tế của họ thu như vậy vẫn còn ít! Với những ban đại diện như vậy sẽ khiến nhiều phụ huynh bức xúc với ban đại diện, rồi ác cảm với ban đại diện.
Bộ GD-ĐT nên ban hành điều lệ mới
* Được biết, trong 15 năm làm ban đại diện, ông đã phản biện khá nhiều về các công trình mà nhà trường đưa ra?
- Người làm ban đại diện trước hết phải hiểu về giáo dục. Thế nên, trước mỗi công trình phải xem xét nó có thực sự cần thiết cho học sinh hay không.
Nếu thấy chưa hợp lý thì ban đại diện phải có cách phản biện khéo léo, để ban giám hiệu nhà trường hiểu ra, không thực hiện hoặc dời lại những năm sau, ưu tiên cho những công trình cấp thiết hơn.
Tuy nhiên, cũng có cái tôi phản biện nhưng không thành công. Đó là do cơ chế. Như hồi cháu tôi học mầm non, nhà trường đưa ra công trình mua bảng tương tác. Tôi không đồng ý và có phân tích với cô hiệu trưởng rằng: chương trình bậc mầm non sẽ không cần nhiều đến bảng tương tác.
Nhưng cô hiệu trưởng bảo: đây là chương trình do sở GD-ĐT đưa xuống, Nhà nước cho 50% tiền, còn lại phụ huynh đóng góp 50%, tất cả các trường đều phải thực hiện.
Thế nên, sau đó nhiều phụ huynh cũng gặp tôi phản ứng, nhưng tôi cũng không có cách nào khác. Cơ chế mà!
* Ông có mong muốn gì cho hoạt động của ban đại diện trong thời gian tới?
- Tôi mong Bộ GD-ĐT nên ban hành điều lệ mới của ban đại diện, hoặc chỉnh sửa, quy định những việc mà ban đại diện sẽ được làm một cách cụ thể, rõ ràng để họ có điều kiện sâu sát hơn về việc giáo dục học sinh ở trường; có tiếng nói uy tín, là một lực lượng giáo dục thực sự cần thiết, không thể thiếu trong nhà trường phổ thông.