Giáo dục

Đừng để trẻ thiếu kỹ năng sống vì không được vui chơi

TTO - Bắt đầu năm học mới, hình ảnh những đứa trẻ ngồi sau xe máy các bậc phụ huynh nhai tạm ổ bánh mì trên đường lớp học thêm sau giờ học chính khóa lại tái diễn.

Đừng để trẻ thiếu kỹ năng sống vì không được vui chơi - Ảnh 1.

TS Đinh Phương Duy: Nếu học nhiều quá thì các cháu sẽ không đủ thì giờ để cân bằng đời sống tinh thần, dẫn đến các cháu sẽ bị quá tải trong việc học.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ tâm lý ĐINH PHƯƠNG DUY– chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM cho rằng các bậc phụ huynh cần phải cân bằng giữa việc học và việc chơi nếu không muốn những đứa trẻ lớn lên như những con "gà chọi", chỉ biết học mà không có kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. 

Video tự động phát
Video tạm dừng

TS Đinh Phương Duy chia sẻ về thời gian vui chơi dành cho con trẻ - Video:  HỮU THUẬN

- Về mặt tâm lý, các cháu chỉ mới bắt đầu đi học, làm quen với hoạt động học tập nên các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cần phải giúp các cháu có sự cân bằng về thể chất và giúp các cháu có thời gian "tiêu hóa" kiến thức. 

Các cháu phải có thời gian hòa nhập môi trường, làm quen với bạn bè và đặc biệt là thời gian để vui chơi. Trong chương trình dạy có những môn tìm hiểu về tự nhiên, về xã hội và thế giới xung quanh…

Với những môn học đó, nếu trẻ chỉ học vẹt mà không có thời gian để nhìn ngắm, quan sát thì chắc chắn kiến thức học được sẽ không đọng lại. 

Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp, buổi chiều cha mẹ chở con đi học thêm, vừa đi trẻ vừa ăn tạm ổ bánh mì, tối về các cháu đã đuối rồi vẫn phải tiếp tục làm bài tập về nhà. 

Theo nguyên tắc về tâm lý thông thường, con người hoạt động, sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi …phải phù hợp với nhịp sinh học của mỗi người. Nếu học nhiều quá thì các cháu sẽ không đủ thì giờ để cân bằng đời sống tinh thần, dẫn đến các cháu sẽ bị quá tải trong việc học.

Đừng để trẻ thiếu kỹ năng sống vì không được vui chơi - Ảnh 3.

Một nữ sinh TP.HCM ngồi ăn trên xe máy ngay sau giờ học chính khóa buổi chiều - Ảnh: NGỌC HIỂN

* Nhiều ý kiến cho rằng tuổi thơ của trẻ em thành phố hiện nay luôn gắn với việc học, ông nghĩ thế nào về điều này?

- Nhiều trẻ em thành phố lớn lên với tuổi thơ không trọn vẹn, chỉ có mỗi học và học mà không được trải nghiệm những trò chơi tương tác thú vị bên bạn bè... 

Không được chơi những trò chơi này, các cháu sẽ mất đi sự hồn nhiên vốn có trong tâm hồn, không quan sát được những diễn biến, chuyển động của mọi vật xung quanh…Tầm mắt của đứa trẻ sẽ bị đóng khung bởi những giới hạn trước mắt, thiếu đi tư duy sáng tạo, tìm tòi những điều mới lạ. 

Về phương diện tinh thần, tâm hồn của trẻ sẽ ít có cảm xúc với thế giới xung quanh, dẫn đến nghèo nàn về tình cảm. Một người ít cảm xúc thì ứng xử với thế giới sẽ rất xơ cứng, không dễ dàng thích nghi với những thay đổi của cuộc sống, và dễ khép mình với xã hội. 

Điều đó còn dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn như trẻ sẽ không có bạn để chơi, lớn lên sẽ như những con "gà chọi", chỉ biết học mà không có kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. Chính từ đây các em dễ rơi vào cạm bẫy, không có sức đề kháng tinh thần để vượt qua những thất bại. 

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy vui chơi sẽ giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái, hỗ trợ cho sự phát triển kỹ năng tư duy và hiểu biết của trẻ cũng như kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.

* Theo ông, phụ huynh nên cho trẻ vui chơi như thế nào là hợp lý?

- Theo các nghiên cứu thì trẻ cần chơi một ngày ít nhất 2-3 giờ, khoảng thời gian vừa đủ để các nơron thần kinh được tái tạo. Các cháu học ở trường đã đủ rồi, về nhà phụ huynh chỉ nên cho trẻ xem lại bài. 

Còn đối với các trường học hai buổi thì về cơ bản, các cháu đã giải quyết bài tập ở trên lớp, về nhà chỉ cần ôn bài và nghỉ ngơi. 

Trong khoảng thời gian không phải ôn thi, phụ huynh nên để con thoải mái vui chơi, đừng ngại cháu chơi sẽ dơ, sẽ rách quần áo… Phụ huynh nên xem xét và thiết lập một thời gian biểu cân bằng giữa học và chơi dành cho trẻ. 

Những ngày cuối tuần, phụ huynh nên dẫn cháu đi chơi ở các công viên, trung tâm trò chơi, hoặc đưa bé đến xem các hoạt động giải trí giúp bé phát huy trí tưởng tượng như xem kịch, coi phim.  

Gần đây, vì bận bịu công việc mà nhiều phụ huynh giao các cháu cho gia sư hoặc giao cho nhà trường để quản lý con mình mà quên rằng đó cũng là cách kéo dài việc học của các cháu. Điều đó sẽ khiến các cháu ngán học và dẫn đến những hệ lụy mà phụ huynh cũng không lường trước được.

TS Đinh Phương Duy

Video tự động phát
Video tạm dừng

TS Đinh Phương Duy chia sẻ quan điểm về vấn đề trẻ em dùng smartphone - Video: HỮU THUẬN

Có nên cho trẻ xài smartphone?

*Thưa ông, hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con sử dụng smartphone, ipad rất sớm và sau giờ học các cháu lại chăm chú vào những thiết bị công nghệ này. Theo ông, có nên cho trẻ xài smartphone hay không?

Đây là hiện tượng và cũng là vấn nạn làm đau đầu những nhà quản lý giáo dục. Ngay cả người lớn cũng vậy, cứ rảnh là lại dùng smartphone, nhưng không thể trách được bởi xã hội phát triển và nó đã trở thành phương tiện liên lạc quá phổ biến.

Vấn đề là làm sao cân bằng được việc các cháu cầm smartphone và thời gian học cũng như vui chơi ngoài trời. Những đứa trẻ học lớp 1, lớp 2 thì không nên dùng bởi khi có nhu cầu trao đổi thông tin với cha mẹ, các em chỉ cần nhờ thầy cô liên lạc với phụ huynh.

Còn với những cháu đã lên THCS, có thể cân nhắc để các cháu dùng bởi lúc đó đã có nhu cầu liên lạc với bạn bè, đi học nhóm… Nhưng, khi đó chúng ta phải có sự giám sát, phải quy ước với các cháu là đã học thì không được xài smartphone.

Bố mẹ cũng phải khéo léo bằng hình thức này, hình thức khác kiểm tra để đảm bảo các cháu không cài những phần mềm, game xấu, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của cháu.

Điều quan trọng, phụ huynh nên dành thì giờ đi chơi với các cháu, tổ chức những buổi đi chơi chung, sinh hoạt chung ở công viên, trung tâm giải trí…

Và ở đó, phụ huynh cũng gương mẫu hạn chế sử dụng smartphone để kéo các cháu vào không khí gia đình, kéo các cháu vào thực tế, bớt đi cuộc sống ảo.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  197,012       15/1,294