Giáo dục

Trường ra quy định... nam nữ không được ngồi gần

TTO - Nam nữ sinh không được ngồi gần, nữ sinh không được nói chuyện với nam sinh ở tầng hầm gửi xe vì "là nơi mờ ám"... nhiều nội quy trường học nghe lùng bùng lỗ tai nhưng lại có thật 100%.

Trường ra quy định... nam nữ không được ngồi gần - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM chỉnh tề trong ngày khai giảng năm học 2017-2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tâm sự với Tuổi Trẻ Online, nhiều học sinh lớp 12 than thở việc mỗi ngày đi học "sấp mặt" và luôn phập phồng lo sợ trước giám thị cùng hàng chục điều "cấm kỵ", bắt buộc ở trường.

"Tầng hầm là nơi mờ ám"

M. là học sinh giỏi toàn diện, có ba năm học tại một ngôi trường nổi tiếng kỷ luật "thép" ở quận Tân Bình, TP.HCM.

M. kể: "Để hạn chế tình cảm nam nữ, trường quy định nam chỉ ngồi với nam, nữ chỉ ngồi với nữ. Bạn em suýt bị mời phụ huynh vì đứng nói chuyện với một nam sinh tại tầng hầm gửi xe, với lý do: đó là nơi mờ ám.

Giờ ra chơi, chúng em không được chơi cờ carô, dù trò này không hề có yếu tố bài bạc. Lớp học có rèm nhưng không được kéo, dù ngay giờ nắng gắt, vì... cản trở tầm nhìn của giám thị...".

Khi phóng viên Tuổi Trẻ Online liên hệ nhà trường để làm rõ về quy định "nam nữ thụ thụ bất thân" này, vị phó hiệu trưởng nhất quyết chỉ cung cấp văn bản nội quy học sinh và cách xếp loại hạnh kiểm học sinh sau... 15 ngày hẹn (?!).

Video tự động phát
Video tạm dừng

Các bạn trẻ chia sẻ về nội quy trường học ở TP.HCM - Thực hiện: MẠNH KHANG - NGUYÊN HẠNH

phỏng vấn_quy định trường cấp 3Nhiều trường THPT còn liệt kê chi tiết những điều mà học sinh không được thực hiện như: nhuộm tóc, cắt tóc model, nam để ngôi giữa, để râu, đeo trang sức, nữ mang giày cao hơn 5cm, trang điểm, xõa tóc không có kẹp...

Đồng phục cũng được trường yêu cầu thống nhất đến từng chi tiết: giày đảm bảo ít nhất 70% diện tích bề mặt có màu trắng, học sinh đi học phải mang cặp da hoặc giả da, cặp có hình chữ nhật nằm ngang có quai xách tay, balô học sinh có ít nhất 70% diện tích bề mặt màu đen, có hai dây đeo mang trên lưng...

Đi kèm với nội quy, các trường đưa ra mức kỷ luật khi vi phạm. Có trường quy định điểm trừ với từng lỗi cụ thể, cuối học kỳ tổng kết theo thang điểm 10 hay 100; có trường quy định số lần vi phạm tương ứng bậc hạnh kiểm giỏi, khá, trung bình, yếu.

Nội quy nên nghiêm, nhưng đừng quá "khắc"

Chia sẻ về chuyện nội quy, cô T.H.Minh - một giáo viên chủ nhiệm chuyên "kết bạn" với học sinh cá biệt - nói: "Lạt mềm buộc chặt mới hay. Nội quy càng chặt, các em càng quậy. 

Tụi nhỏ giờ thông minh, nổi loạn và nhiều chiêu trò, đường nào cũng đối phó được. Điều quan trọng là giáo viên chủ nhiệm, Đoàn thanh niên phải phân tích, thuyết phục để các em hiểu nội quy có phần hợp lý nhiều hơn vô lý.

Giám sát khắt khe để làm gì, nội quy chặt chẽ để làm gì nếu chỉ có tác động nhất thời, không có ý nghĩa giáo dục, định hình nhân cách của các em?".

Còn cô H.T.Hiền, giáo viên sắp về hưu tại một trường chuyên, cho biết: "Học trò ngày càng "quỷ quái", đôi lúc vui nhộn, đôi lúc quá đáng. Ý thức của một số học sinh phải thật sự báo động từ tác phong đi lại đến lời nói, xưng hô. Kỷ luật không chặt là chết.

Nhưng quy định thế nào, giám sát trừ điểm thế nào, nhà trường nên tính kỹ xem sẽ đem lại được gì cho học trò, tác dụng tốt hay ngược lại?".

Theo thạc sĩ Phạm Thị Thúy, tác giả quyển Cẩm nang phương pháp sư phạm, nội quy trong nhà trường quy định quá chi tiết sẽ ảnh hưởng đến sở thích, quyền tự do cá nhân và gây tâm lý ức chế cho học sinh. 

"Ở tuổi dậy thì, học sinh thường có tâm lý thích làm ngược, càng cấm càng làm. Vì vậy tôi nghĩ nên cho học sinh hình mẫu chuẩn mực để các em nhìn nhận và điều chỉnh phù hợp. Hãy cho các em thêm tự do.

Tôi hiểu mục đích của nhà trường tốt, nhưng chúng ta đừng sử dụng những cách làm gây cảm xúc tiêu cực cho học sinh.

Muốn tạo cho các em có nề nếp, ngoan ngoãn thì phải thuyết phục, động viên, chứ không phải bằng sự đe dọa, trừng phạt. Việc giám thị, đội sao đỏ đi canh học sinh để trừ điểm, tôi rất phản đối, rất phản giáo dục", thạc sĩ Thúy nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  263,934       1/1,803